Phóng viên Adam Geller, hãng tin AP, đã gặp và tường thuật cuộc hội ngộ của những chiếc Hummer tại Pine Grove, PA (Pennsylvania) một ngày cuối tháng 7 vừa qua:

"Họ đến! Ầm ĩ với trống dong cờ mở, mang theo trái tim đầy nhiệt huyết treo lủng lẳng trên cái biển đăng kí của những chiếc xe được biết đến với biệt danh: 'Super Swamper'!...

Tấm bảng điện tử treo trước nhà ga Shell tại cửa ra số 100 lấp lánh dòng chữ: “ Welcome Hummers!”. Trong khi đó, bên kia đường, dưới ánh sáng lờ mờ hắt ra từ cửa hiệu Sunoco, người ta có thể dễ dàng đọc được thông báo: Diesel 4,97 USD một gallon - 3,785L.
 
img

Việc giá nhiên liệu tăng cao, áp lực từ các nhà bảo vệ môi trường - những người luôn coi Hummer như một kẻ nhiệt tình phá hoại sự trong lành của trái đất, và trong bối cảnh mà GM - hãng xe lừng danh đã thành công khi phù phép biến Hummer từ một biểu tượng quả cảm của quân đội thành thương hiệu về sự vượt trội trên mọi con đường, đang dài cổ chờ đợi những khách hàng hiếm hoi, thì sự sở hữu một chiếc Hummer không chỉ đòi hỏi chủ nhân ở hầu bao rủng rỉnh, mà còn là cả ý chí cùng rất nhiều sự gan lỳ.

Và thật vậy, trong buổi tối hội ngộ này, không ai có thể nghe thấy một lời xin lỗi, hay cử chỉ bộc lộ sự hối tiếc nào. Họ - chủ nhân những chiếc Hummer chỉ đến vì một mục đích duy nhất: cùng cỗ máy siêu mạnh của mình tạo nên một cuộc chinh phục đối với tất cả những gì họ gặp trong hành trình - cây đổ, vách đá, những đầm lầy không một dấu chân ai. Họ muốn chứng minh cho thế giới đang lao đao vì xăng dầu này rằng: Hummer không bao giờ chết !
 
img


Khi GM thông báo lượng bán những chiếc Hummer đã giảm tới 40% trong năm nay, đã có người cho rằng ngày cuối của dòng xe SUV to lớn rồi sẽ đến, như đã đến với loài khủng long. Nhưng "con quái" Hummer này, và những người yêu mến chúng, chắc chắn sẽ không để cho điều đó xảy ra!

“Khi chúng tôi mua chiếc xe...”, William Welch - chuyên gia phẫu thuật đến từ Philadelphia, kể với cái tẩu ngậm trong miệng ,“Tôi đã bảo vợ tôi rằng: Em yêu, chúng ta đang đầu tư vào sắt thép và cao su”, rồi chỉ tay về phía chiếc H1 đen nhánh của mình, ông nói thêm: “Nếu xăng có lên đến 10 USD một gallon, chúng tôi vẫn cùng nhau trên đường”
 
img

Không chỉ là một bộ bánh xe.

Đối với người Mỹ, xe không phải đơn giản chỉ là một phương tiện để đỡ đần những bước chân. Tại đất nước mà cuộc sống xoay quanh những chiếc xe này, bạn cũng chính là chiếc xe mà bạn lái.

“20% những sơn hào hải vị mà chúng tôi tuồn vào bụng được thực hiện ngay trong xe”, Leon James, giáo sư thuộc Đại học Hawaii đồng thời cũng là một chuyên gia tâm lý nói. “Chúng tôi và những chiếc xe là một. Bạn có thể biết được tính cách của bất cứ ai qua chiếc xe của người đó”.

Nhưng mặc dù vậy, trong nền văn hóa xe hơi của Mỹ, Hummer vẫn bị coi là một kẻ ngoại đạo. Bị kích thích bởi tình yêu và cả sự căm ghét sâu sắc, người ta có lẽ đã dễ dàng quên đi cái tính ngoan cố cố hữu mà từ đó khai sinh ra chiếc xe ban đầu.
 
img

“Cụ ông” nhà Hummer, trong con mắt của nhiều người, có lẽ chính là chiếc Jeep vốn xuất hiện từ Thế chiến thứ 2, và được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ. Chiếc xe, như lời của Patrick Foster - tác giả những cuốn sách bán rất chạy viết về xe Jeep, có thể lọ mọ ở những nơi mà các loại xe khác không thể đến được. Với Jeep, người Mỹ say chúng đến không thiết những gì xung quanh.

