Là một người phụ nữ nhưng cô Lily Liu hiện đang sống tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc lại rất đam mê tốc độ. Thêm vào đó, cô không hề ngần ngại khi chi một số tiền lớn để tậu xe và thỏa mãn sở thích của mình. Hai năm trước đây, cô Liu, 44 tuổi, đã sắm một chiếc Porsche 911 Carrera S màu xám với giá 1,2 triệu NTD (tương đương 182.000 USD). Chưa hết, cô còn có ý định tậu thêm một chiếc Aston Martin vốn nổi tiếng qua bộ phim James Bond. Là chủ tịch một công ty xây dựng, cô rất "tự hào" khi trở thành trung tâm của sự chú ý mỗi lần xuống phố.

"Bấy lâu nay, siêu xe chỉ tồn tại trong thế giới của đàn ông", cô Liu phát biểu. "Phụ nữ chúng tôi muốn mua những chiếc xe như thế để tìm kiếm sự bình đẳng với nam giới".
 
img
Lượng phụ nữ Trung Quốc mua xe Maserati gấp 3 lần tại Châu Âu (Ảnh minh họa).

Hiện nay, 1/3 triệu phú tại Trung Quốc đều là nữ giới và họ đã mua không ít những chiếc xe thể thao tính năng cao. Theo hãng Fiat, lượng phụ nữ Trung Quốc mua xe Maserati gấp 3 lần tại Châu Âu. Trong khi đó, tỷ lệ chị em phụ nữ Trung Quốc tậu xe Ferrari cũng gấp đôi con số trung bình toàn cầu.

Theo hãng tư vấn Bain, trong năm ngoái, doanh số bán hàng của dòng xe siêu sang tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới đã tăng 60%, từ 948 chiếc của năm 2009 lên hơn 1.500. Con số tương ứng của năm nay là 35% với động lực khoe sự giàu có và thành công của khách hàng.

Những người phụ nữ thành đạt

Trong năm 2010, lượng nữ triệu phú Trung Quốc đã tăng 6,1% lên 875.000 người, theo dữ liệu của viện nghiên cứu Hurun Research đặt trụ sở tại Thượng Hải. Đây là hệ quả từ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 9,6% tại Trung Quốc. Trong số 20 phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới, có đến 11 người mang quốc tịch Trung Quốc. Hurun cho biết, người giàu nhất là bà Cheung Yan, nhà sáng lập kiêm chủ tịch hãng Nine Dragons Paper Holdings, với tổng tài sản lên đến 5,6 tỷ USD.

Tương tự Lily Liu kể trên, cô Sarah Yao, một phụ nữ 36 tuổi, cũng đang tìm kiếm một chiếc xế hạng sang khác để bổ sung vào bộ sưu tập 9 xe của mình, trong đó, có 2 chiếc Maserati và Fiat 500. Thậm chí, cô Yao còn từng bay đến Italia để học cách lái xe Maserati.

"Hiện nay, phụ nữ đảm nhận khá nhiều công việc của đàn ông", cô Yao, người đồng sở hữu khách sạn Castle tại thành phố ven biển Thanh Đảo, cho biết. "Chúng tôi đã làm việc rất vất vả và cần tự thưởng cho mình một điều gì đó".

Năm 2008, cô Yao đã mua một chiếc GranTurismo nhân dịp sinh nhật 31 tuổi. "Đây là một món đồ chơi rất lớn", cô Yao chia sẻ. "Thêm vào đó, nó còn đẹp mã và chạy rất nhanh".

Những người phụ nữ quyền lực

Trong năm ngoái, doanh số bán hàng của dòng xe Maserati tại Trung Quốc đại lục đã tăng 50% lên 400 chiếc. Nhờ đó, Trung Quốc đã vượt qua Italia và trở thành thị trường lớn thứ hai của Maserati.

img
30% phụ nữ Trung Quốc mua xe Maserati (Ảnh minh họa).
 
