Loại xe này sẽ do công ty Sunfat Việt Nam lắp ráp với động cơ điện do một hãng Mỹ cung cấp.

Theo đại diện nhà sản xuất, chiếc xe này chẳng thua kém các xe có động cơ nhiên liệu, lại sạch và rẻ. Chiếc xe đang thu hút sự tò mò của người tiêu dùng cũng như giới chuyên môn, song cũng đặt ra nhiều nghi vấn, liệu nó có đạt được những gì nhà sản xuất kỳ vọng?

Chạy “bốc"

Những ngày này, ông Phạm Cường, Tổng Giám đốc Công ty Sufat Việt Nam tất bật với việc nhập khẩu dây chuyền công nghệ sản xuất xe máy điện. Xe đạp điện không mới ở Việt Nam, nhưng xe máy điện lại có nhiều điều kỳ lạ, nếu đúng như ông Cường mô tả.

Theo ông Cường, chiếc xe này có gắn một động cơ điện mà sức mạnh của nó tương đương với một xe máy chạy xăng, có khả năng tăng tốc từ 0-100km/giờ chỉ trong vòng 10 giây. Thay vì đổ xăng, người sử dụng chỉ cần nạp điện như sạc pin điện thoại. Động cơ hầu như không gây tiếng ồn và hoàn toàn không phát khí thải.

Xe máy điện của công ty Sufat sử dụng công nghệ của công ty KLD, Mỹ, có nhiều ưu điểm vượt trội: có sức mạnh tương đương xe máy chạy xăng, thân thiện với môi trường...

Theo tính toán, lưu thông 100 km, nếu xe máy chạy bằng xăng phải mất 3 lít xăng, tương ứng 45.000 đồng, còn chạy bằng điện, nhưng chiếc xe này chỉ sạc chừng 4 giờ, tương ứng 11.000 đồng.

Công ty Sufat Việt Nam đang hợp tác với Công ty KLD của Mỹ để nhập công nghệ sản xuất động cơ điện cho dòng xe máy mới này. “Sufat Việt Nam và đối tác hiện thương thảo những bước cuối cùng để bắt tay vào sản xuất sản phẩm có thể đưa ra thị trường vào cuối năm nay”, ông Cường cho biết.

Ông Cường khẳng định, chiếc xe mới sẽ hạn chế nhược điểm xe đạp điện, đó là tốc độ chạy chậm, ắc quy nhanh hết và kiểu dáng đơn điệu.
 

“Người tiêu dùng vốn ngại ngần với xe điện vì hệ thống bảo hành. Tuy nhiên, với công nghệ chế tạo động cơ của KLD, kết hợp kinh nghiệm sản xuất xe máy cho thị trường Việt Nam nhiều năm qua, chúng tôi có thể đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng”, ông Cường nói.

Theo nhà sản xuất, do được tính toán bỏ đi hệ thống truyền lực, chiếc xe tiết kiệm năng lượng và cũng có ít bộ phận bị hư hỏng. Bình ắc quy có độ bền ba năm, tương đương với 3.500 lần nạp, mỗi lần nạp từ hai đến bốn giờ.

img
Xe điện phải được đáp ứng nhiều tiêu chuẩn trước khi đưa vào thị trường

Điều quan trọng, với chiếc xe “đặc biệt” này, theo giá dự kiến sẽ được bán từ 1.500 USD tới 2.000 USD. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng:“Sẽ thương thảo với các đối tác để chiếc xe có giá phù hợp nhất với túi tiền của người Việt Nam, khoảng 15 triệu đồng, bảo hành trong ba năm”.

 Mặc dù phía nhà sản xuất tự tin đem đến cho người tiêu dùng một sản phẩm hoàn hảo, tuy nhiên, ông Trần Văn Học, Trưởng ban Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định, mọi sản phẩm mới ra đời đều phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và phải tuân thủ quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Động cơ chạy điện là một loại hình mới ở Việt Nam, vì vậy cơ sở sản xuất phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về tính an toàn, độ bền động cơ.

Theo ông Học: “Sản phẩm chưa ra đời nên cũng khó nói trước, nhưng nếu họ tiến hành công bố tiêu chuẩn và tuân thủ chặt chẽ quy chuẩn kỹ thuật đối với xe hai bánh thì không có lý do gì không được người tiêu dùng chấp nhận”.

Người tiêu dùng dè dặt

Trước cơ hội sở hữu chiếc xe ga chạy điện, anh Nguyễn Văn Thu, ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, tỏ ra phân vân: “Nếu khi hết điện lại phải đạp như xe đạp điện hoặc về nhà nạp thì rất phiền toái. Hơn nữa, tôi nghe nói, xe động cơ điện bao giờ cũng có giá thành cao hơn xe động cơ xăng nên cũng phải xem giá thành thế nào đã. Ngoài ra, việc không phát ra tiếng ồn dễ làm người đi đường không để ý, và có thể dẫn đến tai nạn…”.

