Bắt mắt, lái tốt và giá cả phải chăng (vào thời điểm đó), Audi TT bỗng nhiên vụt sáng trở thành ngôi sao của làng xe vào thời điểm đó. 20 năm và 3 thế hệ trôi qua, TT hiện tại vẫn giữ được tinh thần và linh hồn của phiên bản gốc và xứng đáng là một biểu tượng của Audi toàn cầu.

Nguồn gốc

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 1.

Audi vào thời điểm đó đã từng sản xuất xe coupe, bao gồm chiếc 100 Coupe S là tiền thân của A7 sau này và dòng Quattro chuyên dụng trên đường đua. Tuy nhiên, TT lại là dòng xe hoàn toàn mới trong đội hình của hãng xe Đức lúc đó. Đội ngũ thiết kế không bị giới hạn bởi các rào cản truyền thống vô hình và họ đã sáng tạo ra một trong những dòng xe thành công nhất lịch sử làng xe sang.

Lúc đó, "yêu cầu kỹ thuật chỉ là chế tạo ra một concept xe thể thao với độ thực tiễn tốt mà thôi", ông Ulrich Hackenberg, hiện là một thành viên ban lãnh đạo Audi đã từng tham gia giám sát quy trình phát triển chiếc TT hồi tưởng lại. Nội thất xe thì "ít nhất có thể nhưng vẫn phải đủ những gì cần thiết".

Lựa chọn tên gọi

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 2.

Vậy TT là viết tắt của gì? Tăng áp kép (Twin-Turbocharged)? Thời gian thử nghiệm (Time Trial – một giai đoạn trong quy trình đua)? Đều không phải.

NSU – một trong những công ty sáp nhập vào để thành lập Audi đã giành chiến thắng cuộc đua thường niên Tourist Trophy tại Isle of Man vào giai đoạn đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Họ ăn mừng bằng cách ra mắt một dòng mô tô Moped có tên Quickly TT vào năm 1959 rồi sau đó là dòng Prinz 1000 TT (ảnh trên) 6 năm sau. Prinze TT từ đó "tiến hóa" lên thành dòng TTS chuyên dụng đua sau này.

TT Coupe Concept (1995)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 3.

Freeman Thomas và J Mays là những người đầu tiên đặt nền móng cho chiếc TT nguyên bản vào năm 1994 tại studio thiết kế của Audi đặt ở Santa Monica, California. Khung gầm họ sử dụng lấy từ chiếc A3 sắp ra mắt vào thời điểm đó, bên trên là một chiếc coupe với đường nét hiện đại, mạnh mẽ và sắc sảo. Việc dùng chung khung gầm và cả một số chi tiết giúp giảm giá thành chế tạo TT, qua đó giúp xe tiếp cận người dùng dễ dàng hơn. Trong giai đoạn này, việc sản xuất một mẫu xe cao cấp, sang trọng với giá thành tương xứng chưa hề xuất hiện trong tầm nhìn của Audi, ít nhất là với TT.

Cuối cùng, ý tưởng của cả 2 đã được hiện thực hóa với concept TT Coupe ra mắt tại triển lãm Frankfurt 1995. Đúng như kỳ vọng, thiết kế ấn tượng, bắt mắt của xe đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả ngành công nghiệp ô tô lúc đó.

TTS Roadster Concept (1995)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 4.

Được giới thiệu tại triển lãm Tokyo 1995, TTS Roadster là một hướng đi khác của dòng TT: mui trần với mui làm bằng vải mềm kéo căng che phủ hoàn toàn khoang hành khách (giống thiết kế một chiếc lều) thay vì mui trần chỉnh điện thường thấy.

Ký tự S trong tên xe nhằm nhấn mạnh việc công suất phiên bản này cao hơn TT thường một chút, vào thời điểm đó là 210 mã lực nhờ động cơ tăng áp 1.8L. Tương tự TT Coupe Concept, TTS Roadster cũng được đánh giá rất cao, khiến Audi bắt đầu bắt tay vào hiện thực hóa 2 ý tưởng này thành 1 dòng xe hoàn chỉnh.

TT thế hệ đầu tiên (1998)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 5.

Phiên bản chính gốc của Audi TT ra mắt vào năm 1998 tại triển lãm Paris. Về cơ bản thiết kế, phong cách và kích cỡ xe không khác biệt nhiều so với concept ra mắt trước đó, nhờ đó giữ được dáng vẻ quyến rũ "chết người" cần thiết.

TT ngay lập tức gây bất ngờ cho người hâm mộ và cả các đối thủ. Ít ai ngờ Audi có thể hiện thực hóa concept táo bạo tới như vậy. Mercedes lúc đó có dòng SLK mui trần lai coupe nhưng khi so về phong cách lẫn cảm giác lái, TT vẫn vượt trội hơn, chưa kể giá thành lại dễ chịu hơn hẳn.

Thông số chính thức

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 6.