Nhưng cuối những năm 70, quân đội đã mời các công ty thiết kế một loại xe mới, có tính năng chiến đấu cao hơn. Người chiến thắng trong cuộc chơi này không ai khác ngoài những kỹ sư của AM General. Sản phẩm của họ là một mẫu xe đa dụng động cơ diesel có khả năng cơ động cao. AM General gọi chúng với cái tên khá dài dòng: High Mobility Multi-purpose Wheeled Vehicle, được "tút" lại là HMMWV. Còn với những người lính, họ chỉ gọi chúng với cái tên trìu mến: Humvee – một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.
 
img

Về “tính cách” loại xe mới này, như mô tả của Craig Mac Nab, người phát ngôn của AM General thì: “Chúng nói năng không được nhẹ nhàng cho lắm. Cách thức giao tiếp với bạn chỉ đơn giản là thét lên từ cách xa 10 cây số: Con đường này đã thuộc về tôi!”

Thống đốc lịch lãm của bang California, Arnold Schwarzenegger từng chạm trán những kẻ thô lỗ này khi trên đường tới nơi đang làm bộ phim “Kindergarten Cop”. Người hùng cơ bắp thuở nào nhớ là mình đã phanh lại khi thấy đoàn xe hộ tống của quân đội với những chiếc Humvee ầm ĩ kéo đến từ một hướng khác. “Một trong số họ đâm sầm vào tôi”, ông kể với phóng viên, “Nhưng tôi chỉ có thể nghĩ được ở trong đầu: Ôi Chúa ơi, đám quỷ kia là những chiếc xe thật sao...”.

Thời điểm này vào năm 1992, khi AM General đã bắt đầu sản xuất chiếc Hummer đầu tiên, dạng phiên bản của Humvee được dân sự hóa. Còn đối với Schwarzenegger, cho đến tận bây giờ, ông vẫn như bị chúng hớp hồn.

Những tổ lái cứng đầu!

Trên phố, một người nào đó chỉ tay về phía những chiếc xe: “Chúng là Hummer”, rồi không quên thì thào về những người đang ngồi sau vô lăng: “Họ cũng là Hummer”. Ở đây, hình như đã không tồn tại ranh giới giữa người và xe.

Chủ nhân của những chiếc xe đổ về bãi đỗ Hampton Inn đêm nay hiểu rất rõ những người xung quanh - những người sử dụng Hummer không chỉ để thả lũ trẻ xuống sân bóng chày.

“Nữ hoàng tốc độ” hay “Công nương đường phố”, ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể nghe thấy đám đông thét gọi những chiếc xe.
 
img

Khi ông lớn GM mua lại nhãn hiệu Hummer và cho ra đời chiếc H2 danh tiếng, chủ nhân của loại Hummer kềnh càng nhất này đã lo lắng rằng đứa con mới sinh của mình sẽ thiếu nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ không hề từ chối việc hân hạnh được cùng chúng nhập cuộc.

Vì thế mà Brandie Lopes đã vượt 966 km đến đây từ Winterport, Maine trên chiếc H2 mới cứng vừa được đánh bóng. Mặc dù nếu đi bằng máy bay, cô vừa nhàn thân lại tiết kiệm được ít tiền.

Lopes nhập cuộc cùng cặp đôi Howard và Vickie Schultheiss đến từ Maryland trên chiếc H1 nặng gần 4.990 kg sẹo ngang sẹo dọc thu hoạch được từ những cuộc chiến off-road khốc liệt. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tay lái có khắc dòng chữ “D-Man”, nickname của chú chó chăn cừu giống Đức không may chết vì bệnh ung thư, nhưng với hai người chủ thì linh hồn của nó còn sống mãi.

