Một trong những điều thú vị và hấp dẫn nhất đối với những người hâm mộ WRC, đó là không phải những công nghệ cao siêu như F1, những cỗ máy xa xỉ như GT, mà chính những chiếc xe quen thuộc bạn thấy hằng ngày, thậm chí 1 chiếc y chang đang nằm trong ga-ra nhà bạn, đang vào cua ngọt ngào ở tốc độ 3 con số.

Xe tham gia WRC dựng trên cơ sở các phiên bản thương mại động cơ 2.0l 4 xi lanh. Nhưng dù nhìn chúng tương tự như những chiếc xe thương mại, tất cả những gì thực sự về chúng lại hoàn toàn khác biệt.
 
Đầu tiên là giá cả: 1 chiếc xe WRC có giá tầm 1 triệu USD, chưa tính giá phụ tùng thay thế. Một bộ lốp đua đắt tiền cũng chỉ dùng được khoảng 100km, và cứ sau 2 cuộc đua, ngân quĩ cho động cơ và hộp số lại phải “gom góp” từ con số 0.
 
Luật của FIA qui định mỗi chiếc xe đua trong WRC phải dựa trên khung hình tiêu chuẩn của 1 chiếc xe thương mại. Để tham gia WRC, chiếc xe sẽ được “lột trụi” chỉ còn từng phần khung kim loại. Những mối hàn theo kiểu điểm sẽ được thay thế bởi những “đường khâu” theo kiểu hàn mối nối. Tất cả những phần không cần thiết trên khung của 1 chiếc thương mại sẽ được loại bỏ để làm giảm trọng lượng xe.
 
Sau đó, người ta hàn vào bên trong xe 1 bộ khung bảo vệ như 1 cái lồng để chống biến dạng cabin khi tai nạn. Những công việc này tốn khoảng 700 giờ lao động, giúp bộ khung cứng và vững chắc hơn nhiều lần so với nguyên bản. Một minh họa rõ nét là sức chịu tải của bộ khung xe WRC cao gấp 10 lần xe nguyên bản.
 
img
Chiếc "lồng sắt" chẳng hề hấp dẫn trong một chiếc Ford Focus
 
img
Hệ giảm xóc phức tạp trong một chiếc xe mô hình mô phỏng y hệt xe đua
 
Phần động cơ xe cũng được thay đổi rất nhiều. FIA qui định tất cả động cơ WRC phải có bộ phận giới hạn lượng khí nạp đường kính 34mm tại ống dẫn khí nạp của động cơ. Qui định này nhằm hạn chế công suất của xe ở tầm 300bhp. Thân động cơ và nắp xy lanh phải là của chiếc xe nguyên bản chạy trên đường công cộng, nhưng trục cơ, tay biên, piston, van, và trục cam được phép thay đổi. Tăng áp trên xe thường có áp suất tầm 4-5 bar. Trên xe nguyên bản nạp khí tự nhiên, áp suất ở điều kiện môi trường tiêu chuẩn là 1 bar.
 
Thường các xe có tăng áp hay bị trễ ga, nghĩa là phải mất 1 thời gian nhất định sau khi đạp ga, tăng áp mới phản ứng, làm việc tăng công suất cho động cơ không nhanh nhạy và kịp thời. Nhờ có hệ thống chống trễ cho tăng áp, vấn đề này được cải thiện, đồng thời áp suất luôn ở mức tối đa. Kết quả là momen xoắn của những chiếc xe ưa nhảy nhót và lội bùn này lên tới tầm 700Nm (tùy mức căn chỉnh cho các đường đua). Con số này tương đương với mức momen của động cơ 6.0l V12 lắp trên Ferrari Enzo.
 
img
Động cơ phức tạp với hệ thống tăng áp hiện đại
 
Tất cả xe đua trong WRC đều dẫn động 4 bánh và trang bị hộp số bán tự động 6 cấp. Cơ chế sang số điều khiển điện tử cho phép các tay đua sang số không cần li hợp trong thời gian chỉ vài phần trăm giây; chỉ có các hộp số F1 mới có thể sang số với tốc độ tương đương.
 
