Các tờ báo Anh đồng loạt đưa tin biên tập viên Jeremy Clarkson của chương trình xe Top Gear, đã chính thức bị sa thải. Tổng giám đốc đài BBC, Lord Hall, đã chính thức tuyên bố BBC sẽ không gia hạn hợp đồng với Clarkson. Ông cũng bày tỏ đây là quyết định khó khăn, nhưng không thể không làm, bởi "ranh giới đã bị vượt qua" khi Clarkson có hành động đánh nhà sản xuất tháng vừa rồi.

Theo một nguồn tin của tờ Mirror tại Anh, Clarkson đã “ra tay” với nhà sản xuất 36 tuổi có tên Oisin Tymon tại trường quay chương trình Top Gear ở Newcastle, Anh vào hôm 4/3 vừa qua. Đây là nhà sản xuất đã đồng hành với chương trình Top Gear từ năm 2008.

“Vào cuối buổi quay phim, sau một ngày dài, Jeremy phát hiện ê-kip thực hiện đã không chuẩn bị sẵn đồ ăn. Anh ấy đã đánh nhà sản xuất vì tội không chuẩn bị trước đồ ăn”, nguồn tin của tờ Mirror cho biết.

Là biên tập viên nằm trong top được trả lương cao nhất của đài BBC, Jeremy Clarkson chứng tỏ tài năng vượt trội khi Top Gear do ông dẫn cùng các cộng sự là chương trình mang về lợi nhuận lớn nhất cho BBC. Tuy nhiên, danh sách những "tội lỗi" mà ông này gây ra cũng không hề ít.

Tổng hợp những "tội trạng" của Jeremy Clarkson trong suốt sự nghiệp cộng tác trong chương trình Top Gear:

Tháng 7, 2008: Uống rượu lái xe

"Sếp" của đài BBC đã "nổi điên" với Clarkson vì uống rượu gin và tonic khi ngồi sau vô lăng một chiếc xe bán tải.

Tháng 11, 2008: Vạ miệng với các tài xế xe tải

Khi đề cập đến tên giết người Steve Wright, Clarkson đã nói đùa trong một show của Top Gear về các tài xế xe tải "sát hại gái mại dâm" và ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của các lái xe tải.

Tháng 2, 2009: Gọi Gordon Brown là "gã ngốc Scot-len chột mắt"

Trong suốt một buổi họp báo ở Australia, Jeremy đã nói về Gordon Brown như một "gã ngốc Scot-len chột mắt".

Ông Gordon Brown là Thủ tướng của Vương quốc Anh và là lãnh đạo của Đảng Lao động (Công đảng) từ năm 2007 đến năm 2010. Ông mất 1 mắt do chơi Rugby khi ông mới 16 tuổi.

Lời nói của Jeremy ngay lập tức dấy lên phản ứng dữ dội từ công chúng, đặc biệt là người Scot-len. Jeremy đã phải xin lỗi về điều này.

Tháng 7, 2010: Áo trùm và quần lọt khe

Trong một chương trình Top Gear bàn đến việc phân tán tư tưởng khi lái xe, Clarkson nói: "Thành thật mà nói, áo burka (Áo trùm kín từ mặt đầu đến chân của phụ nữ Hồi giáo) chẳng có tác dụng gì đâu. Tôi từng đi taxi ở Piccadilly thì một phụ nữ trong trang phục burka qua đường và trượt ngã lộn nhào trên vỉa hè ngay trước mắt tôi, phô ra cả đồ lót G-string lọt khe màu đỏ và tất đùi."

Khỏi cần bình luận dân theo đạo Hồi nghĩ sao về câu nói vui này.

Tháng 8, 2010: Đối tượng cần trợ giúp đặc biệt

Clarkson từng chê bai xe Ferrari là "đối tượng cần sự trợ giúp đặc biệt", và "đần độn".

Tháng 2, 2011: Mexico

Clarkson vướng vào một sự cố về mặt ngoại giao và bị buộc phải xin lỗi đại sứ Mexico.

Tháng 1, 2012: Ấn Độ

Người xem phàn nàn về những nhận xét có tính khiêu khích của Clarkson về trang phục, tàu hỏa, ẩm thực và lịch sử Ấn Độ.

Tháng 11, 2013: Lái xe quá tốc độ

Hai người dẫn chương trình Top Gear là Jeremy Clarkson và Richard Hammond đã bị cấm lái xe trong vòng 3 tháng tại Pháp. Vào thời điểm bị cảnh sát bắt gặp, hai người dẫn chương trình Top Gear đang lái xe ở khu vực giới hạn tốc độ dưới 90 km/h. Trong khi đó, chiếc xe mà Clarkson và Hammond ngồi trong lại chạy ở vận tốc lên đến 140 km/h.

Tháng 5, 2014: Phân biệt chủng tộc

Tháng 5, 2014: Clarkson bị buộc phải xin lỗi sau khi khi hát một giai điệu trong tập 2 của chương trình Top Gear Series 19, Clarkson đã một lần nữa gây tranh cãi vì sử dụng một từ cấm kị, đó là "nigger", từ miệt thị chỉ người da đen.

Tháng 7, 2014: Dàn cảnh tai nạn

Tháng 7, 2014: Jeremy Clarkson và James May đã dàn cảnh tai nạn tại đường B4437, một khu vực được coi là nhạy cảm ở Charlbury, Oxfordshire, Anh. Trước đây, tại khu vực này từng xảy ra một vụ tai nạn trực diện khiến cô Jane Sandalls tử vong. Jeremy Clarkson và James May đã tái hiện tại chính hiện trường, sử dụng chính nhãn hiệu xe trong tai nạn, để dàn cảnh một vụ đâm xe và bình luận về những hư hỏng của xe sau cú đâm.

Tháng 10 2014: Lái xe đeo biển nhạy cảm

Chiếc Porsche 928 được dùng trong một chương trình Top Gear đeo biển số gợi liên tưởng đến cuộc chiến Falklands War 1982 giữa Anh và Argentina. Chính biển số xe đã khiến người dân địa phương tại hiện trường quay phim nổi giận.

Tháng 3, 2015: Đấm nhà sản xuất do không chuẩn bị đồ ăn