Xuất xứ

Well of Death là trò biểu diễn mạo hiểm trong các lễ hội và được biết đến dưới nhiều cái tên khác nhau như Wall of Death, Motordrome, Silodrome hay Maut ka Kuaa trong tiếng Ấn Độ. Motordrome bắt nguồn từ Mỹ vào đầu thập niên ’90 của thế kỷ trước. Theo một số tài liệu, Motordrome đầu tiên được tổ chức tại công viên vui chơi Coney Island ở thành phố New York vào năm 1911. Vào thời điểm đó, các tay lái mô tô chỉ biểu diễn trên đường đua bằng gỗ.

Đến năm 1912, các đoàn biểu diễn lưu động bắt đầu mang theo đường đua bằng gỗ để biểu diễn Motordrome. 3 năm sau đó, những đường đua bằng gỗ dựng thẳng đứng bắt đầu xuất hiện, kéo theo cái tên Wall of Death. Lúc này, các tay lái chủ yếu sử dụng những chiếc mô tô như Indian Scout thế hệ đầu tiên, sản xuất trước năm 1928 với động cơ có dung tích xi-lanh 1.047 lít.

Một tay lái biểu diễn Wall of Death tại Mỹ.

Một tay lái biểu diễn Wall of Death tại Mỹ.

Wall of Death dần trở thành màn chính trong các lễ hội ngoài trời tại Mỹ cho đến thập niên ’30 của thế kỷ trước. Khi đến xem biểu diễn Wall of Death, khán giả sẽ đứng từ trên nhìn xuống. Sân khấu có hình trụ, làm bằng gỗ và cao từ 6,1 – 11 mét. Sau khi khởi động, các tay lái sẽ đi qua một đoạn dốc cho đến khi đạt đủ tốc độ để chạy ngang trên bức tường bằng gỗ của sân khấu theo chiều ngược kim đồng hồ.

Well of Death từ Mỹ đến Ấn Độ

Ngoài Mỹ, Wall of Death còn phổ biến ở cả nước Anh, đặc biệt trong các lễ hội, từ năm 1929 - 1960. Đến nay, Wall of Death đã không còn phổ biến tại Mỹ và Anh nữa. Theo một bài viết của New York Times vào năm 2006, chỉ còn đúng 3 đoàn biểu diễn Wall of Death còn tồn tại ở Mỹ.

Thay vào đó, Wall of Death chuyển dần sang các nước châu Á như Ấn Độ và Pakistan. Tại Ấn Độ, Wall of Death được gọi là Well of Death hay Maut ka Kuaa. Ban đầu, các tay lái Ấn Độ sử dụng xe đạp để biểu diễn trong Well of Death. Theo ông Surbhi Goel,phó giáo sư tại trường đại học Panjab ở Chandigarh, Ấn Độ, màn biểu diễn Well of Death có thể kéo dài đến 48 tiếng đồng hồ. Dần dần, xe đạp được thay thế bằng mô tô và cả xe hơi. Biểu diễn bằng ô tô là đặc điểm riêng của Well of Death tại Ấn Độ.

Ô tô là đặc điểm riêng của Well of Death tại Ấn Độ.

Ô tô là đặc điểm riêng của Well of Death tại Ấn Độ.

“Vì mô tô và xe hơi cần phải nạp nhiên liệu nên các tay lái không biểu diễn theo tiêu chí thời gian nữa. Thay vào đó, các tay lái sẽ nhảy lên và biểu diễn những trò mạo hiểm khác”, ông Goel cho biết. Hiện nay, một số tay lái Ấn Độ còn thách thức sự nguy hiểm bằng trò thả tay ra để lấy tiền “boa” của khán giả, nắm tay người khác và đổi xe cho nhau. Tất cả đều diễn ra ngay trong lúc đang lái trên bức tường bằng gỗ.

img
Các tay lái nắm tay nhau khi biểu diễn Well of Death.

Các tay lái nắm tay nhau khi biểu diễn Well of Death.

Một tay lái ngậm tiền "boa" của khán giả trong miệng sau màn biểu diễn.

Một tay lái ngậm tiền "boa" của khán giả trong miệng sau màn biểu diễn.

Trong năm 2010, ban nhạc rock Django Django đã mời các tay lái Well of Death đến từ Allahabad, Ấn Độ tham gia vào một MV ca nhạc của bài hát WOR. Theo Shorna Pal, một đạo diễn kiêm nhạc sỹ người Anh, những tay lái biểu diễn Well of Death tại Ấn Độ phần lớn đều khá nghèo. Trong khi đó, khán giả có thể đến từ mọi tầng lớp trong xã hội. “Well of Death không phải là trò biểu diễn được đầu tư phù hợp tại Ấn Độ. Các tay lái thường xuất thân từ gia đình nghèo khó, họ biểu diễn ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào có thể”, Pal cho biết. “Giá vé xem Well of Death khá rẻ và thu hút khán giả từ mọi tầng lớp trong xã hội”.

Một người đàn ông mua vé xem Well of Death.

Một người đàn ông mua vé xem Well of Death.

