Tôi thường hay chú ý tới hàng sửa xe nhỏ bé trên đường Nguyễn Thái Học. Không có gì nổi bật, nhưng hàng xe Mobylette, Peugoet, Mobicane… dựng “khiêm tốn” trước vỉa hè lại dễ dàng lọt vào mắt của những người yêu thích xe cổ. Mãi cho tới khi đã bước chân vào quán sửa xe nhỏ bé ấy, trò chuyện và giành thời gian tìm hiểu, tôi mới biết đằng sau những chiếc xe “cũ mà mới” đó là rất nhiều điều thú vị và cả một niềm đam mê sâu sắc.
 
img
Cửa hàng sửa xe đặc biệt của chú Phạm Văn Thọ.
Đối với những người trẻ, họ gọi ông chủ cửa hàng với cái tên đơn giản là “chú Thọ”. Còn với những người đứng tuổi hơn một chút, chú được nhớ tới với cái tên “Thọ xe lam”. Câu chuyện về cái tên ấy, có lẽ phải quay về từ những ngày xa xưa hơn nữa, khi mình chú “độc quyền” cửa hàng chuyên sửa chữa, bán những chiếc xe lam ba bánh cho tất cả dân lao động từ Hà Nội, tỉnh lị lân cận đến các vùng miền xa hơn nữa. Ngày ấy, cứ nhắc tới xe lam là nhắc đến tên chú Thọ. Người ta muốn mua xe cũ, mới, hay muốn sửa chữa, bảo dưỡng… tất cả đều qua tay chú chăm sóc. Cái nghề “độc” và đặc biệt ấy để lại cho chú cái tên rõ “duyên”, cho tới tận những năm 1996, 1997, khi xe lam chính thức bị hạn chế lưu thông và rồi ngừng hẳn. “Thọ xe lam” cũng lui về “ở ẩn” từ đó. Mãi cho tới năm 2002, chú mới trở lại với cửa hàng chuyên xe đạp máy trên đường Nguyễn Thái Học. Thấm thoát mà cũng đã 10 năm chú gắn bó với những chiếc xe máy Pháp nhẹ nhàng, thanh thoát, khác hẳn những chiếc xe lam xù xì và thô ráp thuở xưa.
 

img



img
Cả hàng được mở từ năm 2002, cho tới nay đã tròn 10 năm.

Được đào tạo chuyên về máy móc xe tại Xí nghiệp sửa chữa xe máy Hà Nội từ năm 1972. Sau ba năm miệt mài học tập, nghiên cứu, chàng sinh viên năm 3 trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ngày nào đã trở thành một người thợ xe máy đúng nghĩa. Cái cứng nhắc, “thô kệch” của khối máy móc, dầu mỡ… cũng không làm mất đi cái “chất” lãng mạn, bay bổng trong con người chú Thọ. Kể từ khi mở ra cửa hàng này, với vốn kiến thức có sẵn, chú mày mò tìm mua những chiếc xe cũ từ khắp nơi về, tháo ra, ráp lại rồi sửa chữa để làm sao chúng “sống” lại được thành một chiếc xe, tiếp tục bon bon trên đường. Cho đến bây giờ, khi công việc đã ổn định vào quỹ đạo, chú có trong tay một danh sách các “mối hàng” từ khắp mọi nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nguồn hàng thì nhiều mà việc lựa chọn và tìm kiếm đồ cũng vẫn tốn không ít thời gian và công sức. Nói là sửa xe, nhưng tại đây chủ yếu tập trung những chiếc xe cũ – còn gọi là “xác xe” – và dựng lại thành chiếc xe hoàn chỉnh. Để làm được một chiếc xe như vậy, thôi thì phụ tùng tìm kiếm ở khắp mọi nơi: Khung xe lấy ở những “xác” mang về từ Đức, Bỉ, Hà Lan hay có khi cả… châu Phi! Trong khi “dựng” xe, những đồ còn thiếu chú phải tìm từ Sài Gòn, các nước láng giềng hay có khi “mò mẫm” vào cả những xưởng chế tác tư nhân để lấy cho được một chiếc lốp hay một cái vỏ yên cho chiếc xe của mình. “Mười xác xe được nhập về, nếu may mắn thì “tái bản” được khoảng tám chiếc là tốt lắm rồi. Còn có khi làm được 5, 6 chiếc mà vẫn bị dở dang do thiếu phụ tùng nọ, hiếm chi tiết kia”, chú Thọ chia sẻ.
 
img
Những phụ tùng được chú Thọ tìm mua từ rất nhiều nơi. Có đồ mới...
img
... nhưng cũng không ít những chi tiết đã cũ gỉ.
 
img
Những bộ phận còn tốt sẽ được lọc ra và sử dụng.
 
