Chỉ vừa nghe tới câu hỏi: “Nếu được chọn phương tiện đi lại, bạn có lựa chọn xe buýt không?” thì 98% câu trả lời nhận được là “Không!” – gần như ngay lập tức. Liệu có lạ lùng chăng, khi xe buýt được đưa vào sử dụng với mục đích là phương tiện giao thông công cộng tiện ích, phục vụ nhu cầu cho phần lớn người dân đô thị?

Tại sao xe buýt “mất điểm”?

Chẳng phải oan uổng khi xe buýt được gắn cho cái mác đáng sợ: “Hung thần đường phố”. Đường tắc, trong khi ai ai cũng mệt mỏi vì phải nhích từng centimet thì mọi người còn bị “tra tấn” hơn bởi những tiếng còi xe inh ỏi của chiếc xe buýt đang đòi “phần”. Lái xe ẩu, không những chèn ép các phương tiện khác mà thậm chí còn “ngang nhiên” vi phạm luật lệ ATGT một thời gian đã tạo nên cơn sốt phản ứng gắt gao trong dư luận. Mặc dù đã có sự điều chỉnh, nhưng có vẻ như nhiều bác tài “nóng vẫn hoàn nóng”. Bạn Vy, sinh viên năm thứ 3, trường HV Ngoại Giao kể lại một trường hơp “hú vía” của mình vì trót… “động chạm” tới “bác buýt”: “Một lần đi trên đường Đê La Thành, do buổi sáng nhiều người tham gia giao thông nên đường rất chật, mình bị các phương tiện khác chèn sang phía bên kia làn đường, thành “vật cản đường” của một chiếc xe buýt tuyến 26. Bác tài không đợi mình chỉnh xe sát vào phần đường mà cứ thế lái xe lừ lừ tiến tới. Hoảng quá chẳng biết làm thế nào, mình đành phải dùng chân đẩy xe đi giật lùi lại để tránh. Cuối cùng người dân bên đường phải giúp mình kéo xe lên vỉa hè, nhưng xe chưa kịp kéo hết thì phần đuôi đã bị vạch một vết xước do đầu chiếc buýt chờm tới. Nếu lúc ấy “dọn đường” muộn hơn một chút, không hiểu bác tài ấy sẽ “dọa lấn” mình đến thế nào?”.
 
img
Người dân "ác cảm" với xe buýt một phần là do thái độ phục vụ quá kém.
Xe buýt với đường phố bên ngoài đã là thế, trong “bụng dạ” chúng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Nhắc tới xe buýt Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới những cảnh chen lấn, xô đẩy, móc túi… Những ai hay đi xe buýt đều biết, vào giờ cao điểm, đi buýt còn khổ hơn… chịu tắc đường. Trong một chiếc xe kín như bưng, cả vài chục người với đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, nào cặp, laptop, túi xách… cố gắng tận dụng từng mm vuông diện tích. Ở những tuyến xe “nóng” như 32, 34, 22… đôi khi không cần chỗ bám vì xe nhồi quá chật, không ai cọ quậy được nên cũng chẳng lo bị… lắc lư. Trong tiết trời mùa hè, xe buýt quả thực là… “địa ngục”. Đợi xe dưới nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 38, 40 độ rồi lại “thực hành” chen lấn, xô đẩy lên xe, bảo ai có thể không e dè? Không tham gia thì mất “suất” lên xe, lại lỡ chuyện công việc. Nhưng hùa theo “con sóng nhân tạo” tìm mọi cách ùa vào xe lại là một cử chỉ điển hình cho sự thiếu văn minh vô cùng. Chẳng những thế, mất bao công sức chuẩn bị thật “chỉn chu” cho một công việc quan trọng, hoặc đơn giản chỉ là chút điệu đà con gái, nhưng nếu lên xong một lượt xe buýt thì tất cả chỉ còn cảm giác mệt mỏi và “tả tơi”. Chính vì thế, nhiều người chọn phương án thứ ba: Tốt nhất là không đi xe buýt!
 
img
"Chen lấn" dần trở thành một thói quen của người đi xe buýt VN - Nỗi "ám ảnh" đối với các du khách nước ngoài!

Những người có điều kiện hơn vẫn còn có cơ hội lựa chọn phương tiện lưu thông, bởi vậy họ vẫn chưa hoàn toàn “thấm thía” phương tiện công cộng này. Một phần lớn những “khách hàng” sử dụng xe buýt thường xuyên là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc đi xe buýt với họ có khi chỉ là “buộc phải thế”. “Nhà tôi ở phía bên kia cầu Đuống. Hàng ngày để đi học ở trường ĐH Sư Phạm, tôi đều phải sử dụng xe buýt bởi gia đình chỉ có một xe máy, mà quãng đường cũng khá xa nữa. Đi xe buýt có cái khó là không chính xác lắm về mặt thời gian nên rất dễ bị muộn giờ lên lớp. Hơn nữa vào giờ cao đểm đi buýt cũng rất mệt mỏi, mà hôm nào số “đen” thì còn phải gặp người thu vé khó tính nữa chứ. Nói chung là không thoải mái chút nào!”, bạn Hân, sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ.
img
Dù không muốn, nhưng nhiều người vẫn phải chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển "bất đắc dĩ".