Bên cạnh đó, hầu hết các xe đều có hệ thống xuất phát ở vòng tua cao như trên xe F1, giúp xe có khả năng rời vạch xuất phát nhanh nhất. Tuy vậy, những chiếc xe đua này vẫn có chân côn, các tay đua chỉ dùng nó khi đang dừng ở vạch xuất phát.
 
Nội thất với da bọc và trang thiết bị tiện nghi là điều xa lạ với xe đua. Và ở xe WRC, chỉ có kim loại trần trụi và 2 chiếc ghế bằng sợi carbon vừa vặn với 2 tay lái chính và phụ. Tất cả phiên bản thương mại của xe WRC đều có 4 chỗ, nhưng trên đường đua, khoảng trống phía sau được chiếm trọn bởi những chiếc ống của bộ khung bảo vệ. Trần xe đua WRC có đủ trang bị cần thiết cho môn thể thao mạo hiểm và bụi bặm này: bộ dụng cụ, bình chữa cháy và cả bánh dự phòng được cài vào, hoặc đặt bên dưới, giúp cho trọng tâm xe ở mức thấp nhất có thể.
 
img
Nội thất cực kỳ nghèo nàn, nhưng cực kỳ hiện đại

Cánh gió và các hỗ trợ về khí động học khác cũng được cho phép trong rally. Không chỉ giúp làm mát các bộ phận như động cơ, phanh, và giữ độ ổn định cũng như tốc độ tối ưu cho xe như trong các môn thể thao tốc độ khác, những thiết kế khí động học cho rally còn phải giúp xe ổn định cả khi…bay.

Cuối cùng là những thay đổi về điện và điện tử của xe. Giống như các xe đua khác, xe đua rally có phần mềm điều khiển các thiết bị như động cơ thay đổi tùy điều kiện đường đua, thời tiết, và khả năng của tay đua.

Kết quả của những thay đổi trên là một chiếc xe bề ngoài giản dị nhưng có khả năng đạt 100km/h từ lúc đứng yên trong khoảng 3 giây, nhanh hơn hầu hết các siêu xe thương mại. Khả năng tăng tốc này hiện diện trên tất cả các kiểu bề mặt đường đua. Và bên cạnh đó, khả năng đặc trưng của xe đua rally là những cú lết bánh, lách qua những gốc cây, trên 1 đường đua nhỏ hẹp đầy sỏi và bụi, ở tốc độ…hơn 200 km/h.

Một số gương mặt tiêu biểu:
 
img
Peugeot 307 WRC Evo3

          Động cơ: I4 1997cc; 4 tăng áp của Garret

    Công suất: 300 bhp@5250 rpm

    Momen xoắn: 580 Nm@3500+ rpm

         Trọng lượng: 1230 kg

img
Ford Focus (Mk2) RS 08

      Động cơ: I4 1997cc; 4 tăng áp của Garret

      Công suất: 300 bhp@6000 rpm

      Momen xoắn: 550 Nm@4000 rpm

      Trọng lượng: 1230 kg

                    Dạng thân xe: Hatchback

img
Subaru Impreza (44S) WRC07:

    Động cơ: Boxer 4 xi lanh 1994cc; 4 tăng áp kiểu boxer của IHI

    Công suất: 300 bhp@5500 rpm

    Momen xoắn: 600 Nm@4000 rpm

    Trọng lượng: 1230 kg

          Dạng thân xe: Sedan
 
img
Mitsubishi Lancer WRC05:

      Động cơ: I4 1996cc; 4 tăng áp của Mitsubishi

      Công suất: 300 bhp@5500 rpm

      Momen xoắn: 550 Nm@3500 rpm

      Trọng lượng: 1230 kg

      Dạng thân xe: Sedan