Những chiếc xe bán tải của Toyota là huyền thoại về độ bền, do đó là phôi độ nhà di động lý tưởng.
Nhà di động trên Toyota Hilux không dễ kiếm - Ảnh: Autoevolution
Nhà di động dựa trên bán tải Toyota Hilux đời 1989, sử dụng động cơ turbo-diesel, 111 mã lực và 313 Nm mô-men xoắn, kết hợp với hộp số sàn 5 cấp để truyền lực tới trục sau hoặc ở tất cả các góc thông qua hộp số 2 cấp.
Điểm trừ lớn nhất là tay lái bên phải, hay dùng cho những nơi đi lề trái. Mặc dù vậy, chiếc xe vẫn được bán đấu giá ở Mỹ, nơi đi lề phải. Thực tế thì vẫn có thể lái xe tay lái phải, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều.
Tay lái phải là điểm trừ lớn của căn nhà di động này - Ảnh: Autoevolution
Bỏ qua điểm trừ này thì không gian sống thực sự được đánh giá cao. Trần xe có đèn chiếu sáng trên cao, giường tầng, cabin nhìn toàn cảnh nhờ các cửa sổ khắp nơi. Nóc nhà được thiết kế dạng bật lên. Khu vực sinh hoạt chung sử dụng nội thất gỗ, bên dưới ghế ngồi là tủ chứa đồ.
Phía sau chiếc Toyota Hilux này là khu vực bếp được trang bị mặt bàn gỗ, bồn rửa, bếp nấu, tủ lạnh. Phòng tắm có bồn cầu và vòi sen.
Không gian sống được bố trí hợp lý, cảm giác như được sống trong một ngôi nhà Nhật Bản - Ảnh: Autoevolution
Dành cho những chuyến đi xa, căn nhà di động này được trang bị pin năng lượng mặt trời trên nóc, có thể cung cấp điện cho laptop.
Ưu điểm của nhà di động là không gian yên tĩnh, chỉ cần lên xe và đi mà không cần bận tâm đến việc ở đâu. Thêm vào đó, không gian Nhật Bản thực sự phù hợp cho nhu cầu tĩnh lặng như vậy - Ảnh: Autoevolution
Chiếc xe đang được bán đấu giá nên chưa thể đưa ra giá trị cuối cùng của "căn nhà", nhưng chỉ riêng cái tên Toyota đã đủ để đảm bảo giá bán lại sẽ khá tốt dù đã đi được 52.000km.
Không những vậy, nhà di động trên xe bán tải từng là một cơn sốt ở Nhật Bản, được coi là biểu tượng của sự sang trọng hồi thập niên 90. Những chiếc motorhome như vậy rất khó kiếm, chưa nói tới tình trạng tốt và đã được chỉnh trang lại một cách tiện nghi như trên.