Kei car, K-car, hay kei jidōsha (có nghĩa là "ôtô siêu nhẹ") là một dòng xe nhỏ ở Nhật bao gồm xe con (kei car hay kei-class car), xe tải nhỏ, và bán tải (kei truck hay kei-class truck). Những mẫu xe này được thiết kế đáp ứng quy định về thuế và bảo hiểm và các chính sách của chính phủ Nhật, khi mà việc mua xe đòi hỏi chủ sở hữu phải chứng minh có chỗ đỗ xe. Dòng xe đặc biệt tiện dụng này được sáng tạo và phát triển nhằm thúc đẩy cơ giới hóa sau chiến tranh tại Nhật. Kei-car rất thành công tại Nhật nhưng lại quá đặc biệt và nhỏ bé để có thể sinh lời tại các thị trường xuất khẩu.

Các mẫu kei-car có đặc điểm chung dễ nhận thấy là biển đăng ký xe màu vàng, do đó còn có tên gọi “xe hơi biển vàng” (số đăng ký màu đen trên nền vàng được sử dụng cho cá nhân đăng ký và số đăng ký vàng trên nền đen để phục vụ mục đích kinh doanh).


Xe Kei-car ở Nhật có biển số màu vàng, phân biệt với xe thường biển trắng.

Xe Kei-car ở Nhật có biển số màu vàng, phân biệt với xe thường biển trắng.

Bởi các quy định đặt ra chỉ giới hạn kích thước vật lý và dung tích xy lanh của xe, do vậy nhà sản xuất thoải mái áp dụng các công nghệ tiên tiến tới khách hàng. Vì lẽ đó nên các xe kei-car thường được trang bị khá đầy đủ và hiện đại dù dung tích xylanh nhỏ, như hộp số tự động và hộp số vô cấp, dẫn động bánh trước, sau và dẫn động 4 bánh, điều hòa không khí, định vị toàn cầu và nhiều tính năng khác.

Sản xuất dòng kei-car hiện nay có nhiều tên tuổi lớn, trong đó có 4 ông lớn là Daihatsu, Honda, Mitsubishi, và Suzuki. Về xe ngoại nhập, thương hiệu Smart của Đức giới thiệu 2Two phiên bản kei-car có tên gọi “Smart K” tại đại lý Yanase của Nhật từ 2001 – 2004 với bộ cản sau được thiết kế riêng, kích thước lốp xe và chiều rộng đường ngắn hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn kei-car.


Mẫu Kei-car nổi tiếng Honda Beat, chiếc xe Kei-car cuối cùng mà cố chủ tịch Soichiro Honda ra lệnh sản xuất.

Mẫu Kei-car nổi tiếng Honda Beat, chiếc xe Kei-car cuối cùng mà cố chủ tịch Soichiro Honda ra lệnh sản xuất.

Những tiêu chuẩn này bắt nguồn từ thời kỳ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi hầu hết người dân Nhật không đủ tiền mua xe hơi cỡ lớn hoặc một chiếc môtô. Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp xe hơi, cũng như sáng tạo mẫu xe chở hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và chủ cửa hiệu, người ta đặt ra các tiêu chuẩn kei-car.

Trước đây giới hạn động cơ là 150 phân khối (100 phân khối cho động cơ 2 kỳ) vào năm 1949, và dần dần, kích thước và giới hạn dung tích động cơ được tăng lên (năm 1950, 1951, và 1955) để thu hút nhiều nhà sản xuất bắt tay sáng tạo kei-car.

Năm 1955 định mức động cơ 2 kỳ và 4 kỳ tăng lên 360 phân khối, từ đây xuất hiện thêm nhiều mẫu kei-car mới như Suzulight của Suzuki và Subaru 360, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Năm 1955, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Nhật Bản đặt mục tiêu tạo nên một chiếc “xe hơi quốc gia” to hơn bất kỳ kei-car nào thời bấy giờ. Chiến lược này có ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất ôtô Nhật, họ cần phải xác định tập trung nỗ lực phát triển sản phẩm đến đâu để sáng tạo các kei-car nhỏ hơn, hoặc “xe hơi quốc gia” lớn hơn.