Để lấy cho được những chiếc xe còn tốt, chú Thọ thường phải nhập xác xe từ các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan. Bởi theo chú, ở đây họ không sử dụng xe nhiều nên xe còn khá mới từ bộ khung vỏ hay các chi tiết máy. Nếu tìm xe ở những nước Lào, Campuchia… cũng nhiều và gần thật, nhưng thường là xe đã sử dụng lâu năm nên hỏng hóc khá nặng và các chi tiết phải bỏ đi rất nhiều. “Tìm và mua xe ở những nơi xa như vậy cũng vất vả thật, nhưng mình chịu mất công sức một chút thì sẽ có được những chiếc xe chất lượng hơn”. Quan niệm về một chiếc xe như vậy, không ngạc nhiên khi việc “dựng” xe được chú Thọ bỏ rất nhiều công sức và làm thật tỉ mỉ. Chú kể, trung bình mỗi chiếc xe “ngốn” mất của chú khoảng thời gian một tháng để hoàn thành. “Có khi đang làm một chiếc xe, thiếu phụ tùng lại phải chờ một thời gian. Lúc đó mấy anh em lại tranh thủ quay qua chiếc tiếp theo. Cứ như thế, trung bình mỗi tháng lâu thì được một chiếc xe, còn nếu may mắn kiếm được đồ thay thế luôn thì có thể hoàn thành tới 2, 3 chiếc”. Những bộ phận “hóc búa” và dễ phải chờ “đặt hàng” nhất chính là máy móc của xe. Những chi tiết nhỏ, linh kiện trên khung còn có thể tìm được ở nhiều nơi, hoặc đặt làm ở các xưởng gia công tư nhân trong Sài Gòn, nhưng những chi tiết phức tạp hơn và có tính thiết yếu của máy xe thì bắt buộc phải chờ. Mỗi khi như thế, đích thân chú thường đi “lùng”, tìm đồ về để hoàn thiện chiếc xe được nhanh nhất. Chú Thọ kể, khó tìm nhất là máy móc xe, nhưng mất thời gian nhất lại là khâu “tút tát” vỏ xe. Để lấy lại nước sơn cho chiếc xe, chú thường phải đem bộ khung vỏ tới một nơi khác, và phải kiểm tra rất kỹ càng bởi chất sơn cho xe cổ có nhiều đặc điểm rất khác với nước sơn hiện đại trên những xe máy thông thường. Chúng khác không chỉ từ màu sắc, độ bóng, mà còn khác ở cái “chất”. “Cái thú chơi xe của người Hà Nội và người Sài Gòn khác nhau lắm! Ở Sài gòn, họ thường thích thêm vào nhiều chi tiết cầu kỳ, “độ” máy móc lên để xe đi được nhanh, khỏe. Nhưng người Hà Nội chơi xe không cần nhanh, cũng chẳng cần trang trí nhiều. Cái họ muốn tìm là một chiếc xe đẹp theo kiểu “nguyên bản”, nhìn thì mới nhưng lại phải “thật” theo kiểu… cũ. Chính vì vậy mà tạo thành hai trường phái làm xe khác nhau ở hai miền, tùy vào từng cá nhân mà chọn cho mình chiếc xe ưng ý nhất”, chú Thọ chia sẻ.
 
img
Mỗi chiếc xe như thế này...


img
... phải mất tới hơn 1 tháng để hoàn thành.
Cái nghề “chế xe cũ thành mới” chẳng đem lại cho chú Thọ bao nhiêu vật chất, nhưng nó lại là “liều thuốc tinh thần” với rất nhiều người, trong đó có cả ông chủ cửa hàng xe đặc biệt này. Yêu Hà Nội và mang một tâm hồn lãng mạn đúng chất… hoài niệm, mỗi một chiếc xe không đơn thuần chỉ được chú dựng lên bởi kiến thức về kỹ thuật, máy móc. “Làm cái nghề này vì say mê là chủ yếu. Sửa một chiếc xe là tôi đang tiếp xúc với những nét đẹp, nét văn hóa thuần chất Hà Nội qua mỗi chiếc xe, qua từng con người. Mà đối với một người thợ, được giao tiếp, gặp gỡ với những người “đi xe cổ Pháp, uống bia hơi” thì đó đã là một điều hạnh phúc lắm, và nó còn hơn rất nhiều những giá trị vật chất”. Khách tìm đến cửa hàng chú Vinh có rất nhiều kiểu. Có người già, người trẻ. Có người giàu, người trung lưu. Người già tới đây, thong dong cả buổi ngắm các chú cọ từng chiếc “lòng”, lau từng con ốc. Người trẻ tới hỏi xin ý kiến về cách sử dụng xe, cách sửa hỏng hóc vặt trên xe, hay chỉ đơn giản như một anh thanh niên lạ mặt tôi gặp khi đang dang dở câu chuyện với chú Thọ: “Cháu lên gặp chú một lát rồi về!”.
 
img
Cửa hàng sửa xe này không chỉ là nơi kinh doanh...
 
img
... mà nó còn là nơi để chú gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều những người bạn cùng chung niềm đam mê như mình.
Cửa hàng sửa xe ấy không chỉ đơn thuần là nơi “dịch vụ” cho khách đến mua xe, đặt xe, mà dường như đó là cái “chốt giao” giữa Hà Nội xưa và nay, để cho người ta cảm nhận được một chút gì đó mông lung về quá khứ xa xôi một thời, hay về những ký ức mình chưa từng được trải qua. Chỉ biết rằng, những người đã bỏ thời gian tới cửa hàng này, ngắm nhìn và trò chuyện thật lâu với chú Thọ thì chắc chắn họ có một điểm chung: Tất cả đều yêu những đường nét mộc mạc mà lại rất “thơ”, được hiển hiện trên mỗi chiếc xe chú “dựng” lại, xếp thành hàng ngăn nắp trước cửa hàng bụi bặm bé nhỏ.
 
Chia tay chú ra về, tối vẫn nhớ như in câu nói của chú: "Người Hà Nội mê xe cổ Pháp lắm! Đã yêu, họ yêu bằng cả trái tim mình. Họ ngắm nó, lái nó, để tìm về một sự mông lung từ những ngày xa xưa của quá khứ. Những chiếc xe này cũng chính là một phần hồn nên thơ của cái chất Hà Nội!"
 
img
Dù ít hay nhiều, trên những chiếc xe mình "dựng" lại, chú Thọ luôn cố gắng giữ cho được những chi tiết nguyên bản.


img



img



img