Mặc dù nằm kẹp giữa Nga và Trung Quốc, nhiều người nghĩ Mông Cổ sẽ sử dụng những thương hiệu của Nga như Lada hay xe hơi Trung Quốc, nhưng thực tế không phải vậy. Đường phố thủ đô Ulan Bataar hoàn toàn vắng bóng các thương hiệu trên.

Trước 1990, thị trường Mông Cổ tràn ngập xe hơi của Nga. Nhưng hiện nay, những chiếc xe Nga lại trở thành hàng hiếm, thay vào đó là những bản đến từ các nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật Bản.


Các dòng xe Toyota có vị trí đặc biệt tại Mông Cổ. Ảnh: Thetruthaboutcars

Các dòng xe Toyota có vị trí đặc biệt tại Mông Cổ. Ảnh: Thetruthaboutcars

Những thương hiệu xe Nhật như Toyota, Honda, Nissan chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Theo người dân ở đây, họ mua xe Nhật vì đáng tin cậy, tiết kiệm và giá cả phải chăng. Các chủng loại xe cũng khá đa dạng như sedan cỡ nhỏ cho tới những chiếc xe offroad cỡ lớn.

Những chiếc xe truyền động 4 cầu được ưa thích tại đây bởi phần lớn diện tích Mông Cổ là cao nguyên, núi non hiểm trở. Ngoài ra, những mẫu hatchback cũng được nhiều người dùng bởi khả năng chuyên chở tiện dụng và đóng thuế thấp.

Theo Best Selling Cars, Toyota là thương hiệu bán chạy nhất tại Mông Cổ. 10 mẫu xe dẫn đầu danh sách bán chạy nhất bao gồm Toyota Prius, Toyota Mark II, Toyota Allion, Toyota Kluger, Toyota Land Cruiser, Toyota Land Cruiser Prado, Mitsubishi Pajero, Hyundai Sonata, Hyundai Tucson và Hyundai Accent.


Những chiếc xe Nga đã ít xuất hiện tại Mông Cổ. Ảnh: Horizonesunlimited

Những chiếc xe Nga đã ít xuất hiện tại Mông Cổ. Ảnh: Horizonesunlimited

Hải quan Nhật Bản cho biết, Mông Cổ nhập gần 50.000 xe chở khách từ Nhật trong năm 2015. Hiện nay, quốc gia này nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu xe hơi đã qua sử dụng lớn nhất thế giới từ Nhật Bản. Cùng với những chiếc xe chở khách đã qua sử dụng, các loại xe buýt, xe máy hay máy móc nhập khẩu đa số đều có nguồn gốc Nhật Bản. 45% lượng xe của Nhật xuất qua Mông Cổ là xe đã sử dụng.

Những chiếc xe tay lái nghịch được phép lưu hành trong nước, song song với xe tay lái thuận. Tại quốc gia này, không giới hạn độ tuổi đối với xe đã qua sử dụng, vì vậy các đơn vị nhập khẩu có thể nhập bất kỳ mẫu xe nào thị trường ưa chuộng.

Mông Cổ có hầu hết những siêu xe và xe siêu sang như Rolls-Royce, Bugatti Veyron, Lamborghini, Ferrari… Tuy nhiên những người giàu nơi đây đặc biệt ưa chuộng SUV hạng sang như Lexus LX570, Mercedes G-Class, Land Rover  Range Rover hay Hummer H2 bởi khả năng vận hành trên địa hình đồi núi.


Lexus LX570 và Toyota Land Cruiser được xem như siêu xe của giới nhà giàu Mông Cổ. Ảnh: Bestsellingcars

Lexus LX570 và Toyota Land Cruiser được xem như "siêu xe" của giới nhà giàu Mông Cổ. Ảnh: Bestsellingcars

Toyota Land Cruiser có giá chỉ từ 54.161 đến 77.087 USD tại Mông Cổ, trong khi giá cơ sở tại Mỹ lên tới 83.825 USD .

Tuy nhiên những mẫu sedan ít được ưa chuộng như Toyota Camry lại có giá khá cao, từ 38.043 USD, mức giá tại Mỹ chỉ từ 23.070 USD.

Một chiếc Lexus LX 570 đời 2016 tại Mông Cổ được bán giá 106.120 USD, mức giá của mẫu xe tương đương tại Mỹ là 88.880 USD.