Tại Mỹ, TT bản tiêu chuẩn sử dụng động cơ 1.8L 4 xy-lanh tăng áp công suất 180 mã lực, 235 Nm mô men xoắn. Xe trang bị hệ dẫn động cầu trước tiêu chuẩn (với Quattro danh tiếng là tùy chọn ngoài) với mức giá khởi điểm chỉ 30.500 USD, thấp hơn tận 10.000 USD so với đối thủ trực tiếp Mercedes-Benz SLK.

TT mui trần (1999)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 7.

Audi bổ sung thêm phiên bản convertible cho dòng TT tại triển lãm Geneva 1999. Thiết kế xe vẫn không khác biệt nhiều so với 4 năm trước đó.

Bổ sung cân bằng điện tử (1999)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 8.

Hình ảnh hào nhoáng của Audi TT phần nào đó lu mờ đi trong giai đoạn này vì số vụ tai nạn liên quan tới xe tăng cao bất thường, nhất là khi vận hành ở tốc độ cao (trên Autobahn – Đức). Cuộc điều tra sau đó cho thấy chiếc coupe có thể gặp lỗi vận hành bất ổn khi vượt mốc 100 km/h. Audi nhanh chóng tiến hành thu hồi xe để sửa lỗi, cải thiện hệ thống treo và thêm cánh gió sau. Cũng trong giai đoạn này tùy chọn cân bằng điện tử được thêm vào cho chiếc coupe.

Động cơ V6 (2003)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 9.

Sau nỗ lực bất thành trong việc chế tạo 1 dòng xe với khung gầm RS4 nhưng công nghệ của TT để ra mắt một phiên bản hiệu suất cao mới, Audi đã tích hợp động cơ VR6 3.2L 250 mã lực vào các tùy chọn của TT từ 2003. Dòng động cơ này trước đó từng được Volkswagen sử dụng trên dòng Golf R32 và cả chiếc Porsche Cayenne đầu tiên.

TT Shooting Brake Concept (2005)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 10.

Audi quay trở lại triển lãm Tokyo vào năm 2005 với chiếc TT Shooting Brake – cơ bản là một dòng TT mới góc cạnh hơn. Trần xe được kéo dài về phía sau để tạo thành 1 chiếc mini estate hoàn chỉnh. Một lần nữa giới truyền thông xe toàn cầu lại bị chấn động: liệu Audi có dám biến TT thành 1 dòng xe shooting brake hay không? Câu hỏi này được nhắc lại trong 1 quãng thời gian dài nhưng cuối cùng câu trả lời là không.

TT thế hệ thứ 2 (2006)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 11.

Thế hệ TT hoàn toàn mới ra mắt vào tháng 4/2006 đánh dấu buổi ra mắt xe TT đầu tiên thực hiện qua Internet trực tuyến. Chiếc coupe, thay vì lấy cảm hứng từ thế hệ trước, dùng concept Shooting Brake làm nền tảng nhiều hơn. Chỉ có trần xe fastback vuốt về phía sau và vòm bánh xe cỡ lớn nổi bật được giữ lại.

Trải nghiệm lái trên TT thế hệ mới là điểm mạnh lớn nhất mà các kỹ sư Audi dày công xây dựng cho xe. Họ đã sử dụng chất liệu nhôm rất nhiều để tối giảm trọng lượng, qua đó có thể trang bị cho chiếc coupe nhiều dòng động cơ lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Bản TTS 268 mã lực ra mắt vào năm 2008 tại Detroit, theo sau là chiếc TT 4 xy-lanh tăng áp diesel đầu tiên.

TT Clubsport Quattro Concept (2007)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 12.

Những fan hâm mộ TT yêu thích công việc độ xe tới tham dự sự kiện Worthersee thường niên vào năm 2007 đã được một phen mãn nhãn khi chứng kiến bản Clubsport Quattro Concept – có thể nói là mẫu TT ấn tượng nhất từ trước đó tới giờ. Lấy cảm hứng từ dòng Porsche 356 Speedster và bộ phim Fast&Furious, mẫu concept nằm trong phân khúc mui trần với kính chắn gió trước cực ngắn ôm lấy đầu xe và vị trí cột A. Phần đầu xe cũng được làm loại hàn toàn bên cạnh việc tay nắm cửa chuyển sang dạng ổn và bộ bodykit thể thao độc đáo.

TT RS đối đầu Mercedes-AMG đối đầu BMW M (2009)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 13.

Phân nhánh hiệu suất cao Quattro của Audi được giao thực hiện phiên bản TT riêng vào năm 2009. Với tên gọi TT RS, xe ra mắt tại triển lãm Geneva và đánh dấu sự trở lại của động cơ 5 xy-lanh trong đội hình sản phẩm của thương hiệu Đức sau 1 thời gian dài. Sở hữu công suất 335 mã lực nhờ công nghệ tăng áp, TT RS cũng trang bị hệ dẫn động 4 bánh Quattro, hộp số sàn 6 cấp, hệ thống treo và phanh chuyên dụng cho xe hiệu suất cao. TT RS cũng đánh dấu lần đầu tiên dòng xe này có thể cạnh tranh ngang hàng với các thương hiệu như AMG (Mercedes-Benz) và M (BMW).

TT tự động lái (2010)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 14.