Có người cho rằng đi xe buýt “hơi” khó chịu một chút, nhưng được cái an toàn – Ít ra tránh được những rủi ro va chạm trên đường. Tuy nhiên “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, đi xe buýt thực sự không hẳn an toàn như họ vẫn “tin tưởng”. Những hình ảnh phóng sự về nạn móc túi ở các trạm trung chuyển xe buýt đã từng “phanh phui” một cách dữ dội vấn nạn này. Tuy nhiên, truyền thông cứ truyền thông, bởi các trạm xe quá đông cả về số trạm lẫn lượng người, cơ quan chức năng dù muốn vẫn không thể sâu sát nổi tình hình. Thôi thì, của ai người nấy giữ. Còn nếu chẳng may đánh mất, họ đành ngậm ngùi mà rằng: “Của đi thay người”. Không chỉ móc túi, vẫn còn quá nhiều câu chuyện “hoảng hồn” được những người đi xe buýt kể lại, từ việc bị sàm sỡ, gây gổ đến văn hóa nơi công cộng… Và trong khi dư luận đang xôn xao về hàng loạt các vụ cháy xe xảy ra gần đây, thì phương tiện công cộng này cũng “góp phần” bằng một vụ cháy xe buýt cuối tháng Hai vừa rồi. Nếu khi đó, chiếc xe đang chở đầy hành khách và cửa xe bị kẹt, liệu rằng hậu quả sẽ đi tới đâu? Cộng thêm chất lượng xe ngày càng xuống dốc do không được bảo trì thường xuyên, tất cả đã khiến cho xe buýt bị rớt điểm thê thảm trong hạng mục “An toàn”.
 
img
Liệu có an toàn không khi mọi thứ đang trở nên hỗn loạn như thế này?
 
img
Và cũng chẳng an toàn hơn bao nhiêu, khi xe buýt cũng không tránh  khỏi "phát hỏa".

Từ “Tây” sang “Ta”

Nhiều người đã nói, trông cách phục vụ của xe buýt ở nước ngoài, thấy mà thèm! Quả thực là một điều đáng mơ ước, khi từ trang bị cho tới cách phục vụ, và cả “văn hóa đi xe” của họ cũng hơn hẳn Việt Nam ta. Từ những nước ở gần như Malaysia, Singapore hay Anh, Mỹ, xe buýt đều là phương tiện công cộng vô cùng phổ biến và rất được ưa chuộng đối với dân chúng. Mỗi tuyến xe buýt đều có giờ đến chính xác của từng chuyến và hầu như chỉ sai lệch một vài phút, không hề có chuyện “cứ 20 phút một chuyến, chưa kể tắc đường”. Dù dùng cho mục đích phục vụ khu du lịch hay nhu cầu của người dân thì việc trang bị, đảm bảo chất lượng cho phương tiện vẫn rất được chính quyền quan tâm. Không có việc ngóng” dài cổ” lo bị bỏ bến hay e dè thái độ phục vụ của nhân viên xe, không khí ở các trạm buýt nước ngoài thông thoáng, bình tĩnh chứ không “sôi sùng sục” như ở Việt Nam. Với tâm lý ấy, bảo sao các du khách nước ngoài không “hoảng hốt” với trải nghiệm “phương tiện công cộng” này? Thậm chí, có những người nước ngoài dù đã sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian khá dài vẫn từ chối sử dụng loại phương tiện này. Chase McCoy (Giáo viên ngoại ngữ người Anh) sau 2 lần “trải nghiệm” xe buýt tuyến 50 và 47, đã một mực “kết thân” với một chiếc Honda Wave để phục vụ nhu cầu đi lại của mình. “Tôi quá bất ngờ với xe buýt của Việt Nam. Tôi có nghe nhiều về nó từ học sinh của mình, nhưng tôi không tưởng tượng ra rằng các bạn thực sự đi xe buýt như thế hàng ngày. Tôi không làm được, thế nên tôi chọn xe máy thôi!”.
 
img
Xe buýt ở VN đối với các nước khác trên thế giới có sự khác biệt quá xa cả về chất lượng, trang bị lẫn ý thức người dân.


Kết

Không ai có thể phủ nhận rằng, xe buýt hiện nay vừa không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, vừa là một “phương án không ai muốn” khi họ lựa chọn phương tiện. Khi mà chất lượng phục vụ không tốt, trang bị ọp ẹp và xuống cấp, không thể nào đòi hỏi một sự ưu ái hơn giành cho phương tiện công cộng vốn dĩ phải vô cùng hữu ích này. Ở nhiều nước trên thế giới, đi xe buýt còn được xem là một phương thức du lịch “bụi” rẻ tiền mà thú vị. Tuy nhiên, với tình trạng xe buýt ở Việt Nam, chỉ riêng việc phấn đấu để chính người dân có thiện cảm và sử dụng xe buýt thay cho phương tiện cá nhân cũng là cả một vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý. Nếu không cẩn thận, chính xe buýt sẽ là một “điểm xấu” của giao thông Việt Nam, cũng như vấn nạn tắc đường nhức nhối bấy lâu nay.