Bị mắng vì “lô cốt”

2 giờ sáng, đội lái xe cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương vừa ngả lưng sau một ca tim mạch cách đó vài phút thì lại có tiếng chuông điện thoại reo. Trong tích tắc, chiếc xe 115 đã ra khỏi cổng, lao vun vút trong đêm tối, lặng lẽ, không một tiếng còi. “Đường vắng hay đêm khuya mình hạn chế hụ còi để khỏi làm phiền người khác” - chú Trần Văn Nghĩa, người lái xe cấp cứu lâu năm nhất đội, nói nhỏ.

Nạn nhân bị tai nạn giao thông tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Đích đến chỉ còn vài trăm mét nhưng bác tài phải đi rồng rắn mất 10 phút mới đến được hiện trường vì... cái “lô cốt” to đùng án ngữ ngay đầu hẻm. Xe vừa đến nơi, đội cấp cứu liền bị mắng xối xả: “Giờ này mới tới! Chuyển đi rồi!”.

Chú Nghĩa thở dài: “Nếu không có “lô cốt”, biết đâu đã đến kịp. Nhiều khi bị chửi cũng buồn lắm nhưng cũng không trách họ được. Chỉ mong người nhà cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người lái xe mà thông cảm cho chúng tôi hơn”. Xe vừa lủi thủi quay đầu liền đụng phải một tòa “lô cốt” sừng sững phía trước!

Ý thức người đi đường kém đi

 
Cực nhất phải kể đến những giờ cao điểm. Nếu không lên dây cót tinh thần, các tài xế 115 khó lòng vượt qua cả một biển xe, rừng “lô cốt” và những gương mặt trơ như đá của người đi đường. Mặc cho tiếng còi hụ inh ỏi không ngớt, chàng thanh niên cỡi chiếc Nouvo vẫn thản nhiên lạng lách trước đầu xe. Một, hai, ba rồi hàng chục chiếc xe khác chen lên lấp đầy khoảng trống đoạn đường vừa được mở.
 
Không chỉ xe máy, cả taxi, xe buýt, xe tải đều tham gia vào “cuộc chiến” giành đường. Một người phụ nữ văng tục: “Đ.M., xe không mà cũng bày đặt hụ còi”. 29 năm cầm vô-lăng cứu người, chú Nghĩa không khỏi xót xa khi thấy ý thức của người dân càng ngày càng kém đi. “Họ không nghĩ rằng chạy xe không để đến với người đang cần được cấp cứu. Giá mà bà con hiểu rằng sẽ có lúc người nằm trên xe cấp cứu này là mẹ, là chị họ, chắc họ sẽ đỡ vô cảm hơn” - chú Nghĩa bộc bạch.
 
img
2 chiếc xe cứu thương bất lực trong đám đông tắc đường thờ ơ

Hóc búa “ba trong một”!

Không giống những tài xế bình thường, người lái xe cấp cứu vừa phải lái thật nhanh, thật êm nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Với yêu cầu “ba trong một” hóc búa như thế, rủi ro là điều khó tránh khỏi. Mới đây, anh Hùng “râu” đang chạy cấp cứu thì bị ném đá dọc đường làm bể cả tấm kiếng.

Có một câu chuyện mà khi nhắc đến, anh em trong đội ai cũng ngậm ngùi. Một chiều 30 Tết, anh Ngọc Nghĩa đang trên đường chạy xuống Nhà Bè cấp cứu, bỗng dưng bị một xe máy đâm sầm vào. Tuy không có lỗi nhưng anh bị xử phạt chỉ vì... lái xe lớn. Mức đền bù thiệt hại lên đến mấy chục triệu đồng - quá nhiều so với đồng lương còm cõi của anh. Cũng may người nhà bãi nại nên anh không bị khởi tố. Đó là cái Tết buồn thảm nhất đối với gia đình anh và cả đội lái xe.