Chia sẻ điều này, ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội xe đạp, xe máy cho rằng: “Thế giới cũng có xe loại này từ lâu. Để đưa xe máy điện vào sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, nơi có khí hậu nóng, độ ẩm cao, nhà sản xuất cũng nên tính cả các yếu tố này. Chẳng hạn, việc thiết kế bình ắc quy ra sao để tích trữ điện lâu, không bị han rỉ khi tiếp xúc với độ ẩm lớn trong không khí, khi nước ngập không bị cháy mạch điện…”.

Thêm vào đó, thiết bị nạp điện của xe thông dụng hiện nay dùng biến áp biến dòng một chiều để nạp. Nhưng thiết bị đi theo xe thông thường phải nạp sẵn. Ở châu Âu, xe chạy điện có những trạm sạc điện công cộng để thuận tiện cho người sử dụng.

Về điều này, Tổng Giám đốc Công ty Sufat Việt Nam Phạm Cường cho biết: “Công ty chưa tính đến việc sẽ thiết lập hệ thống dịch vụ đổi ắc quy cho xe hay phối hợp với các trạm xăng để làm dịch vụ sạc điện. Do vậy, người tiêu dùng trước mắt phải chủ động tính toán quãng đường đi, có thể nhờ sạc nhà dân bên đường hoặc mang theo ắc quy dự phòng”.

Anh Vũ Văn Ninh, cửa hàng bán xe máy ở Văn Quán, Hà Đông Hà Nội cũng cho rằng ,thời gian trước mắt, xe máy chạy điện sẽ gặp phải tâm lý “đề phòng” của người tiêu dùng. Ai cũng muốn xem xe đó hoạt động thế nào rồi mới quyết định mua.

Mặc dù mỗi tháng cửa hàng bán gần 100 chiếc xe máy các loại, nhưng khi được hỏi có sẵn sàng cho nhà sản xuất ký gửi hoặc hợp tác kinh doanh, một chủ cửa hàng xe máy tại Hà Nội nói: “Trước mắt tôi sẽ hợp tác theo hình thức ký gửi, bán cái nào tính cái ấy. Sau này sẽ tính tiếp”.

Một bước tiến về khoa học kỹ thuật giao thông

“Nếu đúng như mô tả của nhà sản xuất, tôi thấy đây là một bước tiến về khoa học kỹ thuật giao thông. Một động cơ nhỏ mà mạnh như như thế thì các công nghệ truyền thống khó mà làm được, nhưng với công nghệ nano điều này có thể. Ở đây, tôi thấy mô tả động cơ chỉ nhỏ bằng cái đĩa được lắp ở bánh sau, đã có sức mạnh bằng một xe mô tô 600 phân khối. Sức mạnh này của động cơ đã tương đương với động cơ xe hơi, tại sao không nghĩ đến việc lắp nó vào xe hơi để chở được nhiều người hơn. Còn với xe điện để lưu thông, thì không cần phải có phân khối lớn đến như vậy. Theo tôi, nếu Việt Nam được chọn là nước đầu tiên để cho ra đời dòng xe này, thì nhà sản xuất nên hạ sức mạnh động cơ còn khoảng từ 100 đến 200 phân khối. Với việc tăng tốc từ 0 lên 96 km mỗi giờ, thực sự chiếc xe này có độ tăng tốc nhanh gấp đôi xe máy hiện nay.

Tuy nhiên, việc lắp động cơ tại vị trí bánh sau sẽ là một trở ngại cho người sử dụng, điểm yếu lớn nhất của đường sá tại Việt Nam là ngập nước, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM. Vấn đề nạp điện phải được tính sao để có thể dễ dàng như đổ xăng hiện nay, nhất là khi phải di chuyển trên những tuyến đường xa.

Nếu thực sự chiếc xe loại này ra đời thì việc giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do khói, bụi thải ra từ xe máy đạt hiệu quả vô cùng to lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà loại xe này sẽ hoàn toàn không gây ô nhiễm. Đó là chất thải ra do bình hỏng, cầu chì, mạch điện... đây là những chất thải vô độc hại. Nếu dùng được pin nhiên liệu trong tương lai, thì vấn đề này sẽ được giải quyết một cách tốt hơn”.  PGS-TS Phạm Xuân Mai, Chủ nhiệm bộ môn ô tô, ĐH Bách Khoa TP HCM nói.
 
Theo Đất Việt