91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí tại Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO, theo báo cáo của Green ID. Nguyên nhân gây ô nhiễm là rất nhiều, nhưng tại các thành phố lớn, phải kể đến lượng khí thải từ hoạt động giao thông vận tải.

Nói tại Hội thảo "Xu hướng và giải pháp Công nghệ Giao thông thông minh an toàn, kinh tế và bảo vệ môi trường" vừa diễn ra, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh: "Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng, dầu diezen làm nhiên liệu sẽ phát thải lượng lớn khí CO2, SO2…".

Các nghiên cứu chỉ ra xe máy đang chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải này. Các loại động cơ còn lại dễ phát sinh ra nhiều bụi và các khí độc hại khác.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Xăng dầu, ông Dung cho biết lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa trong năm 2015 của Việt Nam là 16 triệu m3, tăng khoảng 6% so với những năm trước. Trong đó, khoảng 50% là tiêu thụ dành cho các phương tiện giao thông vận tải.

Hiện Việt Nam được đánh giá có sức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh nhất trong khu vực, tính riêng giai đoạn 1994 đến 2013. "Trong vòng 20 năm thì mức độ tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 75% một năm và dự báo đến năm 2020 thì chúng ta sẽ tiêu thụ khoảng 25 triệu m3", ông nói.

Những điều này được ông chỉ ra như những nguyên nhân khiến tình hình ô nhiễm không khí, lãng phí về năng lượng trở nên trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, ông cho rằng đã đến lúc đặt ra những biện pháp giảm hoặc đưa vào những nhiên liệu mới, sạch và thân thiện với môi trường.

Phương tiện chạy bằng điện đang là xu hướng trên thế giới, ông Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ chỉ ra. Trung Quốc, trước vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng, đã có chính sách chuyển đổi sang các phương tiện như ô tô, xe máy điện với tỷ lệ chuyển đổi, theo ông Lân là hướng tới 100%.

"Họ có hỗ trợ rất lớn. Điều này có hiệu quả chống ô nhiễm môi trường, vấn đề này không giải quyết nhanh thì hậu quả kéo dài về sau", ông Lân nói.

Tại Việt Nam, thị trường về xe điện đang được bỏ ngỏ. Đối với xe ô tô, các dòng xe hybrid (xe lai giữa điện và xăng) không phải loại phương tiện phổ biến và không có hãng xe phân phối chính thức. Xe máy điện hay xe đạp điện cũng chưa có sự đầu tư bài bản, chủ yếu là các dòng xe chất lượng thấp, nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp từ linh kiện Trung Quốc.

"Vinfast đang đóng vai trò tiên phong trong thị trường xe máy điện tại Việt Nam", ông Lân nói trước sự ra đời của chiếc Klara vừa được trình làng. Ông cũng cho rằng kế hoạch của doanh nghiệp này đang đi đúng hướng.

Cụ thể như việc Vinfast bắt tay với PV Oil triển khai các trạm sạc trên toàn quốc. Nguyên nhân, xe máy điện, khi phát triển, phải tính đến hệ thống sạc pin, sạc điện với tính bao phủ lớn, tương tự những trạm xăng.

"Tôi tin là VinFast đã có sự khảo sát rất kỹ, tính toán rất kỹ và làm rất chuyên nghiệp. Sản phẩm hiện tại tôi nhìn thấy khá là hoàn thiện. Tôi nghĩ là chúng ta chắc chắn phải sử dụng và phát triển những phương tiện như thế này", ông nhận xét.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia nhận xét như cầu tăng trưởng xe điện tại Việt Nam đang tăng đều và sẽ tiếp tục. Đây là một xu hướng rõ nét, theo ông.

Quá trình sử dụng xe điện cũng gây lo ngại về vấn đề môi trường. Lượng điện có thể tăng vọt nếu xe điện trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, ông Minh cho biết qua tính toán, lượng khí phát thải tạo ra khi sản xuất điện tại nhà máy nhiệt điện ít hơn 25% so với lượng thải ra từ xe dùng động cơ đốt trong chạy xăng. Đối với thuỷ điện, tỷ lệ này còn giảm hơn.

Pin xe cũng là vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, vị này cho biết nếu được thu gom, tái chế hợp lý, thì sẽ xử lý được.

Hiện Việt Nam đã có quy chuẩn về xe điện như trọng lượng, tốc độ nhưng phần quản lý nguồn gốc chưa được đẩy mạnh, theo ông Minh. Nghĩa là đang có hiện tượng phương tiện, phụ tùng trôi nổi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, gây mất an toàn giao thông. Theo đó, ông đề xuất các cơ quan chức năng trong tương lai cần hoàn thiện quy chuẩn này.