Bức ảnh dưới đây cho chúng ta thấy một trong những tàu hậu cần khổng lồ của Hải quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên biển. Theo đó, tàu hậu cần USNS Kanawha tiếp nhiên liệu cho tàu tuần dương USS San Jacinto và tàu khu trục USS Roosevelt, trong khi 2 tàu khác là USS Nitze và USS Mason cũng đang chờ đến lượt mình.

img
 

Kanawha không chỉ cung cấp nhiên liệu để vận hành hệ thống động lực (động cơ) cho các tàu bạn mà còn “tiếp máu” cho các máy bay đi kèm theo các tàu này. Kanawha thuộc lớp tàu hậu cần Henry J. Kaiser, có khả năng chuyên chở 25.526.120 lít dầu máy hoặc nhiên liệu máy bay. Kanawha cũng có thể chở theo và bổ sung tại chỗ linh kiện dự trữ, lương thực, thực phẩm, đạn dược và thậm chí cả thuyền viên cho các “khách hàng” ngay trên biển.

Nếu thiếu những thứ tưởng chừng khá giản dị như này, các tàu Hải quân Mỹ cũng như kíp thủy thủ của chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải quay về cảng để được bổ sung, khiến cho các “sứ mệnh” trở nên dễ đoán và đối phương có thể lợi dụng điểm yếu này.

Như vậy, công tác hậu cần trở nên đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, để các tàu cỡ lớn song hành trên biển ở khoảng cách gần là không hề đơn giản. Bởi lẽ, khi 2 tàu đang kết nối với nhau trong hành tiến, bắt buộc phải giữ đội hình, cự ly để tránh đâm va và luôn phải đề phòng để có thể tách nhau khẩn cấp trong trường hợp có sự cố hoặc bất ngờ xuất hiện những mối đe dọa.

Hiện nay đang có những ý kiến tranh cãi trong nội bộ Hải quân Mỹ về việc một ngày nào đó những tàu này có thể được trang bị những vũ khí phòng thủ khi tác chiến trên biển.

Trên thực tế, Thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai chúng ở nước ngoài để đánh giá những ý tưởng căn bản về việc bổ sung vũ khí cho các tàu hậu cần của Hải quân Mỹ (USNS) thay cho thiết kế nguyên thủy.

 
 

Mặc dù có những ranh giới mập mờ giữa các tàu hậu cần và tàu chiến mặt nước, nhưng nếu ý tưởng này được triển khai, nó có thể cung cấp cho Hải quân Mỹ những lựa chọn chiến thuật đa dạng hơn nhằm đối phó với những mối đe dọa hay khủng hoảng bất ngờ xảy đến.

Được biết, Hải quân Mỹ từng có kế hoạch đóng 18 tàu hậu cần lớp Henry J. Kaiser, tuy nhiên, chỉ có 16 chiếc đã được đóng và chuyển giao trong giai đoạn 1984-1996, 2 chiếc còn lại đã bị hủy bỏ.

Mỗi tàu thuộc lớp này dài 206 mét, rộng 29,69 mét, cao 11 mét và choán nước đầy tải là 42.382 tấn. Tàu có tốc độ tối đa 20 hải lý/h, tương đương 37 km/h. Sức chở của mỗi tàu tuy có khác nhau một chút, nhưng không đáng kể, đều khoảng trên 28.000m3 nhiên liệu, gồm cả nhiên liệu máy bay. Trên tàu có khoang chứa hàng khô rộng 690 m2 và 8 tủ lạnh dạng container tiêu chuẩn 6,1 m với ngăn lạnh chứa tổng cộng 128 tấm kê hàng tiêu chuẩn.

Kíp thủy thủ vận hành tàu gồm từ 66 tới 89 nhân viên dân sự và từ 7 tới 24 nhân viên thuộc biên chế Hải quân Mỹ. Trong thời bình, tàu không được trang bị vũ khí, tuy nhiên chúng có thể được lắp thêm 2 hệ thống pháo phòng thủ điểm Phalanx cỡ nòng 20mm. Ngoài ra, trên tàu còn có sàn đáp cho trực thăng.

Để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế trên biển, mỗi tàu có 5 trạm bơm nhiên liệu và 2 thang vận chuyển hàng khô.

Vân Sơn - Tham khảo Jalopnik