Việt Nam là một quốc gia đặc thù về điều kiện khí hậu cũng giao thông. Theo như cách mô tả của những kỹ sư hàng đầu tại nhà máy THACO Mazda, hiếm ở đâu như Việt Nam có gờ giảm tốc cao đến thế và tình trạng ngập úng ở các đô thị lại nhiều đến vậy. Đó cũng là lý do những chiếc CX-5 nói riêng và xe Mazda nói chung khi lắp ở Việt Nam phải được chăm chút hơn ở một số chi tiết cũng như được thử nghiệm khó khăn hơn so với tiêu chuẩn chung trên toàn cầu.

Những thay đổi trong khâu lắp ráp này, theo như Trường Hải khẳng định, đã được gửi lên tập đoàn Mazda để được phê duyệt. Chỉ khi hãng xe Nhật đồng ý và cử đoàn đại diện sang kiểm định thì mới được phép áp dụng. Và THACO với quyền cấp phép đó đã dựng lên 5 công đoạn ráp các chi tiết của một chiếc CX-5 trong vòng 9 tiếng nếu dây chuyền chạy xuyên suốt ở nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á.

Tua nhanh quá trình lắp ráp Mazda CX-5 tại nhà máy THACO Mazda. Nguồn: THACO.

Quy trình 1: Hàn

Thời gian ước tính: 2 tiếng

Dây chuyền hàn thân xe (body) được thực hiện gần như tự động hoàn toàn với sự tham gia của 50 robot mang nhãn hiệu Kawasaki - Series B. Đây là thế hệ robot mới nhất, có thể quay được theo mọi góc nhằm đáp ứng yêu cầu công nghệ của từng vị trí điểm hàn. Theo chia sẻ từ THACO, mỗi body có tới hơn 3.000 điểm hàn. 

Chất lượng mối hàn tới từ công nghệ hàn điểm bằng súng hàn, trong đó có ứng dụng công nghệ servo (vít me) - tạm hiểu là sử dụng phản hồi âm trong quá trình hoạt động để đạt được độ chính xác cao. 

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 2.

Các cánh tay hàn (màu trắng) là robot của Kawasaki trong khi các trụ nâng màu vàng phía dưới là robot định vị thân xe. Dưới cùng là các shutter di chuyển body.

Ngoài ra, quy trình này còn có 206 robot định vị thân xe. Chúng có nhiệm vụ giữ các body trong lúc hàn và di chuyển nhằm đảm bảo độ cứng vững. Mỗi robot có thể điều chỉnh khoảng cách theo lập trình hoặc điều khiển tay để khớp với từng body xe Mazda, gồm: Mazda2 (cả sedan và hatchback), Mazda3 (cả sedan và hatchback), Mazda6 và Mazda CX-5. 

Các kỹ sư tại nhà máy THACO Mazda khẳng định robot định vị này hoạt động linh hoạt tới mức dây chuyền có thể thay đổi sản phẩm liên tục nhằm đảm bảo nhu cầu từ thị trường. 

Trong và sau quá trình hàn, toàn bộ các body được vận chuyển bằng 3 bộ được gọi là Shutter nhằm giúp chúng không bị xô lệch. 

Quy trình 2 + 3: Sơn tĩnh điện và Sơn màu

Thời gian ước tính: 2 tiếng

Dây chuyền sơn tĩnh điện sử dụng công nghệ nhúng liên tục, trong đó, body được nhúng ngập hoàn toàn trong bể. Đường đi của robot định vị thân xe theo dạng lượn sóng (lên, xuống liên tục nhưng body vẫn ngập trong hoá chất) nhằm đảm bảo mọi vị trí đều tiếp xúc với sơn. 

Thân xe Mazda CX-5 trên dây chuyền sơn tĩnh điện. Video: Đăng Việt.

Thời gian nhúng trong bể sơn tĩnh điện tại nhà máy THACO Mazda kéo dài 4 phút - cao hơn so với công nghệ hiện nay (từ 3,3 đến 3,5 phút). Mục đích là đảm bảo sự đồng đều trên toàn bộ bề mặt body và chiều dày của lớp sơn sẽ có thể dày hơn so với công nghệ hiện nay khoảng 3 lần. 

Đây là công đoạn quan trọng quyết định tới tỷ lệ thương vong nếu xe gặp tai nạn không đáng có. Bởi theo lý giải từ các kỹ sư tại nhà máy, sau khi sơn giai đoạn 2 (Quy trình 3: Sơn màu), lớp sơn hoàn chỉnh sẽ đạt độ dẻo đủ để uốn cong theo các chi tiết, tránh tối đa việc lộ ra phần kim loại - điểm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người sử dụng. 

Sang dây chuyền sơn màu, công nghệ wet on wet (tạm hiểu là sơn ướt 2 lớp) được ứng dụng. Các cánh tay robot sẽ phun sơn đồng đều trên toàn bộ body. Điểm ấn tượng nhất là thời gian thay sơn chỉ trong vòng 45 giây và mỗi cánh tay có thể cung cấp 45 màu sơn khác nhau. 

Sau khi hoàn thiện, các body được đi qua phòng sấy có 3 buồng nhiệt độ để đảm bảo độ cứng bề mặt lớp sơn.

Dây chuyền sơn màu Mazda CX-5. Video: Đăng Việt.

Quy trình 4: Lắp ráp

Thời gian ước tính: 3 tiếng

Nhà máy THACO Mazda như được chia ra thành 2 dãy nhà riêng biệt, song song và nối với nhau giống như các toà tháp đôi. Phần nối chính là dây chuyền di chuyển các body từ xưởng sơn sang bộ phận lắp ráp. 

