Không nên nổ máy và đi ngay vào buổi sáng

Đây là thời điểm động cơ dễ bị ăn mòn và hỏng nhất. Sau khoảng thời gian dài không vận hành, đa phần dầu xe đã lắng xuống phía dưới động cơ. Hệ thống xi lanh và buồng đốt lúc này gần như chỉ còn một lớp dầu mỏng bám trên bề mặt. Khởi động động cơ vào lúc này cần có khoảng thời gian nhất định để dầu có thể được bơm lên xy lanh một cách đầy đủ. Cách tốt nhất, hãy tắt chìa khóa điện và đạp mồi 3 đến 4 lần. Sau đó bật chìa khóa điện khởi động và để động cơ nổ ở chế độ chờ trong khoảng nửa phút tới một phút trước khi vận hành.

Đừng vận hành xe số như... xe tay ga!

Thói quen dừng xe khi gặp đèn đỏ không trả về số thấp hay vận hành xe tốc độ thấp ở số cao không chỉ thường thấy ở phụ nữ mà nam giới đôi khi vẫn mắc phải. Trên hệ thống hiển thị tốc độ, đa phần các hãng xe đều chỉ rõ khoảng tốc độ chạy xe cho từng số. Hãy sử dụng số thấp khi vận hành tốc độ thấp và trả về số thấp nhất khi xe bắt đầu vận hành hoặc sau khi phanh. Nhiên liệu sẽ được tiết kiệm và động cơ sẽ bền hơn khi bạn sử dụng số đúng tốc độ.

Không ép côn để máy khỏe hơn

Bạn không nên làm điều này nếu không muốn phải thay côn thường xuyên hoặc luôn phải nghe tiếng "hú" khó chịu phát ra từ bộ ly hợp của mình. Thông thường đối với các xe côn tự động hoặc côn tay, bộ ly hợp được sử dụng vào mục đích cho xe chuyển tốc độ theo từng bước số. Việc giữ chân, tay để thực hiện thao tác ép côn rồi thả mạnh đột ngột nhằm tăng tốc cho xe hay thực hiện những pha "bốc đầu" sẽ khiến cho hệ thống ly hợp phải hoạt động với cường độ mạnh dẫn đến việc giảm tuổi thọ ly hợp.

Đừng chỉ dùng một phanh!

Tất cả những chiếc xe máy khi sản xuất ra đều được trang bị 2 phanh cho 2 bánh trước sau để đảm bảo an toàn. Không thiếu những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi xe gặp trường hợp nguy cấp mà chỉ sử dụng một phanh trước/sau. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước và ngã rất dễ xảy ra. Chướng ngại vật đối diện có thể may mắn thoát nạn nhưng bạn và chiếc xe sẽ gặp nguy hiểm vì kiểu phanh bằng "cả người và xe" này. Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt và bắn ra xa. Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.

Đừng để công tơ mét làm đồ "trang trí"!

Sau một thời gian sử dụng, dây công tơ mét bị đứt gãy và rất nhiều người bỏ qua chi tiết này mà tiếp tục sử dụng xe. Thậm chí ngay cả khi còn chạy tốt, thói quen nhìn công tơ mét khi vận hành cũng là điều mà nhiều người bỏ qua. Nhiệm vụ chính của công tơ mét ngoài việc hiển thị và cảnh báo tốc độ cho người điều khiển, nó còn có chức năng thông báo ngưỡng chuyển số, tốc độ tối đa, vòng tua máy tối đa cho phép giúp người vận hành điều khiển xe được an toàn hơn. Ngoài ra, khi đi ra đường quốc lộ hoặc đi vào những nơi có hạn chế tốc độ, nó cũng khiến chủ xe "tiết kiệm" được cả tiền…phạt và thời gian. Hơn nữa, việc tạo thói quen nhìn công tơ mét sẽ giúp bạn xác định được mức tiêu hao nhiên liệu cũng như biết được thời điểm cần thay dầu và bảo dưỡng cho xe - nên ghi lại số km đã chạy khi thay dầu.

Đừng xem thường đèn tín hiệu bị cháy!

Chỉ cần một chiếc đèn hậu bị cháy, chiếc xe của bạn sẽ gây rất nhiều nguy hiểm cho người điều khiển đằng sau bạn. Kế tiếp là khi đi xe vào ban đêm, điện năng sinh ra luôn đáp ứng đủ mọi năng lượng điện tiêu thụ trên xe. Việc cháy một bóng đèn hậu sẽ khiến đèn pha phải tiếp nhận dòng điện lớn hơn và dẫn tới việc cháy đèn pha. Hãy luôn chăm sóc cho toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu của xe bằng cách thường xuyên kiểm tra hệ thống đèn tín hiệu; thay mới khi thấy bóng đèn có hiện tượng sáng yếu hoặc cháy, hỏng. Vệ sinh các nắp chóa đèn cả bên trong và bên ngoài sẽ giúp việc phát quang luôn được đảm bảo.