Họ, và những người khác nữa, đến đây với câu chuyện mình đã bị Hummer quyến rũ như thế nào?

John Andres, một chuyên gia phần mềm ở New Albany, bang Ohio kể rằng, khi đang xem tivi vào năm 1991, anh đã bị cuốn hút vì hình ảnh những người lính cùng với chiếc Humvee và xe tăng được ngụy trang kín đáo, vượt qua biên giới tràn vào lãnh thổ Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh.

“Tôi đã thấy được những gì mà trước kia tôi khao khát để tưởng tượng ra”, chủ nhân của chiếc Hummer màu cát nói, “Hãy quên cái Range Rover đi... nó chỉ còn là một thứ tồi tệ mà thôi”.
 
img


Câu chuyện của Dan LaForgia còn hấp hẫn hơn:

“Mẹ tôi kể lại rằng, 'xe việt dã' là từ đầu tiên mà tôi nói được”. Vào giữa những năm 90, anh đã thuyết phục được bố mình đưa tới nơi bán những chiếc Hummer gần nhà tại Long Island để mua cho anh tập lái.

Khi đấy LaForgia mới 12 tuổi. Chiếc xe thực sự là một báu vật của anh, thay vì lũ rô bốt mang mặt nạ siêu nhân bán đầy tại các cửa hàng.

LaForgia chưa từng thực hiện một cuộc off-road nào. Đối với anh, câu chuyện về những chiếc kính xe vỡ vụn, những vệt xước sâu, hay tất cả những gì mà chiếc Hummer phải trải qua trong cuộc chinh chiến đều chứa đầy sự cám dỗ.

Và buổi sáng, khi kim đồng hồ chỉ 8h45′, anh cùng nhóm những người bạn, mang theo lều trại, đã sẵn sàng để vào cuộc phiêu lưu.

Họ sẽ hướng về một nơi không hề có đường xá và dân cư, ngoại trừ sự thăm viếng của những kẻ đào vàng đã diễn ra từ trước đấy rất lâu.

Nhóm người này, đầy khí thế trên những chiếc H1, vui vẻ cười đùa qua radio gắn trên xe. Nhưng đối với nhà Schultheiss, hai vợ chồng cô còn nghĩ cả đến chú chó yêu quý với tâm trạng đầy tiếc nuối.

“Hãy đi thôi”, Vickie nói với Howard, chồng cô.

“Chúng ta lên đường nào!”.

Và thế là, giữa tiếng trống Timpani, tiếng khèn Pháp, cùng tiếng gầm rú của động cơ, bài ca “Fanfare for the Common Man” vang lên đầy thúc giục.

Vickie với lấy cái cổ dề của D-Man treo trên gương xe. Cô quấn chiếc dây làm hai lần, chà sát để lau bỏ những vết xám ở giữa những kẽ tay.

“Đây là chiếc xe của nó”, cô thì thầm.

Trước ngày tàn, Hummer của Schultheiss đã bị hỏng ba chỗ. Cùng các tay lái khác, cô bỏ lại sau lưng những bãi đất gồ ghề, những đầm lầy đầy mùi hôi thối, và vô vàn những tảng đá lớn mà chiếc xe va đập phải.
 
img


Nhưng bù lại, vào buổi tối, giữa bữa tiệc ngoài trời, họ có thêm nhiều câu chuyện mới để kể cho nhau, câu chuyện về sự cố gắng của ai đó để dẫn đầu đoàn, hay chỉ đơn giản xoay quanh những vệt xước...

Schultheiss thì liên hệ chiếc Hummer với chú chó chăn cừu giống Đức của mình: “Chúng đầy năng lực và khỏe như vâm”. Đối với cô, cảm giác chiếc xe đi xuống khi ở trong rừng, tay lái xoay liên tục để tránh những tảng đá, hay khi đu người qua cửa kính để kiểm tra bánh xe có bị treo lơ lửng giữa không trung hay không, vẫn hiện về nguyên vẹn.

Trán lấm tấm mồ hôi, nhưng cô thật rạng rỡ khi nói với mọi người: “Chào mừng đến với thế giới của D-Man!”
 
img


Hội tụ tình yêu và cả rất nhiều căm ghét!