Well of Death – Trò “đùa giỡn với tử thần”

So với phiên bản tại Mỹ, Well of Death nguy hiểm hơn rất nhiều. Các tay lái Well of Death tại Ấn Độ không hề đội mũ bảo hiểm khi biểu diễn. Trong khi đó, những chiếc xe hơi và mô tô mà họ sử dụng đều cũ hoặc cần sửa chữa. Nhiều tay lái sử dụng những chiếc mô tô Yamaha “tả tơi” với sơn bong tróc, xước chằng chịt và không có chắn bùn hoặc chân chống. Đôi khi sân khấu cao từ 9,1 – 15,2 mét còn bị khuyết một số mảng gỗ, tạo ra nguy hiểm cho những người lái xe hơi và mô tô ở vận tốc khoảng 64 km/h.

Farman Ali, một tay lái biểu diễn Well of Death từ năm 16 tuổi.

Farman Ali, một tay lái biểu diễn Well of Death từ năm 16 tuổi.

Nhiều tay lái tham gia Well of Death bắt đầu biểu diễn từ rất sớm, ví dụ như Mumtaz Ali, năm nay 35 tuổi. Ali sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống biểu diễn Well of Death. Bản thân anh cũng bắt đầu biểu diễn Well of Death từ năm 14 tuổi, cùng với 2 người anh trai của mình.

“Trong suốt thời thơ ấu, điều duy nhất mà tôi nghe mọi người nói về gia đình mình chính là Well of Death. Trò biểu diễn này phần nào cũng giúp gia đình chúng tôi gắn kết với nhau. Well of Death là lý do duy nhất khiến 4 thế hệ gia đình chúng tôi sống hòa thuận với nhau”, Ali cho biết.

Tuy nhiên, sau khi kết hôn vào năm 18 tuổi, Ali đã từ bỏ biểu diễn Well of Death. Hiện anh là người tổ chức chương trình biểu diễn Well of Death. Theo Ali, trong suốt những năm tháng biểu diễn, anh chưa bao giờ bị ngã hay bị thương nhưng bản thân vẫn ý thức được những nguy hiểm rình rập. Sau khi chứng kiến nhiều tai nạn, ví dụ như người bạn từ thủa nhỏ Raj Khan (30 tuổi) bị gãy cả hai chân và phải mất 2 năm mới bình phục, Ali quyết định không cho con trai nối nghiệp mình. Thay vào đó, anh muốn con trai học kinh doanh từ Well of Death để tiếp tục duy trì truyền thống gia đình.

“Không thiếu các tay lái sẵn sàng biểu diễn Well of Death ở Ấn Độ. Họ đến từ khắp nơi như Uttar Pradesh hay Bihar. Do đó, khi có chương trình biểu diễn, chúng tôi sẽ thuê họ thay vì để con trai mình biểu diễn”, anh Ali cho biết.

Cháu của Ali là Kamal Khan (31 tuổi) hiện cũng giảm bớt tần suất biểu diễn. Khan chỉ tham gia Well of Death khi nào muốn. “Không có giới hạn tuổi cho những tay lái biểu diễn Well of Death. Tuy nhiên, chúng tôi thường thôi biểu diễn sau khi lập gia đình”, Khan nói. Được biết, Khan bắt đầu biểu diễn Well of Death vào năm 15 tuổi và cưới vợ vào năm 21 tuổi.

 

Đoạn video ghi lại cảnh biểu diễn Well of Death tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền lựa chọn như Ali và Khan. Khi không có việc làm, một số người chấp nhận biểu diễn Well of Death để kiếm tiền. Shagir, một tay lái như thế, tham gia biểu diễn Well of Death do Ali tổ chức với số tiền từ 10.000 – 20.000 Rupee, tương đương 3,4 – 6,8 triệu Đồng/chương trình.

Trong khi đó, chi phí dựng sân khấu Well of Death tại Ấn Độ rơi vào khoảng 200.000 Rupee, tương đương 68 triệu Đồng. Cần từ 20-30 người để dựng sân khấu Well of Death. Khi tham gia, các tay lái sẽ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ, một cái nháy mắt nghĩa là giảm tốc độ và cho tay lái khác vượt lên. Uốn lượn bàn tay như con rắn nghĩa sau màn khởi động nghĩa là đã đến lúc biểu diễn thực sự.

Các tay lái sẽ học hết những điều này trong thời gian huấn luyện kéo dài từ 4-6 tháng tại những khu vực như Ballabgarh, Azamgarh hoặc Sharanpur ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nguy hiểm là thế nhưng những tay lái Well of Death ở Ấn Độ phần lớn đều không có bảo hiểm y tế.

Thoái trào

“Hiện Well of Death tại Ấn Độ không còn thu hút đông khán giả như trước. TV là một phần nguyên nhân vì phần lớn mọi người đều thích xem những trò biểu diễn đùa giỡn với tử thần trên TV hơn. Phim ảnh chất lượng tốt hơn cũng lôi kéo khán giả nhiều ngồi trước màn hình TV. Trong phim cũng có những màn biểu diễn ngoạn mục không kém ngoài đời”, ông Goel tiết lộ.