Dây chuyền lắp ráp được tự động hoá 80%. Vì sao không phải 100% như 3 quy trình trước đó? Bởi THACO cho biết 20% yếu tố con người sẽ giúp độ thẩm mỹ và chính xác trong quá trình lắp ráp được đảm bảo bởi máy móc chỉ làm việc theo lập trình và chưa thể phát hiện ra những lỗi nhỏ, phát sinh mà những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm cảm nhận được bằng mắt. 

Toàn bộ quá trình lắp ráp được giám sát bởi một đội ngũ kỹ thuật ngồi ở đầu quy trình. Mỗi khi công nhân lắp ráp không kịp tốc độ của dây chuyền hoặc phát hiện lỗi phát sinh thì đều có thể ấn nút thông báo. Vị trí cần trợ giúp sẽ sáng trên "bản đồ" ở bàn giám sát cũng như trên các màn hình lớn đặt dọc phân xưởng lắp ráp. Từ đó, các kỹ thuật viên hỗ trợ sẽ tới để khắc phục. Dây chuyển chỉ hoạt động trở lại khi lỗi được khắc phục hoàn toàn. 

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 5.

Toàn bộ body được di chuyển trên cao từ khu vực sơn sang phân khu lắp ráp.

3 tiếng lắp ráp là khi toàn bộ linh kiện nhập khẩu được ráp với body. Cũng lúc này, yếu tố Việt Nam được thể hiện rõ. Dây chuyền bắn keo dán kính tiếp tục sử dụng robot tự động để tính toán lượng keo cần thiết và phải đồng đều. Nếu thực hiện bởi con người, lượng keo khác nhau ở mỗi vị trí có thể gây ra những chênh lệch dù nhỏ nhưng cũng tăng độ ồn khi di chuyển. Ngoài ra, đặc thù khí hậu nóng ẩm và nhiều điểm ngập úng ở Việt Nam, các body được giám sát kỹ càng hơn để chắc chắn không có khe hở nào theo yêu cầu mỹ thuật và kỹ thuật đã được Mazda phê duyệt.

Quy trình 5: Kiểm định

Thời gian ước tính: 2 tiếng

Giống như các mẫu xe lắp ráp khác, xe Mazda nói chung và CX-5 nói riêng phải trải qua công đoạn kiểm định trước khi được xuất xưởng. Với riêng nhà máy THACO Mazda, góc đặt bánh xe, đèn chiếu sáng, tốc độ, phanh được kiểm tra bằng công nghệ 3D laser, trong đó dùng tới 36 camera cho mỗi bánh xe để đảm bảo các thông số kỹ thuật chính xác trong quá trình lắp ráp. 

Quan trọng nhất, toàn bộ xe xuất xưởng phải được kích hoạt và kiểm soát bằng hệ thống EOL. Đây là hệ thống kết nối trực tiếp với Mazda Nhật Bản nhằm xác nhận tình trạng chất lượng của mỗi mẫu Mazda "ra lò" ở Việt Nam phải giống với xe sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản. 

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 6.

Mazda CX-5 thế hệ mới đang được kiểm định trên dây chuyền.

Lâu nhất trong khâu kiểm định là phần thử xe tại nhà máy THACO Mazda (kéo dài khoảng 25 phút). Đường thử xe có chiều dài 2,4km, mô phỏng khá đầy đủ các địa hình thực tế. Một lần nữa, yếu tố Việt Nam được đưa vào khi loại sỏi, đá sử dụng trên đường gồ ghề cao hơn tiêu chuẩn 5mm. 

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 7.

Một nửa đường thử nhìn từ trên cao.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 8.

Dốc là thử thách đầu tiên của Mazda CX-5 trên đường thử trong nhà máy.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 9.

Tại đây, tính năng Auto Hold được thử nghiệm. Đây là tính năng giống như hỗ trợ khởi hành ngang dốc - chỉ cần đạp hết phanh, xe sẽ tự động đứng vững trên dốc trong thời gian tuỳ ý, không bị tụt dốc. Sau đó, lái xe chỉ cần đạp ga là xe vượt dốc.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 10.

Sau đó, xe chạy qua đường gồ ghề được bố trí sỏi, đá. Phía trái là khu vực cho xe du lịch trong khi phía phải là xe thương mại (xe bus, xe tải) vì độ gồ ghề phải cao hơn.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 11.

Một chiếc Mazda CX-5 chạy qua đoạn đường gồ ghề.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 12.

Đoạn đường thẳng để thử khả năng tăng tốc. Cùng với đó, 2 vạch trắng chia làn dùng để thử hệ thống cảnh báo lệch làn trên Mazda CX-5.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 13.

Đoạn cua ở mỗi đầu đường thử dùng để thử nghiệm hệ thống GVC - cân bằng khi vào cua. Ở vận tốc trên 30km/h, Mazda CX-5 khó cho cảm giác nghiêng xe nhờ tính năng này.

9 tiếng lắp ráp Mazda CX-5 theo cách Việt Nam - Ảnh 14.

Kích thước mỗi viên sỏi được tính toán để phù hợp với đặc thù giao thông tại Việt Nam và đã được Mazda Nhật Bản phê duyệt.

THACO cho biết thời gian lắp ráp Mazda CX-5 nếu dây chuyền chạy xuyên suốt sẽ kéo dài khoảng 9 tiếng. Thời gian này tương tự khi lắp ráp Mazda6 trong khi Mazda2 và Mazda3 chỉ mất 8 tiếng. 

Trong giai đoạn đầu, mỗi ngày, nhà máy THACO Mazda có thể đạt công suất lắp ráp 140 xe/ca 8 tiếng. Giai đoạn 2, nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á này có thể đạt 340 xe/ngày và tiến tới xuất khẩu ra khu vực. 

Ảnh: THACO