Hôm qua (7/12) là ngày đầu tiên tất cả xe máy, mô tô điện bắt đầu thực hiện đăng ký biển số để phục vụ công tác quản lý. Việc đăng ký sẽ được kéo dài từ 7/12 đến 30/6/2016, theo đó nếu sau ngày 30/6/2016, chủ phương tiện không đi đăng ký xe mà sử dụng để tham gia giao thông là vi phạm quy định pháp luật và bị xử phạt nghiêm.

Quy định này được thực hiện theo Thông tư số 54/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 của Bộ Công an về việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện, có hiệu lực từ ngày 6/12/2015 đến ngày 30/6/2016. Chủ xe đạp điện, xe máy điện phải thực hiện đăng ký nếu muốn sử dụng phương tiện để tham gia giao thông.

img

Về thủ tục khi đi làm đăng ký biển số xe máy – mô tô điện, PC67 cho biết, người dân cần đến các Đội quản lý xe tại công an mỗi quận huyện để làm thủ tục.

Hồ sơ thủ tục đăng ký xe gồm: Giấy khai đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện (theo mẫu); Bản photocopy sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức); Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đến đăng ký xe; trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính sổ hộ khẩu để đối chiếu.

Đối với xe không có số máy mà cơ quan đăng ký xe không đóng được số máy thì trong giấy chứng nhận đăng ký xe cấp cho chủ xe ghi từ “không có” vào mục “số máy”.

Trường hợp xe chỉ có số máy hoặc số khung; xe không có số máy và số khung; xe có số máy, số khung nhưng số máy, số khung bị mờ, hoen gỉ thì cơ quan đăng ký xe cấp biển số xe và tổ chức đóng số máy (nếu đóng được), số khung theo số biển số xe, viết giấy hẹn cho chủ xe. Không thu lệ phí đóng số máy, số khung.

Tối đa trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe.

Xe đạp điện không cần đăng ký

Thực tế, việc quy định xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát không phải là mới. Theo quy định của luật Giao thông đường bộ và Thông tư 06/2009 của Bộ Công an, việc đăng ký và cấp biển kiểm soát được thực hiện từ ngày 1/7/2009. Thông tư số 54 chỉ làm rõ hơn các thủ tục khi đăng ký đối tượng này mà thôi.

Xe máy điện nếu không đăng ký biển số thì không được tham gia lưu thông sẽ bị xử phạt từ 300.000-400.000 đồng.

Tuy nhiên, lưu ý, đối tượng áp dụng của thông tư, quy định này là xe máy và motor điện. Xe đạp điện không cần phải đăng ký. Vậy cần phân biệt xe máy điện và xe đạp điện như thế nào?

Cách phân biệt xe đạp điện và xe máy điện, motor điện:

Theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ:

- Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;


Xe máy điện Yamaha EC-02

Xe máy điện Yamaha EC-02

- Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).


Một mẫu xe đạp điện có khả năng gấp gọn.

Một mẫu xe đạp điện có khả năng gấp gọn.

Căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia việc phân loại mô tô điện, xe máy điện và xe đạp điện được thực hiện theo các tiêu chí sau:

- Mô tô điện là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h hoặc công suất động cơ điện lơn hơn 4kw.

- Xe máy điện vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h và công suất động cơ điện không lớn hơn 4kw.

- Xe đạp điện có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h có công suất điện không lớn hơn 250w và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.