Tạp chí Popular Mechanics vừa tập hợp danh sách 10 vụ đâm xe kinh hoàng nhất trong lịch sử NASCAR. Những vụ đâm xe này không chỉ gây sốc cho mọi khán giả mà còn tạo ra cách nhìn khác về đua ôtô và góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống quy định của giải NASCAR hiện đại.

10. Michael McDowell - Texas - năm 2008:
 
img
Chiếc Toyota Camry COT đang được “chăm sóc” đặc biệt.
 
Trong khi chạy thử cho cuộc đua Samsung 500 của tháng 4 tại đường đua tốc độ cao Texas Motor Speedway, McDowell đã đâm chiếc Toyota Camry "Car of Tomorrow" (COT) vào đoạn barrier gần một khúc cua. Chiếc xe "lăn lông lốc" và hoàn toàn vỡ nát. Tuy nhiên, may mắn là McDowell vẫn còn sống.

Tai nạn kinh hoàng này cho thấy không chỉ chiếc COT mà cả tường chắn đường đua mới cần phải được cải tiến nhiều hơn nữa. Và vụ việc cũng là minh chứng rõ ràng rằng sự an toàn vốn đã phải trả giá bằng mạng sống của không ít tay đua trong những thập kỷ qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

9. Michael Waltrip - Bristol – năm 1990 và Mike Harmon - Bristol – năm 2002:
 
img
Harmon bước ra từ chiếc xe vỡ nát
 
Đối với các fan của NASCAR thì đường đua tốc độ cao Bristol Motor Speedway ở Tennessee xứng đáng nằm trong top những đường đua lớn nhất, “tàn khốc” nhất. Thậm chí trang web chuyên về ôtô Jalopnick còn ví Bristol là "một con quái vật luôn khát khao sự phá hủy”.

Vào năm 1990, tại giải Budweiser 250 Busch Grand National (ngày nay là NASCAR Nationwide Series), chiếc Pontiac Grand Prix của tay đua Waltrip đã đâm vào rào cản ở khúc cua thứ 2 với tốc độ hơn 160 km/giờ. Chiếc xe tan tành nhưng Waltrip may mắn sống sót, và gần như không bị thương tích gì đáng kể.

12 năm sau, năm 2002, trong khi luyện tập cho giải đua Busch Grand National tháng 8, tay đua Harmon bị trượt khỏi đường đua và gặp tai nạn tương tự như Waltrip. Anh chàng đáng thương này sau đó còn bị bồi thêm một cú đâm chí mạng nữa bởi xe của Johnny Sauter. Và cũng thật may mắn cho Harmon, anh vẫn sống sót sau một vụ va đập khủng khiếp như vậy.

Hai vụ tai nạn giống nhau bắt nguồn một phần từ lỗi thiết kế của đường đua này khiến NASCAR bị báo chí chỉ trích là đã không rút ra được bài học gì để khắc phục những sự cố đáng tiếc.

8. 37 tay đua gặp nạn - Daytona – năm 1960:
 
img
Khắc phục hậu quả vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử NASCAR
 
Vào năm 1960, NASCAR đã phát triển vượt bậc và trở thành một hiệp hội đua ôtô mới. Nhưng đây cũng là năm NASCAR phải chứng kiến vụ đâm xe lớn nhất trong lịch sử của mình ở giải Sportsman tại đường đua tốc độ cao Daytona International Speedway. 37 trong tổng số 68 chiếc xe tham gia đã bị tai nạn khiến khán giả bàng hoàng vì những cú đâm liên hoàn xen lẫn các pha lật tung xe liên tiếp.

Năm 1960 cũng là năm tồi tệ với một vụ tai nạn tập thể khác nhưng có quy mô nhỏ hơn tại giải Grand National mà bây giờ là Sprint Cup của NASCAR. Vụ tai nạn này đã làm cho 13 chiếc xe bị phá hủy và 5 tay đua phải nhập viện.

Tóm lại, 1960 là năm mà NASCAR nhận ra rằng mình đã “tháo cũi” để một "con thú hung dữ" được tự do tàn phá trên những đường đua tốc độ cao, và rút ra kinh nghiệm rằng để đạt được sự an toàn trên những đường đua tốc độ cao này là vấn đề khó khăn hơn rất nhiều so với những đường đua ngắn.

7. Richard Petty - Darlington - năm 1970:
 
img 
 Bạn của “vua”- Plymouth Road Runner, sau tai nạn

Khi hỏi bất cứ một khán giả nào chứng kiến vụ tai nạn của “vua” Petty tại giải Rebel 400 năm 1970, bạn sẽ nhận được câu trả lời rằng “vua” chắc chắn đã chết. Chiếc Plymouth Road Runner của Petty bị đâm vào tường cản và bay lộn ngược nhiều vòng tại đường đua Darlington Raceway ở Nam Carolina. Có người còn nhìn thấy rõ thân hình của “vua” đã bắn vọt ra như thế nào từ chiếc xe vỡ nát. Nhưng như có phép màu, Petty thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Sau vụ đâm xe này, việc trang bị lưới cửa sổ đã trở thành một quy định bắt buộc, để tránh tái diễn cảnh tượng khủng khiếp từng xảy ra ở Darlington có thể khiến những ông hoàng tốc độ của NASCAR phải hy sinh.

6. Rusty Wallace - Daytona và Talladega – năm 1993:
 
img
Rusty Wallace và chiếc Thunderbird sau chuyến bay bất đắc dĩ

Trong mùa đua năm 1993, chiếc Ford Thunderbird của Wallace đã 2 lần bị ném tung một cách bất đắc dĩ. Lần tai nạn đầu tiên xảy ra ở đường đua Daytona, và lần còn lại là ở Talladega.

Nguyên nhân của lần “bay” thứ nhất xuất phát từ miếng kim loại nhỏ có lẽ rơi ra từ chiếc Derrike Cope chạy trước, đã chọc thủng lốp của Ford Thunderbird khiến xe bị mất lái. Còn tại lần “bay” ở Talladega, khí động lực được xác định là nguyên nhân khiến chiếc xe bị thổi tung lên khỏi mặt đất và cuốn đi như một cái lá trong tâm bão.

Hai vụ tai nạn của Rusty Wallace chính là câu trả lời cho việc tại sao những chiếc xe đua phải được gắn thêm thiết bị được gọi là “roof flap”- bộ cánh thăng bằng để tạo sự cân bằng khí động lực học khi đi ở tốc độ cao. Nó giúp tạo ra lực để ghìm xe khi bị "trồng cây chuối" trên đường và giữ cho xe không bị thổi tung như trong trò chơi X-Games.

Theo Popular Mechanics, Jalopnick