“Những chiếc Hummer đầu tiên làm cho ai cũng phải ngước nhìn”, Tom Libby – nhà phân tích của Hiệp hội J.D Power & Associates nhận xét. Chính hình ảnh mạnh mẽ và đầy cá tính đã lôi cuốn mọi người săn tìm chúng.

Libby lấy dẫn chứng về người anh họ của mình. “Anh ấy nói rằng chiếc xe duy nhất mà anh ngó đến là H1. Chiếc xe đích thực đối với anh”.

“Chiếc xe mang đến cho mọi người cảm giác phi thường là mình vượt trội hơn bất kì ai”, Mark S. Foster – tác giả cuốn sách “ A Nation on Wheels: The Automobile culture in America since 1945” viết về nền văn hóa xe hơi của Mỹ, đã nói như vậy.

Phiên bản H2 của GM ra đời năm 2002, bóng bẩy hơn, bán ra với số lượng lớn hơn, và cũng thu được sự đón nhận nhiệt tình cũng như sự căm ghét nhất. Trang web FUH2.com còn đăng tải hàng trăm bức ảnh mọi người đang chào Hummer bằng ngón tay giữa của mình - cử chỉ miệt thị và lăng mạ.

Cuộc chiến văn hóa, tiếp theo đã tìm đường tới vùng lân cận Washington DC vào tháng 7 năm ngoái, khi hai người đàn ông bịt mặt tấn công một chiếc Hummer đang đỗ bằng gậy chơi bóng chày.

Những người sở hữu Hummer từ khắp mọi nơi đã gọi điện cho Gareth Groves, chủ chiếc xe bị phá hoại, đề nghị được giúp đỡ. Thậm chí có người còn dự định cho cả một cái ga ra.

Nhưng số người gửi cho anh các bức thư chứa đựng những ngôn từ chẳng mấy lịch sự có khi còn nhiều hơn. Groves không ngạc nhiên khi có lắm người tỏ ra không chút thiện cảm với chiếc xe của anh, một trong những chiếc xe gây tiếng ồn lớn nhất, chiếm dụng lòng đường nhiều, sẵn sàng gây bụi mù mịt và xịt mùi dầu vào tất cả những người nó gặp trên đường đi...Chiếc xe, không chút nghi ngờ gì nữa, đã khuấy lên sự phẫn nộ từ mọi người ở cả hai bên.

Về phần Groves, sau khi trả tiền sữa chữa, việc phải thanh toán xăng dầu, và những rắc rối liên quan đến nhà cửa làm anh có lúc đã phải nghĩ đến việc bán chiếc xe thân thiết của mình. Nhưng ý nghĩ đó không tồn tại được lâu. Vì như Groves nói: “Tôi yêu chiếc xe này!”.
 
img

Vài thực tế ảm đạm của Hummer.

Một số những người sở hữu Hummer, vốn cứng đầu cứng cổ, nhưng giờ đã phải suy nghĩ lại. Với LaForgia, sau hàng chục năm gắn bó, tình yêu dành cho chiếc xe vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không buộc anh phải nói dối về những hạn chế của nó. “Đó không phải là một chiếc xe tiện dụng”. Anh thậm chí còn dự định bán chiếc H1 để tiết kiệm mua nhà, việc mà theo anh là quan trọng hơn.

Về phần Welch, ông cũng đang nghĩ tới việc mua một chiếc xe mới thay thế chiếc Hummer vốn quá cao so với trần nhà xe bệnh viện nơi ông làm việc.
Một nhóm những người nhiệt huyết với Hummer khác còn nghĩ đến việc dùng dầu biodiesel để "bón" cho đứa con lúc nào cũng tỏ ra háu ăn của mình.
 
img

Nhưng vượt lên tất cả....

Những người sở hữu Hummer coi mọi quyết định kiểu như trên chỉ là sự lựa chọn của cá nhân. Nó không tạo ra nhiều ảnh hưởng cho họ.

Và với tình yêu của những người như Schultheiss, thì dù một ngày nào đó xăng có quý bằng vàng, còn các nhà bảo vệ môi trường nhiều như nấm, điều đó vẫn chỉ là vô nghĩa!
 
img

Theo AutoForbes.