Về lý thuyết, các dòng xe thể thao sẽ là những mẫu xe cuối cùng được tự động hóa hoàn toàn bởi chúng nhắm vào trải nghiệm lái ấn tượng nhất có thể. Dù vậy điều này không có nghĩa các hãng xe không thể trang bị công nghệ tự lái lên xe thể thao và chiếc Audi TTS ra mắt trong năm 2010 đã có thể tự vận hành trong một chuyến chạy thử tại Colorado, Mỹ dù rằng so với xe có người lái tốc độ và khả năng chính xác vẫn còn kém hơn một bậc.

Allroad Shooting Brake Concept (2014)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 15.

Audi tham dự Detroit 2014 với concept mang tên Allroad Shooting Brake sở hữu thiết kế khá giống bản concept ra mắt vào năm 2005 chung tên gọi – chỉ khác biệt duy nhất một điều rằng mẫu xe này nằm trong phân khúc SUV thay vì estate. Gầm xe được nâng cao và nhiều chi tiết bảo vệ được thêm thắt vào ngoại thất vừa để tăng tính thực tiễn vừa để mang lại cái nhìn mạnh mẽ hơn. Tuy vậy kết quả của cả 2 bản concept khá giống nhau, đều không được hiện thực hóa (tính tới thời điểm bài viết).

TT thế hệ thứ 3 (2014)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 16.

Ra mắt tại triển lãm Geneva 2014, TT thế hệ thứ 3 vẫn giữ được dáng vẻ của thế hệ ngay trước nhưng phần lớn đã quay trở về với những giá trị cốt lõi của thế hệ đầu: hiện đại, mạnh mẽ, sắc sảo và thuần khiết.

Xe sử dụng khung gầm dạng khối MQB thuộc tập đoàn Volkswagen. Công nghệ trên xe cũng được tăng cường một bậc với khoang lái thực tế ảo, màn hình cỡ lớn độ phân giải cao thay thé cụm đồng hồ số truyền thống...

TT Offroad Concept (2014)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 17.

Nhắc đến việc mở rộng "lãnh địa" của TT, chắc chắn phân khúc SUV là điều mà Audi nghĩ tới đầu tiên khi xét tới tỉ lệ tăng trưởng của nền công nghiệp ô tô hiện nay. Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu đều chứng kiến sự thống trị về tốc độ thăng tiến của các dòng xe SUV.

Audi lựa chọn Trung Quốc (triển lãm Bắc Kinh) – một trong các thị trường trọng yếu của hãng làm nơi ra mắt TT Offroad. Dù phiên bản cuối cùng cũng vẫn không (hoặc chưa) được bật đèn xanh, có thể nói Audi đã làm khá tốt trong việc truyền tải phần hồn TT vào bộ khung SUV.

TT Sportback Concept (2014)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 18.

Tiếp tục là một concept TT ra mắt trong năm 2014 của Audi và cũng nhận được phản hồi tốt không kém bản SUV. Sportback Concept ra mắt vào cuối năm tại triển lãm Paris và được định hướng là một chiếc TT "cho gia đình" với chiều dài cơ sở lớn hơn và 4 cửa ra vào, dù vậy xe vẫn không mất đi chất thể thao cần thiết. So với concept Offroad SUV phía trên, khả năng Audi có thể bật đèn xanh cho Sportback lớn hơn rất nhiều.

TT Clubsport Turbo Concept (2015)

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 19.

Đánh dấu bước tiến vào phân khúc siêu xe của dòng TT là concept Clubsport Turbo lấy cảm hứng từ chiếc Audi 90 IMSA GTO làm mưa làm gió trên các trường đua vào giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Bộ body kit thể thao làm thay đổi đáng kể dáng vẻ của chiếc coupe, có thể kể đến như sự bổ sung cánh gió sau, viền vòm bánh xe cùng màu thân và trang trí hốc gió.

Động cơ 2.5L 5 xy-lanh mà xe trang bị cho công suất tối đa lên tới 600 mã lực. Ngoài ra khả năng tăng tốc tức thời của Clubsport Turbo cũng được đánh giá cao khi sử dụng hệ thống nén điện tử để tối ưu, dẫn tới việc gần như không có độ trễ giữa thời gian người dùng đạp chân ga và xe tăng tốc. Audi cho biết công nghệ này sẽ sớm được áp dụng lên các dòng xe thành phẩm của hãng trong tương lai, mới đây nhất là SQ7 TDI.

Tương lai

Audi TT: 20 năm của thiết kế đi trước thời đại - Ảnh 20.

Giám đốc mảng công nghệ giao tiếp và sản phẩm của Audi, ông Peter Oberndorfer trả lời phỏng vấn của Autocar tại thềm triển lãm Geneva 2018 đang diễn ra cho biết hãng không có dự định đưa bất cứ ý tưởng TT nào trước giai đoạn 2014 vào sản xuất. Khi được hỏi về việc mở rộng dòng sản phẩm TT, ông trả lời rằng "đó đã từng là ý tưởng của Audi (thể hiện qua các concept SUV/Estate) nhưng hiện giờ có lẽ điều đó không còn phù hợp với đội hình đương thời của hãng".

 Ảnh: Autocar