Theo dữ liệu của Worldbank, thu nhập bình quân đầu người thực tế của Mông Cổ là 4.353 USD năm 2015.

Thủ đô Ulan Bataar hiện có trên 1 triệu chiếc xe hơi, vì vậy diễn ra tình trạng tắc đường thường xuyên. Mỗi năm có khoảng 150.000 xe cơ giới đăng ký tại thành phố này.

Sự phát triển quá nóng của thị trường xe đã qua sử dụng cũng gây nên nhiều hệ lụy. Chính phủ nước này đang đề xuất tăng gấp đôi thuế tiêu thụ đặc biệt trên xe cũ nhằm hạn chế lượng tiêu thụ.

Nhu cầu xe hơi ngày càng lớn ở Mông Cổ bởi sự gia tăng dân số trẻ. Theo số liệu của Ủy ban điều tra dân số Quốc tế của Mỹ, Mông Cổ có 300.000 trẻ em trai/gái ở độ tuổi 15 – 19, vì vậy nhu cầu xe hơi đang ngày càng gia tăng. Những thanh niên này sẽ tìm kiếm những chiếc xe giá cả phải chăng, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Mặc dù các công ty lớn trên thế giới như Toyota, Hyundai, Nissan, Suzuki, Ford, Mercedes Benz, BMW đã có đại lý ủy quyền chính hãng tại Mông Cổ, người dân nơi đây vẫn thích lái những ôtô rẻ đã qua sử dụng.


Trung tâm thủ đô Ulan Bataar của Mông Cổ. Ảnh: Wikipedia

Trung tâm thủ đô Ulan Bataar của Mông Cổ. Ảnh: Wikipedia

“Chính phủ không quan tâm nhiều tới chất lượng cũng như nguồn gốc những chiếc xe cũ. Thậm chí những chiếc xe bị đánh cắp vẫn dễ dàng tiêu thụ tại đây. Họ chỉ quan tâm đến việc thu thuế, thực tế là thuế hải quan khá cao. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu thường công bố giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế nhằm lách luật”, chủ sở hữu một đại lý ôtô lớn tại Mông Cổ cho biết.

Trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước, chính phủ nước này cam kết sẽ không tính bất kỳ khoản thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế xuất khẩu xe hơi nếu được sản xuất tại Mông Cổ. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp này vẫn còn bị bỏ ngỏ và chờ nhà đầu tư tiềm năng. Mông Cổ là thị trường cởi mở và phát triển nhanh chóng, vì vậy nhiều hãng sản xuất đang có kế hoạch đặt chân tới đây để xây dựng nhà máy.

Thuế xe ở Mông Cổ

Tại quốc gia này, mỗi chiếc xe muốn được lưu hành cần đóng thuế VAT 13% và thuế thương chánh 5% giá trị chiếc xe. Ngoài ra, xe chở khách còn phải đóng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tính bằng USD.

Với các dòng xe dung tích dưới 1.5 lít, người dùng phải đóng 500 USD nếu xe có tuổi đời từ 0-3 năm. 1.000 USD nếu xe đã chạy 4-6 năm, 2.000 USD đối với xe từ 7-9 năm và 6.000 USD với những chiếc xe trên 10 tuổi.

Với dòng xe từ 1.5 – 2.5 lít, mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 1.500 USD với xe dưới 3 năm. 2000 USD với xe từ 4-6 năm và 3.000 USD với xe từ 7-9 năm. Xe trên 10 năm phải đóng 7.000 USD.

Dòng xe từ 2.5 – 3.5 lít có mức thuế cao hơn. Cụ thể từ 0-3 năm đóng 2.000 USD, 4-6 năm đóng 2.500 USD, 7-9 năm đóng 4.000 USD và trên 10 năm mức thuế là 8.000 USD.

Những dòng xe dung tích trên 4.5 lít phải đóng 7.000 USD với xe có tuổi đời dưới 3 năm, 7.500 USD với xe từ 4-6 năm, 9.000 USD với xe từ 7-9 năm và cao nhất là 13.000 USD với xe trên 10 năm.

Ngoài ra, người sử dụng xe tại Mông Cổ còn phải đóng một khoản phí thường niên từ 1-50 USD tùy dung tích động cơ và công suất.

Theo Minh Anh

Zing