Còn nhớ hồi đầu năm, BMW đã công bố kế hoạch sử dụng 2 khung gầm với tên gọi FAAR (cho các xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước) và CLAR (cho xe dẫn động cầu sau) cho tất cả dòng xe tương lai của mình. Giờ, họ đã tiến gần hơn một bước tới mục tiêu này và vừa chia sẻ chi tiết về việc làm sao các khung gầm này có thể đa năng tới vậy.

Khung gầm FAAR là bản cải tiến của hệ thống UKL hiện tại (đang trang bị trên các dòng BMW cầu trước và thương hiệu MINI) trong khi CLAR là thế hệ kế tiếp của khung gầm RWD cùng tên mà thương hiệu Đức đang sử dụng. 

Với việc gói gọn toàn bộ dòng xe vào 2 khung gầm, BMW hy vọng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về hệ thống truyền động trong tương lai một cách dễ dàng nhất, thay vì phải tìm hiểu và rồi phát triển từng khung gầm cho từng dòng xe nhất định.

BMW và tham vọng 2 khung gầm cho mọi dòng xe - Ảnh 1.

Khung gầm mới phù hợp với mọi cấu hình truyền động.

Mỗi khung gầm nói trên đều có thể sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, hệ thống truyền động hybrid sạc điện (bao gồm mô tơ điện và động cơ) hoặc hệ thống truyền động điện thuần (mô tơ điện và ắc quy).

Cấu hình EV sẽ bao gồm mô tơ đơn trên trục trước cho FAAR, đồng thời có thêm vị trí cho mô tơ phụ trên trục sau (cho các dòng AWD) trong khi với CLAR mô tơ điện chính và phụ nằm ở trục đối nghịch. Một mô tơ điện nữa có thể thêm vào trục sau trên bất cứ khung gầm nào cho các dòng xe hiệu suất cao, nhờ đó nâng tổng công suất của cấu hình này lên khoảng 800 mã lực.

Các tùy chọn mô tơ điện mà BMW hé lộ cũng khá đa dạng, từ loại cỡ nhỏ 135 mã lực, cỡ trung xấp xỉ 260 mã lực cho tới loại lớn (340 mã lực) và siêu lớn (405 mã lực trở lên).

Trong khi đó, vị trí của hệ thống ắc quy sẽ tùy thuộc vào từng dòng xe được điện hóa nhưng về cơ bản chúng sẽ nằm gọn dưới sàn xe, do đó không ảnh hưởng tới thể tích nội thất/khoang chứa đồ. Kích cỡ của ắc quy cũng có thể phóng to/thu nhỏ đôi chút tùy yêu cầu của khách hàng.

BMW và tham vọng 2 khung gầm cho mọi dòng xe - Ảnh 2.

Concept i Vision Dynamics sử dụng công nghệ tự lái cấp 5 cùng khung gầm CLAR.

Mẫu xe điện cơ bản đầu tiên của BMW trong thời gian tới có lẽ sẽ là dòng hatchback 1-Series dẫn động cầu trước trang bị mô tơ điện 135 mã lực trên trục trước và ắc quy lithium-ion cho tầm hoạt động tối đa 300 km mỗi lần sạc. Sau đó là đến dòng 3-Series dẫn động cầu sau với mô tơ 270 mã lực nằm tại trục sau. Các tùy chọn ắc quy lớn hơn sẽ giúp cải thiện đáng kể tầm hoạt động, với mức tối đa lên tới 750 km.

Về lý thuyết, các thông số trên cho thấy BMW hoàn toàn có thể chế tạo một siêu xe chạy điện thuần với 3 mô tơ điện (1 trước 2 sau) cho công suất 800 mã lực, tầm hoạt động 750 km/lần sạc và khả năng tăng tốc 0 – 100 km/h trong 3 giây. Theo phía BMW, khách hàng của họ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn cấu hình cho riêng mình nhờ thiết kế khung gầm mới này, và họ có thể chọn ắc quy cỡ lớn đi kèm mô tơ điện loại nhỏ để tăng tầm hoạt động lên cao nữa.

Dòng xe điện đầu tiên của BMW nằm ngoài dòng i sẽ là chiếc iX3 ra mắt vào năm 2020, cũng là mẫu xe đầu tiên sử dụng các công nghệ điện hóa thế hệ thứ 5 của hãng. Ra mắt sau đó 1 năm sẽ là siêu xe BMW i mới lấy cảm hứng từ concept i Vision Dynamics trang bị công nghệ tự lái cấp 5, khung gầm CLAR (thay vì khung thân sợi carbon như i3 và i8 hiện tại vì chúng khá tốn kém).

Dòng MINI chạy điện đầu tiên ra mắt vào năm 2019 vẫn sử dụng khung gầm UKL cũ nhưng cũng sẽ sớm chuyển sang FAAR vì UKL hoàn toàn không thích hợp cho các dòng xe điện về sau.

BMW và tham vọng 2 khung gầm cho mọi dòng xe - Ảnh 3.

Tất cả các dòng xe thuộc tập đoàn BMW (gồm cả MINI, Rolls-Royce...) đều sẽ được điện hóa trong tương lai.

Các dòng xe hybrid sạc điện của BMW cũng sẽ sớm chuyển sang sử dụng FAAR/CLAR.

Ngoài khung gầm, BMW cũng đang nghiên cứu cải tiến công nghệ chế tạo ắc quy xe điện với ưu tiên là các dòng ắc quy thể rắn nhằm tối ưu hiệu suất và mật độ năng lượng. Dòng ắc quy lithium-ion cũng "có thể cải tiến thêm", theo lời giám đốc phát triển mảng ắc quy của BMW ông Andreas Raith. Hiện họ đang hoàn thiện công nghệ cho phép làm nóng ắc quy từ 0 lên 20 độ C trong 30 giây, qua đó cải thiện hiệu suất hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời thấp. Ông cũng cho biết toàn bộ các kim loại được sử dụng để chế tạo ắc quy BMW đều có thể được tái chế.

Trong khi đó, giám đốc phụ trách dòng xe i của BMW là ông Rober Irlinger xác nhận tập đoàn sẽ điện hóa 100% các thương hiệu của mình, trong đó có cả Rolls-Royce.