Đặc biệt, trong số khách hàng của Maserati tại Trung Quốc, phụ nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Có đến 30% phụ nữ Trung Quốc mua xe Maserati, so với con số chỉ 10% tại Châu Âu. Tại Trung Quốc, một chiếc Maserati GranCabrio mui trần 433 mã lực có giá lên đến 406.656 USD. Trong khi đó, GranTurismo S Coupe đi kèm giá bán 391.527 USD.

Đây là lý do khiến hãng Maserati nhanh chóng bổ sung thêm hai màu đỏ và Bordeaux để phục vụ chị em phụ nữ. "Đây là xã hội có nhiều phụ nữ quyền lực", ông Christian Gobber, giám đốc quản lý của Maserati tại Trung Quốc, phát biểu. "Chẳng có gì lạ khi thấy phụ nữ Trung Quốc chiếm giữ những vị trí đầy quyền lực và điều hành các công ty quan trọng".

Ferrari "ăn nên, làm ra"

Doanh số bán hàng của Ferrari tại Trung Quốc đã tăng gần 50% lên 300 chiếc vào năm ngoái. Trong đó, phụ nữ chiếm 20% doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục, gần gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu.

Trong năm nay, Ferrari dự định sẽ mở rộng hệ thống đại lý từ 11 lên 15, tập trung tại các thành phố ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh. Ông Edwin Fenech, chủ tịch Ferrari khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi, khẳng định hãng xe Italia kỳ vọng sẽ tăng mạnh doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong năm 2011 khi người tiêu dùng từ bỏ thói quen ngồi trên ghế sau.

img
Ferrari tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc.
 
"Trung Quốc là thị trường có nhiều khách hàng lắm tiền nhưng không lái xe", ông Fenech khẳng định. "Chúng tôi phải đợi cho đến khi họ chuyển dần từ vị trí hành khách lên ghế người lái".

Lamborghini "phất lên như diều gặp gió"

Không thua kém Ferrari, lượng xe Lamborghini bán ra tại thị trường Trung Quốc vào năm ngoái cũng tăng gấp 3 lên 247 chiếc. Lượng khách hàng nữ đến mua xe Lamborghini tại một đại lý ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã tăng 50% trong năm 2010. Trong khi đó, showroom ở miền Đông Nam Trung Quốc cũng đã đón nhận khách hàng nữ đầu tiên.

Theo giám đốc điều hành Soh Weiming, tập đoàn Volkswagen đang lên kế hoạch phân phối dòng xe Bugatti tại Trung Quốc đại lục vào năm nay. "Chúng tôi nghĩ Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xe sang hàng đầu thế giới", ông Soh bày tỏ quan điểm của mình.

Thuế nhập khẩu xe siêu sang

Người mua xe siêu sang tại Trung Quốc thường phải trả số tiền gấp đôi so với khách hàng tại Mỹ vì biểu thuế nhập khẩu cao. Một chiếc GranTurismo khi nhập khẩu vào Trung Quốc có thể tăng giá đến 40%. Cụ thể, GranTurismo được bán với giá 332.678 USD tại Trung Quốc trong khi con số tương ứng tại Mỹ chỉ dừng ở mức 139.700 USD. Thêm vào đó là Ferrari California có giá 527.924 tại Trung Quốc và 200.000 USD tại Mỹ.

Do phần lớn các mẫu xe siêu sang đều được lắp ráp tại nước ngoài và nhập khẩu vào Trung Quốc nên các hãng ôtô vẫn có lãi. Tuy nhiên, dường như người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là chị em phụ nữ, không mấy quan tâm đến giá thành khi mua xe.

"Tôi thích cảm giác lái một chiếc xe tốc độ cao", cô Liu tâm sự khi bày tỏ ý định mua một chiếc Aston Martin. "Khi lái xe thể thao, bạn sẽ được người khác nhìn bằng ánh mắt ghen tị".

Theo Bloomberg