Vẫn bày bán xe "hao hao" Spacy

Trong khi chờ cơ quan chức năng tiến hành giám định và kiểm tra các giấy tờ về sở hữu trí tuệ sản phẩm xe có kiểu dáng giống Honda, thì tại cửa hàng 135 Nguyễn Tuân vẫn treo biển: “Xe mới sản xuất lắp ráp tại Việt Nam", kèm một bảng trắng phía dưới: "16 triệu đồng/xe, hàng Việt Nam đời đầu, chất lượng cao". Hai ngày qua khách vẫn nườm nượp ra vào.

 Sau đợt kiểm tra của QLTT và cơ quan công an, cửa hàng này chỉ bày 3 xe ga kiểu dáng hao hao Spacy nhưng không có nhãn mác. Khách nào hỏi về hai loại xe kiểu dáng AirBlade và SCR, sẽ được nhân viên cửa hàng xin số điện thoại hẹn bao giờ có xe sẽ chủ động gọi lại.

 Sáng 23/5, hai thanh niên phóng trên chiếc xe mác AirBlade màu đỏ đen tấp vào cửa hàng. Vị khách nằm rạp xuống dưới sàn ngó lên lốc máy và vành xe. "Anh yên tâm, xe do Việt Nam mới lắp, phụ tùng thiết bị đều ngon cả", nhân viên cửa hàng đon đả giới thiệu.

 Hỏi về giấy tờ và nguồn gốc, nhân viên này một mực khẳng định chỉ mua xe mới được xem giấy tờ. Thậm chí, khi vờ hỏi mua cho em ở quê nên lấy xe về quê đăng ký để xin giấy tờ thì được nhân viên hứa: "Anh yên tâm, bọn em có đầy đủ giấy tờ, anh mua bao nhiêu cũng có".

 "Bọn em bao tên ở khắp tỉnh thành, toàn bộ đăng ký với giá 1 triệu, 1 tuần sau có biển", người này còn khẳng định chắc nịch khi khách xem xe nghi ngại về chuyện cửa hàng hôm trước vừa bị công an thu xe thì liệu giấy tờ xe có đủ tính pháp lý để đăng ký.

 Không thể bắt nếu chưa dán nhãn?

 Là đại diện của Honda về sở hữu trí tuệ, luật sư Bạch Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho biết, trước mọi xâm phạm đến Honda, văn phòng đều có trách nhiệm yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

 Theo đại diện luật pháp của Honda, mới chỉ có 1 lần duy nhất, cách đây 2-3 năm, vụ việc liên quan đến xe Spacy do trong nước sản xuất bị xử lý. Đến nay, việc vi phạm vẫn ngang nhiên tiếp tục.

 Theo khoản 2 điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Khi người ta dán nhãn mác lên đó thì gọi là hàng giả, giả nhãn hiệu.

 Theo ông Bình, bắt hàng giả hoàn toàn không dễ. Vì khi cơ quan chức năng xuất hiện, đối tượng chỉ cần đối phó bằng cách bóc nhãn đi. Ngoài ra, vấn đề là nhà sản xuất không đăng ký bảo hộ kiểu dáng ấy thì rất khó xử lý.

 Khi bắt xe chở hàng nhái ngoài đường thì họ khai là tự thay đổi các chi tiết nhựa để tạo thành xe sản phẩm chứ họ không lắp sản phẩm này. Cứ như vậy, ông nào bị bắt bày bán ở đó thì mới phải chịu trách nhiệm. Còn các nhà sản xuất hàng nhái họ chỉ việc xuất trình giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp và khẳng định không lắp hàng nhái là xong", ông Bình chỉ ra điểm mấu chốt của bất cập này.

 Theo VTC