Trên thị trường xe máy TPHCM, giá xe Air Blade do Honda Việt Nam sản xuất dù tăng cao nhưng vẫn chỉ ở mức 45-47 triệu đồng/chiếc trong khi Air Blade nhập từ Thái Lan có giá vọt lên hơn 60 triệu đồng nhưng khách hàng muốn mua phải đăng ký trước và xếp hàng chờ đợi. 

Do khan hiếm xe Air Blade của Thái Lan nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh đổ xô tìm cách nhập khẩu xe máy này từ Thái. Tuy nhiên, do ngân hàng hạn chế cho vay ngoại tệ nhập xe máy nên các doanh nghiệp phải tìm cách vay nóng ngoại tệ trong dân hoặc liên kết với các cá nhân, đại lý xe máy để nhập xe theo hình thức góp ngoại tệ hoặc cho vay ngoại tệ với lãi suất cao. 

"Cuối năm nhu cầu mua xe máy tăng cao, nhất là xe mốt thời thượng như Air Blade mà vay ngoại tệ ngân hàng để nhập thì khó nên phải vay bạn bè, mối quen", một đại lý bán xe máy ở ngã tư Phú Nhuận nói và cho biết anh ta cũng hùn vốn với một công ty để nhập xe, lẫn vay thêm ngoại tệ của bạn bè.

Cách thức phổ biến là người cho vay ngoại tệ được doanh nghiệp quy đổi ra tiền đồng và trả lãi suất tiền đồng 3%/tháng, cao hơn 3 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm. Mỗi lô xe Air Blade thường 200-300 chiếc và nếu hùn vốn lời ăn lỗ chịu thì một người hùn vốn tối thiểu phải bỏ ra 65.000 đô la Mỹ.

Để hạn chế nhập siêu và giảm căng thẳng ngoại tệ, cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương đã có chính sách hạn chế cho vay nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu cho đời sống dân sinh, trong đó có ô tô, xe máy.
 
Theo Saigontimes