Tại triển lãm SEMA vừa tổ chức cách đây chưa lâu, một mẫu Lamborghini Gallardo được trưng bày tại đây đã thu hút nhiều sự chú ý. Không chỉ bởi vẻ bề ngoài khác thường, điểm đáng chú ý nhất trên chiếc Lamborghini Gallardo này chính là khối động cơ từ Toyota.

Chính xác là như vậy, chiếc Lamborghini Gallardo này đã được loại bỏ khối động cơ V10 5.0L nạp khí tự nhiên có công suất hơn 500 mã lực nguyên bản, thay vào đó là khối động cơ Toyota 2JZ 6 xy-lanh thẳng hàng tăng áp kép.

Bên ngoài siêu xe Lamborghini Gallardo, bên trong động cơ Toyota - Công suất gây choáng - Ảnh 1.

Có thể bạn chưa biết:

Hệ thống tăng áp (turbocharger) có tác dụng đẩy thêm khí vào động cơ để tăng hiệu quả đốt cháy nhiên liệu, giúp tăng công suất đầu ra.

Do đặc điểm cấu tạo, hệ thống này thường chậm khoảng vài giây so với lúc người lái tăng ga. Quãng thời gian chậm trễ này gọi là turbo-lag (còn gọi là trễ turbo).

Trên thực tế, khối động cơ Toyota 2JZ thường được sử dụng trên các mẫu xe thể thao của hãng xe Nhật, như trên huyền thoại Toyota Supra. Tuy nhiên, đây lại là khối động cơ không hề nguyên bản mà đã được độ lại nhiều. 

Cụ thể là đã được thay đổi bộ tăng áp, sử dụng loại tăng áp đơn cỡ đại, cho ra công suất trên 1000 mã lực, tức là khoảng gấp 2 lần công suất nguyên bản trên khối động cơ của Lamborghini.

Không chỉ sử dụng bộ tăng áp khác, khối động cơ từ Toyota này cũng được trang bị thêm hệ thống ống xả bằng titan và một hệ thống chống turbo-lag (loại Rolling Anti-lag).

img
img

Mẫu xe này do hãng độ Street Aero thực hiện và cũng đã có người sở hữu chiếc xe này cả 18 tháng nay. Nói về mẫu xe này, chuyên trang Carscoops cảm thấy ấn tượng với bộ giảm xóc sau đặt ngang, nhưng lại không rõ rằng hệ thống này hoạt động có thực sự ổn trên đường hay không.

Xét về mặt kỹ thuật, hệ thống chống turbo-lag trên mẫu xe này cũng là điểm cho thấy chiếc xe này sẽ hiếm có cơ hội được ra đường, trừ khi chủ xe là người rất "chịu chơi".

Bên ngoài siêu xe Lamborghini Gallardo, bên trong động cơ Toyota - Công suất gây choáng - Ảnh 4.

Nguyên nhân nằm ở đặc điểm kỹ thuật của hệ thống chống turbo-lag đang gắn trên động cơ thường xuyên sản sinh ra nhiệt độ cao (cao hơn nhiệt độ thông thường nhiều) do thường xuyên đốt nhiên liệu để làm quay quạt gió trong hệ thống tăng áp, thay vì đơn thuần sử dụng mỗi luồng gió trích từ hệ thống ống xả; chính nhiệt độ cao và hoạt động đốt nhiên liệu ngay tại hệ thống tăng áp khiến cho hệ thống này không bền.

Ví dụ rõ nhất chính là những mẫu xe đua đường đất (Rally car) thường phải thay hệ thống tăng áp mới sau mỗi giải đua; và cũng vì lý do này mà không có hãng sản xuất xe nào trang bị hệ thống chống turbo-lag kiểu này trên các mẫu xe thương mại.

Ảnh trong bài lấy từ yeagerbomb142 / Instagram