img

Thay lọc gió, lọc dầu là điều quan trọng

 Nếu ví chế hòa khí như "trái tim" của động cơ thì với bầu lọc gió được ví như "lá phổi" của chiếc xe. Một lọc gió bẩn hoặc rách, hỏng sẽ không thể cung cấp chuẩn xác lượng gió cho chế hòa khí. Điều này dẫn tới việc chiếc xe sẽ tốn nhiên liệu, khó nổ và không thể đạt được công suất tối đa. Còn đối với lọc dầu, nhiệm vụ thanh lọc các tạp chất lẫn trong dầu buồng máy sẽ bị ảnh hưởng nếu như không được thay mới đúng lúc. Lọc dầu khi tắc sẽ gây ra hiện tượng thiếu dầu cho động cơ. Điều này khiến xe vận hành bị nóng hơn và dễ xảy ra hiện tượng "bó" máy.

Không hẳn “xe càng ăn ít xăng càng tốt”!

1,8 lít hay 2 lít nhiên liệu cho 100km vận hành là "mơ ước" của chủ nhân những chú "xế yêu", và  tốn ít xăng dường như là mục tiêu hàng đầu khi sử dụng xe của người dân Việt. Sai lầm này bắt nguồn từ những bảng thông số kỹ thuật được các hãng xe bán xe cung cấp với những con số "đáng yêu" và gây ảo tưởng.

Thực tế những thông số kỹ thuật đều được thử nghiệm trong những điều kiện lý tưởng. Mỗi chiếc xe sau một thời gian sử dụng sẽ cần mức tiêu hao nhiên liệu khác nhau, cách tốt nhất để kiểm tra xe mình tốn nhiên liệu hay không là thông qua việc kiểm tra bugi của chiếc xe.
 
img
Bugi bên trái của một máy thừa xăng; bên phải là đủ xăng, có màu vàng gạch cua

Nếu điểm đánh lửa của Bugi có màu vàng gạch cua, có nghĩa máy “đủ xăng” - xe tiêu thụ nhiên liệu một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nếu như điểm đánh lửa xuất hiện màu đen hoặc bám muội đó là khi chiếc xe đang sử dụng thừa nhiên liệu.

Một mẹo dễ nhất và nhanh nhất để kiểm tra đó là vặn mạnh tay ga và quan sát ống xả, nếu ống xả phụt ra nhiều khói màu đen có nghĩa chiếc xe của bạn đang có triệu chứng "ăn" xăng.

Đừng đấu nối thêm các trang thiết bị dùng điện

Đấu nối thêm còi đôi, đèn pha công suất lớn, đèn chớp, đèn màu trang trí luôn là sở thích của những tay lái trẻ. Nhưng đây cũng là nguyên nhân chính khiến bình ắc quy, đi-ốt xạc, cuộn điện bị hỏng; thậm chí có thể gây cháy cả xe!

Nguyên nhân chính là do khi lắp đặt thêm những thiết bị, cuộn điện không sản sinh đủ công suất, dây điện bị chập cháy do quá tải hoặc bình ắc quy nhanh bị hao điện.

Phụ gia không giúp xe tiết kiệm xăng và phục hồi máy!

 Những thiết bị sử dụng nam châm được quảng cáo làm giãn nở cấu trúc tinh thể của xăng mang lại khả năng đốt cháy nhiên liệu tối đa và tiết kiệm nhiên liệu nhưng vô tình lại chính là nguyên nhân gây tắc ống dẫn xăng bởi nam châm này sẽ hút luôn tất cả những mạt sắt nhỏ li ti rơi ra từ vỏ bình xăng.

Còn nhiên liệu phụ gia được quảng cáo với những hạt "nguyên tử" bao phủ và lấp đầy những rãnh nứt trên thành xy lanh phục hồi tối đa sức nén cho buồng đốt động cơ giúp xe mạnh hơn nhưng lại... nhanh phá động cơ hơn. Bởi những hạt "nguyên tử" này không thể "hiểu" được đâu là lỗ thông dầu, gioăng cao su hay những ống cao áp vốn có đường kính rất nhỏ trong động cơ và đâu là bề mặt xi lanh cần lấp phủ. Chính vì vậy khá nhiều chủ xe sau khi sử dụng những công nghệ này đều phải ngậm ngùi mang xe đi... thay động cơ!

Để muốn chiếc xe bền lâu, mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu, cách tốt nhất hãy luôn chăm sóc chiếc xe của bạn một cách cẩn thận. Tuân thủ quy trình bảo dưỡng bằng cách ghi lại số km đã chạy theo đó áp dụng đúng những nguyên tắc về bảo trì và vận hành xe.