Do phải thường xuyên phụ các bác sĩ khiêng vác bệnh nhân bị nhiễm HIV, nghiện ma túy hay tiếp xúc trực tiếp với người bị lao phổi, viêm gan siêu vi B... nên khả năng lây nhiễm của anh em lái xe là rất cao. Anh Thanh vẫn còn rùng mình ớn lạnh khi chúng tôi nhắc đến vụ dịch SARS bùng nổ năm 2003. Sau khi tiếp nhận một ca cấp cứu nghi bị SARS ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, anh Thanh... bỏ nhà đi. Anh quyết nếu có chết thì chết một mình chứ không để lây cho vợ con. Nỗi lo lắng, sợ hãi đeo bám anh suốt cả tuần liền cho đến cái ngày nhận được thông báo có kết quả âm tính...

Hội chứng “chuông reo là chạy”...

 
Ở cái nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh thì nỗi buồn và niềm vui cũng đan xen lẫn lộn. Nhưng có lẽ với các anh, buồn nhiều hơn vui. Có những ca ở rất xa, anh em phải chạy hết tốc lực nhưng đến nơi chỉ biết dở khóc dở cười.
 
Một bệnh nhân ở quận 2 báo bị chấn thương nghiêm trọng ở tay, ra rất nhiều máu. Nào ngờ tay anh này chỉ bị đứt một tí, vậy mà vẫn cương quyết trèo lên xe đi cấp cứu, phải giải thích cả nửa giờ mới chịu xuống. Có người lại kêu 115 đến chỉ để đưa mẹ đi trồng răng (!) vì hồi chiều mới đọc thấy quảng cáo có bệnh viện nọ trồng răng kỹ thuật mới.
 
“Chạy xa bao nhiêu tôi cũng không nề hà nhưng phải tiếp nhận những ca vô duyên như vậy tụi tôi bực mình lắm” - anh Việt bức xúc nói. Nhiều người chọc phá, cho địa chỉ ma tìm hoài không ra. Không ít phen xe đến đúng địa chỉ cung cấp nhưng tới nơi hỏi người nhà nói không có. Đã vậy còn bị chửi một trận vì tội trù ếm.
 
Nhiều khi cả đội được báo có tai nạn giao thông, đến hiện trường chẳng thấy người đâu. Nghe tiếng cười ha hả của đám thanh niên đang ngồi nhậu mới hay mình đã bị lừa.
 

img

Thói quen nghề nghiệp!

 
Chú Nghĩa - người gắn hơn nửa đời mình với tiếng còi xe cấp cứu kể, có hôm ra trực, đang nằm ngủ ở nhà, nghe tiếng chuông điện thoại reo, chú quáng quàng ngồi dậy, lò mò tìm đôi dép chực lên xe đi cấp cứu. Lần khác, do thói quen, chú Nghĩa còn lái xe quẹo vào làn đường ưu tiên cho xe lớn, đến khi bị cảnh sát huýt còi mới biết mình đang đi xe máy.
 
Còn anh Việt hẹn bạn bè đi ăn đám giỗ. Nghe tiếng chuông cứ tưởng chuông cấp cứu, lật đật ngồi dậy, xỏ áo quần vào chạy xộc ra cổng, thấy bạn đứng chờ mới hay mình nhầm. Cả tổ lái xe có 16 người, hầu như ai cũng một lần mắc phải hội chứng “chuông reo là chạy” như thế.
 
So với chạy bên ngoài, chạy xe cấp cứu vất vả hơn nhiều mà lương lậu không đáng bao nhiêu. Thế nhưng một ngày không chạy, anh em lại nhớ quay quắt. “Hôm rồi nghỉ phép có vài ngày mà nhớ đội xe không chịu nổi. Chưa hết phép đã vội vào ngay. Không biết vài năm nữa về hưu làm sao đây?” - chú Nghĩa trầm ngâm.
 
     
                                                                                          (Theo Pháp luật TPHCM)