Giai đoạn tiếp theo chứng kiển nhiều thay đổi của dòng xe kei-car. Hộp số tự động xuất hiện ở chiếc Honda N360 vào tháng 8 năm 1968, hay phanh đĩa trước được lắp hàng loạt trong các mẫu kei-car thể thao mà khởi đầu là Honda Z GS tháng 1 năm 1970. Công suất ra tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh điểm ở chiếc Daihatsu Fellow Max SS 40 PS (29 kW; 39 hp) tháng 7 năm 1970. Doanh số tăng đều và chạm mốc 750,000 vào năm 1970.

Honda N360
Honda N360

Trong suốt những năm 70, chính phủ Nhật Bản không ngừng cắt giảm trợ cấp cho các kei-car kết hợp đề ra các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt để giảm mạnh doanh số trong nửa đầu thế kỷ. Năm 1974 – 1976, Honda và Mazda lần lượt rút lui khỏi thị trường kei-car dù cả hai hãng vẫn duy trì một số lượng ít các xe thương mại.

Ngày 31 tháng 12 năm 1974, các mẫu kei-car được lắp biển đăng ký nhỏ hơn so với các mẫu xe thông thường (kích thước 230 × 125 mm). Và tới thời điểm năm 1975, trên các kei-car đều trang bị biển đăng ký kích thước trung bình (330 × 165 mm).

Các quy định gần đây đối với xe kei – car được áp dụng kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1998.

- Dung tích xy lanh tối đa: 660cc

- Công suất tối đa: 47KW/63hp

- Công suất chịu tải tối đa: 350kg/771.6lb

- Số người chở được tối đa: 4

- Chiều cao tối đa: 2m/6.6ft

- Chiều rộng tối đa: 1.48m/4.9ft

- Chiều dài tối đa: 3.4m/11.2ft

Dĩ nhiên, khi bạn hỏi ai đó đến từ đất nước mặt trời mọc điều gì họ nghĩ đến trước tiên khi nói về một chiếc kei – car, câu trả lời thật bất ngờ bởi đó sẽ là một chiếc Suzuki Wagon R.

Suzuki Wagon R
Suzuki Wagon R

Đó là vì Wagon R được xem như mẫu kei – car bán chạy nhất tại Nhật kể từ năm 2003.

Không giống hầu hết các mẫu kei – car khác, Wagon R được lắp ráp và bán tại nhiều nước với nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Chẳng hạn như, Wagon R được lắp ráp và bán tại Ấn Độ dưới nhãn hiệu Maruti Suzuki kể từ năm 1999, nơi Wagon R trở thành một trong những mẫu xe hơi bán chạy nhất tại thị trường này.

Và cho đến nay thì Wagon R đã trải qua 5 thế hệ tiếp nối với trên 2 thập kỷ doanh thu, và được mệnh danh một trong những mẫu kei – car nổi tiếng nhất thế giới...ngay cả khi các phiên bản quốc tế không đáp ứng tiêu chuẩn kei – car.

Dòng xe mini kei – car luôn là một lựa chọn hấp dẫn. Trong bối cảnh giá nhiên liệu đắt đỏ ngày nay, một vài cải tiến về an toàn có thể khiến các sản phẩm kei – car trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với người tiêu dùng quốc tế khi cân nhắc mua xe tiết kiệm nhiên liệu, giá thành rẻ và nội thất tiện lợi.

Và hẳn nhiên, để hiểu thực sự về những chiếc xe hơi kiểu dáng nhỏ gọn kei – car, không gì sáng suốt hơn là tự mình trải nghiệm tại Nhật Bản, điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương.