Xe gắn máy từ lâu đã rất quen thuộc với cuộc sống người dân Đông Nam Á, do đặc điểm con người và kinh tế của khu vực này. Những chiếc xe gắn máy, mà điển hình là “huyền thoại” Honda Super Cub, thường có cấu tạo khá đơn giản, nhỏ gọn, động cơ dung tích không quá 150cc, tiết kiệm nhiên liệu. Do đặc điểm đó, việc thay đổi kết cấu và các chi tiết kỹ thuật của dòng xe gắn máy là khá dễ dàng. Văn hóa “độ” xe gắn máy từ đó ra đời và nhanh chóng phổ biến ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines.
 
“Độ” xe gắn máy có thể hiểu nôm na là thay đổi các chi tiết trên xe, sao cho khác với thiết kế mà nhà sản xuất đưa ra ban đầu, nhằm cải thiện chiếc xe. Có muôn vàn những phong cách “độ” xe, thông thường trước khi bước vào công cuộc “độ”, mỗi tay “độ” xe cân nhắc 2 khả năng. Thứ nhất, “độ” dàn ngoài, nghĩa là thay đổi những chi tiết thuộc về phần thân vỏ, tạo cho chiếc xe một ngoại hình bắt mắt, độc đáo hơn. Thứ hai, để cải thiện các tính năng vận hành, các chi tiết thuộc về cơ cấu, máy móc được thay đổi. Nhìn chung, kiểu “độ” nào cũng đòi hỏi công sức, tiền bạc và thời gian của người chơi nếu muốn có 1 chiếc xe “độ” đẹp và “không đụng hàng”.
 
img
Nghệ thuật phun sơn airbush trên xe
 
“Độ” dàn ngoài đơn giản hơn việc động chạm vào máy móc, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Dễ thấy nhất là thay đổi màu sơn và tem xe. Nhiều tay chơi cầu kỳ còn sử dụng đến nghệ thuật airbrush để đưa những bức tranh tinh xảo lên xe. Phần vỏ xe dễ dàng được thay đổi bằng các chi tiết mang dáng dấp thể thao hơn. Chiếc chắn bùn trước thô kệch có thể được thay bằng loại chắn bùn thể thao có dáng ôm sát bánh xe. Hai loại phụ tùng “độ” bán chạy nhất ở Việt Nam là đĩa phanh bán kính lớn, vừa tạo điểm nhấn phần đầu xe vừa tăng độ an toàn; và phuộc sau thể thao, cứng và dài hơn giảm sóc thường, đẩy phần đuôi xe lên cao hơn.
 
 Một vài sản phẩm khác cũng được các tay chơi ưa chuộng là bộ gác chân kiểu thể thao với cơ chế số móc kiểu xe côn tay; các loại pô xe thể thao cho tiếng nổ lạ tai. Ngoài ra, chủ xe có thể trang bị hệ thống đèn pha xenon và bộ đèn gầm nổi bật khi đi xe ban đêm. Một vài tay chơi táo bạo còn tự chế phần đuôi xe theo kiểu xe đua chuyên nghiệp, đuôi xe nhọn vút cao, không có đèn hậu và biển số. Đương nhiên, những tay chơi “ngông” như vậy đã tự biến chiếc xe thành một phương tiện không thể lưu hành hợp pháp.
 
img
Đĩa phanh "độ" với đường kính lớn
 
Việc thay đổi các chi tiết để tăng tính năng vận hành cho một chiếc xe khá phức tạp. Thông thường, để cải thiện khả năng gia tốc và tốc độ tối đa của xe, các chi tiết như bugi và hệ thống dây điện, ống xả đi theo xe đều được thay bằng các phụ tùng chuyên dụng dành cho xe đua. Chẳng hạn như hệ thống điện và đánh lửa gồm bugi và CDI, tụ kích nâng cao dòng điện cho bugi giúp cải thiện khả năng đốt cháy hoà khí tăng vòng tua của máy; kết hợp với hệ thống ống xả lớn hơn giúp chiếc xe “thở” dễ dàng hơn, nhờ đó xe có gia tốc lớn hơn và đạt tốc độ tối đa cao hơn. Những thao tác với máy móc này đòi hỏi phối hợp các chi tiết phụ tùng thích hợp, lắp đặt và căn chỉnh chính xác mới đạt hiệu quả hoạt động cao.
 
img
Một chiếc Yamaha Jupiter "độ" ngộ nghĩnh
 
“Độ” xe rốt cuộc vẫn là một cuộc chơi tốn kém, cả về tiền bạc lẫn thời gian và công sức. Cuốn vào trào lưu này, người chơi liên tục rút hầu bao và đổ mồ hôi để lùng sục những phụ tùng “độc” cho xế yêu. Có cầu thì mới có cung, các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng “độ” vẫn làm ăn khá phát đạt. Tuy nhiên, cuộc chơi nào rồi cũng đến hồi kết. Liệu rào cản pháp luật Việt Nam không cho phép tự thay đổi kết cấu tổng thành phương tiện có làm nguội bớt niềm đam mê xe “độ”? Muốn dự đoán một tương lai cho làn sóng “độ” xe ở Việt Nam còn phải xét đến nhiều yếu tố khác nữa.
 
Linkku