Cảnh sát và quan chức

Cảnh sát bang Victoria, Australia vốn nổi tiếng khắt khe và quyết liệt trong thi thành các án phạt. Cảnh sát bang này đã từng đạt kỷ lục về việc phạt tiền người đi đường khi lắp camera trên mũ bảo hiểm hoặc có màu kính che mặt "không hợp lệ".

Tuy nhiên, họ cho biết họ chưa từng phạt bất cứ ai vì đội một chiếc mũ bảo hiểm được sơn màu và rằng “miễn là người lái xe đó giữ được lớp sơn của nhà sản xuất còn nguyên vẹn.”

Quan điểm này cũng đã được cảnh sát ở Tây Australia và New South Wales đồng tình khẳng định.

Tuy nhiên, cảnh sát Queensland lại cho rằng việc sơn vẽ lên mũ bảo hiểm là không tuân thủ những quy định trong Tiêu chuẩn Australia AS 1698. Họ cho biết: “Nếu bạn sơn mũ theo ý thích, nó sẽ không được coi là một chiếc mũ bảo hiểm xe gắn máy đã được phê duyệt theo các quy tắc giao thông, do đó nó thiếu điều kiện để được sử dụng.”

Họ chỉ ra mục 270 của Quy định hoạt động giao thông 2009, trong đó yêu cầu người lái xe và người khác ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm xe máy đã được kiểm chứng an toàn. Tiểu mục (3) định nghĩa mũ bảo hiểm xe gắn máy là một chiếc mũ bảo hiểm tuân thủ Tiêu chuẩn Australia (AS) năm 1698 hoặc AS/NZS 1698 (Mũ bảo hiểm bảo vệ dành cho người sử dụng xe).

Tiêu chuẩn này đòi hỏi, nhiều yếu tố như yêu cầu đo kiểm, tư vấn/hướng dẫn cho người sử dụng mũ bảo hiểm xe gắn máy. Trong đó có những lời khuyên, hướng dẫn cần thiết bao gồm: Yêu cầu người đi xe không cải biến mũ bảo hiểm; cảnh báo các sản phẩm dầu mỏ, chất làm sạch, sơn, keo dán,… có thể làm hỏng mũ bảo hiểm và làm cho nó không còn hiệu quả; cảnh báo: “Khả năng bảo vệ của mũ bảo hiểm có thể bị suy giảm nghiêm trọng do sơn, dán hoặc các dung môi khác. Chỉ sử dụng các vật liệu theo khuyến cáo của nhà sản xuất mũ bảo hiểm."

Đồng thời, quy định còn nêu rõ, nếu một chiếc mũ bảo hiểm đã được thay đổi bằng cách sơn vẽ lên, người dùng phải cung cấp bằng chứng cho thấy các chất liệu đó không gây ảnh hưởng tới mũ.

Trong khi đó, Bernard Carlon ở Trung tâm về an toàn giao thông New South Wales xác nhận rằng sơn vẽ lên chiếc mũ bảo hiểm có thể làm "hư hỏng cấu trúc của nó, đó là lý do tại sao Tiêu chuẩn Australia cấm việc sơn vẽ mũ bảo hiểm, trừ khi bạn sử dụng loại sơn đã được các nhà sản xuất chấp nhận."

Họa sĩ vẽ mũ bảo hiểm

Các họa sĩ sơn vẽ mũ bảo hiểm hẳn nhiên cho rằng việc này hợp pháp, nhưng vẫn đưa ra cảnh báo: "Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đây là sự hiểu biết của chúng tôi và tôi rất muốn mọi người hãy nghiên cứu kỹ về việc này".

Một họa sĩ khác đã vẽ mũ bảo hiểm suốt 30 năm qua cho biết ông đã "nhiều lần" được đặt những câu hỏi về tính hợp pháp này. Ông bày tỏ: "Tôi có thể nói rằng 99% mũ bảo hiểm được bán ra đã được sơn vẽ từ trong các nhà máy, chứ không chỉ có màu đen hoặc trắng đơn thuần". Ông cho rằng đó là lý do khiến việc này đúng pháp luật: “Theo quan điểm của tôi, tôi không thấy mối nguy hiểm nào sau khi tiếp tục sơn một lớp màu nữa lên màu sơn mà nhà máy đã sơn lên đó.”

Người họa sĩ giấu tên còn nói thêm rằng việc sơn mũ bảo hiểm sẽ không an toàn trong các trường hợp: nếu mũ bảo hiểm đã bị hư hỏng; nếu các dung môi của sơn làm mềm bề mặt nhựa của mũ hoặc nếu các thành phần khác của mũ bảo hiểm bị loại bỏ.

Các chuyên gia luật

Chủ tịch Ủy ban Mũ bảo hiểm xe máy Australia - Guy Stanford là người khá thành thạo trong các quy tắc phức tạp về mũ bảo hiểm.

Ông nói rằng không có hành vi nào liên quan đến sơn vẽ bị coi là vi phạm, nhưng ông cũng khuyên người lái xe nên để nguyên nhãn dán và đừng sơn lên nó: "Các quy định trên đường phố dựa hoàn toàn vào các nhãn dán đó, vì vậy hãy để nó ở nguyên đó."

Nhà sản xuất

Nếu bạn kiểm tra nhãn hiệu trên mũ bảo hiểm xe gắn máy, bạn có thể bạn sẽ tìm thấy một cảnh báo không sơn lên mũ bảo hiểm hoặc thậm chí không dán sticker lên mũ.

Guy Stanford Guy nói thêm: "Dung môi trong sơn có thể ảnh hưởng đến chất liệu nhựa ABS của một số loại mũ bảo hiểm, đặc biệt mũ bảo hiểm không có sơn bóng để bảo vệ nó. Nếu lớp sơn bóng bị hư hỏng, sẽ có nhiều rắc rối hơn như làm mềm vỏ do rò rỉ dung môi.”

Các tay lái xe gắn máy và xe ô tô đã sơn và dán lên mũ bảo hiểm trong nhiều năm qua. Nhưng xem ra, các ý kiến về việc sơn, dán mũ bảo hiểm vẫn chưa được thống nhất.

Từ một việc nhỏ như sơn màu theo ý thích lên mũ bảo hiểm cũng phải cân nhắc có phạm luật hay không, theo bạn nó chứng tỏ sự nghiêm minh của luật pháp, hay sự rườm rà không cần thiết của luật?

Tường Anh – Theo Motorbikewriter