Gần đây trên nhiều đường phố Sài Gòn xuất hiện không ít dân chơi cưỡi các phiên bản “biến dạng” từ chiếc Exciter 150, 135 “độ” theo phong cách xe cào cào, RevStation, Rossi... ngó mà xanh mặt.

Chơi xe “độ” ở đây dường như không giống các kiểu bobber, tracker, chopper, café racer… tuân thủ quy chuẩn quốc tế. Do hầu bao có hạn, thị trường xe “độ” Việt rộ lên những phiên bản kinh dị, sử dụng phuộc “tự chế”, mua phụ tùng nhái… từ đó phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Một dân chuyên “độ” xe cho biết hiện giới trẻ đang chuộng kiểu “độ” kỳ dị, mang tính chất của sự biến tướng khác thường, đến nỗi các nhà sản xuất không thể nhận ra đây là chiếc xe của họ.

“Dù độ ngoại thất hay máy móc. Đối với dân chơi xe Sài Gòn không có gì quan trọng hơn tốc độ. Với việc đôn dên, xoáy nòng... những chiếc xe “độ” có khả năng bứt tốc, lao như bay với vận tốc lên đến 200 km/h là chuyện thường” - anh Tuấn, một thợ độ xe kinh nghiệm, cho biết.

“Chơi ngông”… tiền mất tật mang

Nhiều dân chơi không mua xe về độ, mà tìm “xác” xe để độ, phát sinh nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt trên phương diện pháp lý. Nhiều “xác” xe không rõ nguồn gốc, thậm chí nhiều chỗ buôn cả “xác” những chiếc xe trộm cắp...

Theo pháp luật, ở điểm b khoản 4 điều 17 nghị định số 171/2013/NĐ-CP (13-11-2013), quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Đồng thời, theo điểm c khoản 5 điều 17, quy định ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tịch thu phương tiện và giấy phép lái xe hai tháng.

Phụ tùng thay thế lại là một vấn đề, với đủ các mức giá, từ 2-3 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Những người mới chơi xe, không kinh nghiệm thường bị lừa, mua phải phụ tùng nhái, không rõ nguồn gốc, dẫn đến hiện trạng chung “tiền mất tật mang”.

Chưa kể đến chất lượng tay nghề của những tay thợ “độ”, lò “độ”.

Nếu gặp phải người thợ ẩu, tay nghề kém, thành phẩm của họ chắc chắn làm tăng nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện, thậm chí nguy hại đến tính mạng khi đi trên những cung đường nguy hiểm.

Ngoài việc độ máy móc, thị trường xe độ rộ lên các gói làm đẹp xe như: thay đổi áo chế mũ sơn nghệ thuật, xả sơn cũ vẽ họa tiết chữ - logo, thay đèn chiếu sáng zin bằng đèn gương cầu led, độ đèn xinhan led audi, dán tem trùm kín xe… khiến chúng trở nên hầm hố, dữ tợn.


Xe máy Exciter độ tan nát được xem như phiên bản phá cách tại Sài Gòn - Ảnh minh họa: 2banh forum

Xe máy Exciter "độ tan nát" được xem như phiên bản phá cách tại Sài Gòn - Ảnh minh họa: 2banh forum

Những chiếc xe “độ” như vậy của các cậu ấm cô chiêu là nỗi ám ảnh lớn với những người tham gia giao thông cùng. Lái xe lạng lách, bấm còi inh ỏi, gào rú vô lối, “rít” pô xe trên đường... trở thành mối nguy hại, đe dọa đến sức khỏe và văn hóa giao thông trong cộng đồng.

“Độ” xe là phạm luật

Ngoài những mẫu “độ” chính hãng, được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế, độ an toàn, được sản xuất với mục đích triển lãm, sưu tầm, hay tham gia các giải đua quốc tế. Các mẫu xe độ còn lại do chủ phương tiện tự ý thay đổi kết cấu tham gia giao thông được cho là phạm luật.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào cho phép chủ xe can thiệp vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất, đồng thời cũng chưa cơ quan đăng kiểm nào chấp thuận các mẫu xe như vậy.

Theo khoản 2 điều 30 của nghị định 171/2013/NĐ-CP, đối với cá nhân là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng khi thực hiện hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe.

Theo khoản 2 điều 55 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Việc thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế ban đầu được chế tạo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã là hành vi trái với quy định của pháp luật. Đối với việc dán xe khác màu sơn với đăng ký xe ban đầu, thay đổi nhãn hiệu cũng bị vi phạm pháp luật về việc tự ý thay đổi màu sơn xe không đúng với giấy đăng ký xe.

Một số biker cho rằng việc thay đổi màu sơn xe không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, nếu chủ phương tiện tự ý đổi màu sơn trước khi làm thủ tục đổi sơn đúng quy định cũng sẽ bị xử phạt.

Đặc biệt, việc “độ” máy móc tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại đến an toàn giao thông cho người điều khiển và những người tham gia giao thông cùng. Việc “độ” xe vô ý thức còn trở thành công cụ, hỗ trợ đắc lực cho hàng loạt vụ án cướp giựt trên địa bàn bằng xe phân khối lớn.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên mạnh tay trong việc dẹp bỏ các lò “độ” xe trái phép, xử nặng và nghiêm khắc hơn với hình thức chơi xe “độ” không văn hóa này.

Theo Trùng Dương

Tuổi Trẻ