Honda Việt Nam: Động cơ của Diamond Blue không phải do Honda Motor sản xuất

Theo ông Koji Onishi, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, động cơ trên Diamond Blue với số hiệu AF14E không phải là sản phẩm của Honda Sundiro Trung Quốc hay bất kỳ chi nhánh nào của Honda Motor trên toàn thế giới từ trước đến nay.
 
img

Theo Honda Việt Nam, động cơ trên Diamond Blue không phải do Honda Motor sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Onishi cũng khẳng định Honda Việt Nam không liên quan gì đến động cơ hay mẫu xe Diamond Blue 125 được nhập khẩu, lắp ráp và bán tại Việt Nam. Theo ông, Honda Việt Nam là công ty duy nhất được Honda Motor ủy quyền để sản xuất, phân phối động cơ và xe gắn máy mang nhãn hiệu Honda.

Không dừng lại ở việc phủ nhận nguồn gốc của động cơ trên Diamond Blue, ông Onishi còn lên tiếng nhờ báo chí đăng tải thông tin rõ ràng để “ tránh sự hiểu nhầm rằng mẫu xe này có liên quan đến Công ty Honda và giúp khách hàng có sự lựa chọn đúng đắn trong quyết định mua hàng”.

Lisohaka: Honda Việt Nam muốn gây nghi ngờ cho người dân

Sau khi hay tin TGĐ Honda Việt Nam phủ nhận nguồn gốc động cơ AF14E, ông Vũ Mạnh Hà, TGĐ Công ty Cổ phần Lisohaka – đơn vị nhập khẩu và lắp ráp dòng xe Diamond Blue ngay lập tức “phản pháo”. Ông phát biểu một cách khá bức xúc: “Honda Việt Nam khẳng định thì phải chứng minh được chứ”.
 
img

Bằng chứng của Lisohaka là những giấy tờ chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo ông, thông tin Honda đưa ra chỉ cốt “để phá bĩnh, làm nhiễu thông tin và gây nghi ngờ cho người dân” về sản phẩm do công ty ông nhập khẩu và sản xuất. Ông cho biết, trước khi cấp giấy chứng nhận chất lượng cho Diamond Blue, chính Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gửi công văn sang Công ty Honda Sundiro để xác minh nguồn gốc của động cơ trang bị trên dòng xe này.

“Đăng kiểm đã làm công văn hỏi rồi, làm vớ vẩn thì người ta đi tù à? Đăng kiểm đâu có làm bậy được như Honda nói”, ông Hà tuyên bố.

Cục Đăng kiểm Việt Nam: Diamond Blue là xe nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong công văn trả lời báo chí về nguồn gốc động cơ trên Diamond Blue, ông Tô Đức Long, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, nêu rõ phần lớn các linh kiện sử dụng để lắp ráp mẫu xe trên như khung, động cơ, ốp nhựa thân xe…đều do Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy và Xe máy Vinashin nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo hồ sơ hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan và các tài liệu liên quan do Công ty Công nghiệp Tàu thủy và Xe máy Vinashin cung cấp, động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda do Công ty Sundiro Honda Motorcyle Thượng Hải của Trung Quốc sản xuất.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Đăng kiểm cũng tiết lộ thêm thông tin về chứng nhận chất lượng xe Diamond Blue. Cụ thể, mẫu xe này được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và chứng nhận theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BGTVT ngày 21/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.
Trong giấy chứng nhận kiểu loại cấp cho xe cũng ghi rõ nhãn hiệu của xe là Diamond Blue, ông Long cho biết thêm.

Đặc biệt, khi trả lời những thắc mắc xung quanh việc kiểu dáng xe Diamond Blue mang “hình hài” Vespa LX, Cục Đăng kiểm khẳng định đã gửi công văn tới Công ty TNHH Piaggio Việt Nam và Cục Sở hữu Trí tuệ. Điều đáng ngạc nhiên là cả Công ty TNHH Piaggio Việt Nam và Cục Sở hữu Trí tuệ đều xác nhận việc Vespa LX chưa được đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.

Theo VTC/VnEconomy