Một độc giả của Autopro đã cung cấp những hình ảnh gây tranh cãi của lực lượng dân phòng, trật tự và công an phường trên tuyến đường Láng, gần cầu Cống Mọc, Hà Nội vào 10h sáng ngày hôm qua 21/1/2013, gây hoang mang cho nhiều người tham gia giao thông.

Dân phòng vô tư dừng xe người tham gia giao thông bất chấp thông tư 45 1

Dân phòng vô tư dừng xe người tham gia giao thông bất chấp thông tư 45 2

Trong bức ảnh, một người đàn ông vận trang phục trật tự dân phòng, tay cầm dùi cui, miệng thổi còi chặn xe người tham gia giao thông. Ngay bên cạnh là một xe tuần tra của công an phường, 2 đồng chí công an phường đang tiến hành xử phạt người tham gia giao thông. Tất cả đều không phải cảnh sát giao thông và không hề có thẻ xanh theo như quy định của thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an. 

Dân phòng vô tư dừng xe người tham gia giao thông bất chấp thông tư 45 3

Nhiều người dân chưa nắm được quy định của thông tư 45, hoặc có nghe đến nhưng chưa hiểu bản chất, hoặc có hiểu bản chất nhưng luôn có tâm lý “sợ hãi” khi bị tuýt còi bởi các lựu lượng công an, trật tự, đành “ngậm ngùi” nộp phạt.

Dân phòng vô tư dừng xe người tham gia giao thông bất chấp thông tư 45 4

Việc những lực lượng công an phường, dân phòng, trật tự phường không phải cảnh sát giao thông và không đeo thẻ xanh vẫn vô tư xử phán khiến nhiều người hết sức hoang mang về thông tư 45 của Bộ công an ban hành. Nhiều đơn thư của độc giả đã gửi về Autopro bày tỏ họ vẫn chưa hiểu lực lượng nào được phép dừng xe người tham gia giao thông? Thông tư 45 chỉ áp dụng đối với Cảnh sát giao thông, còn công an phường, dân phòng, trật tự phải chăng “không phải cảnh sát giao thông, nên vô tư dừng xe người tham gia giao thông mà không cần thẻ”? Nếu gặp trường hợp công an, cảnh sát không đeo thẻ xanh dừng xe, thì họ “phải nói thế nào với các chú???”.

Để làm rõ điều này, Autopro xin trích đăng lại trao đổi với Đại tá Nguyễn Kim Hải – Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trên Cổng TTĐT Chính phủ. Ông cho biết Thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định Cảnh sát giao thông đường bộ phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và chỉ được sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thông tư này ban hành 27/7/2012 và có hiệu lực từ 1/1/2013.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, theo quy định, các cán bộ này có quyền thực hiện các hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Kim Hải nhấn mạnh, Cơ quan chỉ bố trí những cán bộ đã được cấp biển hiệu, Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong mỗi Tổ tuần tra, kiểm soát chỉ được bố trí 1 cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng xe.

Biển hiệu Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ hình chữ nhật, dài 85,6mm, rộng 53,98mm;chất liệu polymer. Nền biển hiệu màu xanh da trời, hình Công an hiệu in chìm ở khoảng giữa, chữ màu đen. Thông tin in trên biểu hiệu gồm: Tên đơn vị công tác, ảnh, họ tên, chức vụ, số (số hiệu Công an nhân dân của cán bộ được cấp biển hiệu) và tem bảo mật.

Dân phòng vô tư dừng xe người tham gia giao thông bất chấp thông tư 45 5

Biển hiệu có thời hạn sử dụng 3 năm.

Trường hợp do yêu cầu đấu tranh chống tội phạm; khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông thì số lượng cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng xe sẽ do Tổ trưởng quyết định theo quy định.

Trong một số tình huống nhất định (tình huống lái xe vi phạm, có dấu hiệu tội phạm), các lực lượng cảnh sát khác có thể xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, mục đích để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Ông Hải cho biết thêm, để được cấp biển hiệu, Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đã phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt. Đặc biệt là phải trải qua tập huấn về công tác tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua tập huấn, Cảnh sát giao thông sẽ phải thi trắc nghiệm, đạt yêu cầu mới được cấp Giấy chứng nhận và cấp biển hiệu.

Khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường bộ, Cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu này, biển hiệu có giá trị thay thế số hiệu Công an nhân dân. Khi không làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, các cán bộ Cảnh sát giao thông đeo số hiệu Công an nhân dân bình thường.
Như vậy, rõ ràng lực lượng dân phòng, trật tự chỉ được phép hỗ trợ cảnh sát giao thông, cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ khi có yêu cầu, chứ không được phép dừng chặn xe người tham gia giao thông.