Nếu như với người Việt, tiếng còi xe đã trở thành những thanh âm quen thuộc của đường phố thì với khách du lịch, chúng lại trở thành những “bản nhạc” nhức óc khó chịu.

Chị Maile Arvin, một sinh viên người Mỹ, sau 1 tuần đi thăm Hà Nội cho biết: “Đường phố nước bạn thật ồn ào. Mọi người lúc nào cũng bấm còi inh ỏi. Ở nước tôi, hầu như chỉ có … cảnh sát mới dùng đến còi.”

Dòng giao thông tấp nập, đông đúc tại các khu trung tâm cũng là điều đáng sợ với nhiều du khách. Một du khách Hàn Quốc đứng rụt rè, không dám sang đường trên phố Hàng Bài: “Việc qua đường ở đây thật khủng khiếp. Nó chẳng khác nào việc lao vào 1 ván bạc với tính mạng mình là thứ được đem ra đánh cược. Dòng phương tiện, chủ yếu là xe máy, nối tiếp nhau không dừng, không ngớt làm tôi chóng mặt. Nếu không có người giúp đỡ, không biết đến bao giờ tôi mới sang được bên kia đường!”

Williams Greg, một du khách người Úc, nói về giao thông tại Hà Nội với vẻ hài hước: “Tôi nghĩ việc qua đường là một việc đòi hỏi bản lĩnh đàn ông đấy. Ở đây mọi người có vẻ không ý thức nhường đường. Có lần tôi đã phải nhảy tót lên vỉa hè để tránh những thanh niên trẻ đi những chiếc xe be bé nhưng rất nhanh đấy!” – có lẽ kiểu xe gắn máy mini của Trung Quốc (BTV).

Còn với những “ông Tây” sống ở Việt Nam thì sao? Joe, chàng sinh viên nổi tiếng học khoa tiếng Việt trường đại học KHXH&NV, dường như đã quá quen với cuộc sống và cách đi lại ở Việt Nam. Viết về “văn hóa còi” ở nước ta, anh ví: “Đường phố Việt Nam giống như bản giao hưởng của những tiếng còi”. Anh chàng hóm hỉnh này còn phân loại các “tay còi” trên đường phố ta thành nhiều nhóm như tay còi “giả”, tay còi “khản”, tay còi “suốt”, tay còi “đèn xanh”… Mới đọc thấy buồn cười nhưng ngẫm lại mới thấy không vui.

Còn anh Mark Wallace, 1 “ông Tây” lấy vợ Việt, thì bày tỏ nỗi ám ảnh của mình về những người đi bộ “hồn nhiên”: “Tôi đã sống và làm việc ở Việt Nam được gần chục năm, thế mà hàng ngày lái xe đi làm vẫn không khỏi giật mình bởi những người đi bộ. Họ luôn chạy qua đường ở những chỗ chẳng có phần vạch cho người qua đường, làm hú hồn các lái xe.”

Giải thích cho thực trạng giao thông ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa giao thông nước ta là thứ “văn hóa xe đạp” mới chuyển lên “văn hóa xe máy, xe hơi”. Do đó, người dân chưa có đủ thời gian thích ứng và thay đổi hành vi, ứng xử trong giao thông.

Tổng kết về giao thông ở Việt Nam, anh Mark Wallace nói: “Giao thông như vậy, không nhiều tai nạn mới là lạ!”

 

LinhKu – Đức Minh