Thông cáo nói rằng ban lãnh đạo Ferrari vẫn khẳng định sự cần thiết phải giảm chi phí vốn cao ngất ngưởng mà các đội đua phải chi ở F1, nhưng lo ngại về việc áp dụng tiêu chuẩn hoá cho động cơ và cảnh cáo điều này sẽ tước đi lý do tồn tại của F1, vì F1 vốn dựa trên sự cạnh tranh và phát triển công nghệ.
 
Sau Ferrari, các nhà chế tạo khác có đội đua là Toyota, Honda, BMW và Mercedes đều lên tiếng phản đối quyết định tiêu chuẩn hoá động cơ của Liên đoàn Ôtô Thế giới (FIA).

Việc Scuderia Ferrari phản đối gay gắt nhất cũng là điều dễ hiểu bởi việc đánh đồng các động cơ theo một tiêu chuẩn duy nhất, có nghĩa các đội dùng một loại động cơ giống nhau, sẽ khiến đội đua này thiệt thòi. Thế mạnh của đội đua Ý chính là ở động cơ, nguyên nhân khiến cho Ferrari gắn bó với F1 từ hơn nửa thế kỷ qua, kể từ danh hiệu vô địch đầu tiên mà đội đua đạt được năm 1950.

Trong nỗ lực nhằm giảm chi phí của các đội đua F1, hôm 17/10 FIA đã gửi giấy mời thầu tới các nhà cung cấp động cơ để đề nghị họ cung cấp động cơ và các tiêu chuẩn truyền động dự kiến sẽ được sử dụng ở F1 kể từ năm 2010. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là việc FIA buộc các nhà cung cấp phải có sự lựa chọn hoặc là dùng một động cơ tiêu chuẩn hoá hoặc phải cung cấp động cơ cho các đội đua độc lập với chi phí dưới 5 triệu euro mỗi năm.

FIA vui mừng vì khả năng tài chính của Ferrari, nhưng lại lo ngại việc một số đội sẽ phải chịu chi phí vượt xa so với thu nhập của họ. Như vậy các nhà sản xuất động cơ từ nay phải chấp nhận đề nghị của FIA hoặc là phải đưa ra những đề nghị cụ thể cho phép giảm chi phí ở mức độ có thể chấp nhận được. Nếu không FIA sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì một giải đua bớt xa xỉ như hiện nay.
 
img
img
Những động cơ danh tiếng của Ferrari mà các đội đua độc lập phải bỏ ra hàng chục triệu USD để sở hữu
 
Thực vậy, mỗi năm các đội độc lập không có hãng xe lớn đứng sau lưng như Red Bull, Williams hay Force India phải trả một khoản tiền khổng lồ chừng 25 triệu USD cho Toyota, Renault và Ferrari để mua động cơ. Điều này sẽ không thể duy trì mãi. Hơn nữa, các đội này không thể thu lãi từ kinh doanh và số phận của họ luôn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của các nhà tỷ phú, như tỷ phú người Ấn Độ Vijay Mallya nâng đỡ  đội đua quê nhà Force India. Kinh phí duy trì đội Force India là khoảng 120 triệu USD mỗi năm được cho là quá khiêm tốn so với khoản tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ USD của các đại gia khác.
 
Nếu con chim đầu đàn Ferrari rời bỏ thì tương lai F1 sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Trong những tuần tới, FIA và các đội đua sẽ phải họp bàn rất nhiều để tìm phương án cụ thể nhằm giảm chi phí. Trong quá khứ, để giảm chi phí, FIA đã từng áp dụng luật cấm chạy xe với động cơ "turbo", chấm dứt kỷ nguyên sử dụng loại động cơ siêu công suất này, thay vào đó là động cơ V8 công suất cực đại khoảng 720 mã lực.
 
 
                                                                                                                  (Tổng hợp)