Ôm cục tiền đền bù trong tay, hàng trăm người dân xã Trà Thọ (Tây Trà, Quảng Ngãi) không biết làm gì nên đua nhau sắm xe máy. “Mốt” chơi xe đã trở thành “hiện tượng” nơi rẻo cao nghèo nhất nước.

Con gà tức nhau tiếng gáy
 
Nếu như trước kia đi cả km cũng hiếm gặp được chiếc xe máy nào, thì nay đâu đâu cũng thấy những chiếc xe trị giá hàng chục triệu đồng lao vun vút trên đường. Thậm chí có người sắm cả ôtô...
 
Ngồi trên chiếc xe Jupiter từ rẫy về nhà, Hồ Văn Dun ở thôn Nước Biếc, khoe: “Nhà mình nhận tiền đền bù được 400 triệu. Cầm tiền không biết làm gì, thấy người ta đi xe máy chạy sướng quá nên cũng mua một chiếc. Có chiếc xe nên... đi rẫy sướng lắm!”.
 
Những dãy nhà xập xệ và tạm bợ chạy dọc theo con đường đất đỏ nhầy nhụa dẫn vào lòng hồ chứa nước nằm khuất dưới những ngọn núi cao bên dãy Trường Sơn, từ vài tháng qua náo nhiệt hẳn lên với hàng trăm chiếc xe máy được đưa về.

Xã nghèo giữa đại ngàn hiu hắt bỗng chốc náo nhiệt hẳn lên. Tiếng nhạc xập xình, tiếng xe máy gầm rú dậy cả núi rừng. “Có tiền đền bù là người ta rủng rỉnh sắm xe, mua dàn karaoke, nhậu, la cà quán xá chẳng ai chịu lên rẫy. Người giàu sắm xe đã đành, người nghèo không có cái ăn, cái mặc cũng vay mượn sắm xe cho bằng được. Cả xã này giờ hiếm có nhà nào không có xe máy” - ông Hồ Văn Truyền, phó chủ tịch UBND xã Trà Thọ lắc đầu ngao ngán.

Hầu hết người dân đều là đồng bào dân tộc Cor, đời sống nghèo khó. Từ ngày con đường công vụ dẫn vào lòng hồ chứa nước được mở ra, cuộc sống của hàng ngàn người dân như bước ra thế giới mới.
 

img
Chiếc ôtô cá nhân đầu tiên của huyện Tây Trà dầm mưa, phơi nắng ở đầu làng từ ngày được mua về

“Có đường, có tiền đền bù, bà con mình chẳng ai chịu lên rẫy làm việc cả, chỉ toàn “tám” chuyện xe tốt, xe đẹp. Có người từ năm trước khi nghe ngóng sẽ được nhận tiền đền bù liền mang cả sổ đỏ đến các cửa hàng xe máy “cắm” lấy cho được con xe “tàu” chạy, chờ có tiền đền bù rồi trả. Nhưng do đường xấu lại không biết lái, nên xe chạy vài bữa lại xếp xó. Khi nhận được tiền tức tốc khiêng “con ngựa sắt” ra bán mua xe xịn. Còn đám thanh niên trong làng cứ ỷ cha mẹ có tiền cũng nằng nặc đòi mua xe cho bằng được. Có đứa cha mẹ chưa mua kịp là chửi tục, đập phá nhà cửa” - trưởng thôn Tre, Hồ Minh Trí kể.

Lật cuốn sổ cũ nhàu thống kê tình hình kinh tế xã hội của xã, ông Hồ Thanh Truyền, Phó chủ tịch UBND xã Trà Thọ thở dài: “Xã có 486 hộ thì tất cả đều là hộ nghèo, quanh năm đói ăn phải nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước vậy mà có tiền trong tay người ta thay đổi nhanh quá, đua nhau sắm xe máy. Giờ nhà nhà có xe, có nhà sắm tới hai chiếc. Cả xã mình giờ hơn 300 chiếc xe máy rồi. Xã nghèo nhưng so với các địa phương khác trong huyện thì không có xã nào nhiều xe bằng xã này cả. Con gà tức nhau tiếng gáy thôi”.

Ông Truyền nhẩm tính bảo, với bấy nhiêu chiếc xe, mỗi ngày tính trung bình tiền đổ xăng “nuôi xe” đã cao hơn thu nhập của một gia đình làm cả năm trời. “Từ năm 2008 trở về trước, số xe máy trên địa bàn xã đếm chưa đủ mười đầu ngón tay thì năm 2009 đã là 150 chiếc, năm 2011 tăng lên 320 chiếc. Ai cũng bảo xã mình giàu nhanh nhờ thủy điện, nhưng giàu nỗi gì. Có người cầm cục tiền lên đến vài trăm triệu đồng trên tay cứ như đang sống trên mây, tiêu xài hoang phí. Chốc rồi lại đói cả thôi...” - ông Truyền ngao ngán.

Sắm ô tô...để nhìn
 
Không chỉ sắm xe máy, người dân còn “chơi ngông” sắm cả ôtô. Như trường hợp của thanh niên Hồ Văn Bường, thôn Tây (Trà Thọ), khi lập gia đình năm 2008 vẫn phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền cưới vợ. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ quanh năm bám lấy nương rẫy nhưng vẫn đói ăn. Khi có khách đến nhà là phải chạy sang hàng xóm mượn đỡ lon gạo. Thế nhưng sau khi nhận số tiền đền bù gần 700 triệu đồng, Bường không còn ngó ngàng đến nương rẫy mà suốt ngày tụ tập đàm tiếu chuyện xe cộ trên bàn nhậu cùng đám thanh niên trong làng. Bất chợt một ngày người làng trố mắt khi thấy Bường “tậu” luôn chiếc ôtô bốn chỗ mang về.

Cả trăm người vây quanh chiếc xe trầm trồ, còn Bường thể hiện “đẳng cấp thiếu gia” khi là người đầu tiên của huyện có ôtô riêng. Đi đâu Bường cũng lái ôtô, kể cả... sang nhà hàng xóm cách đó vài trăm mét.

“Khi nhận tiền đền bù, ban đầu nó bảo sẽ mua một chiếc xe máy, nhưng không biết sao hôm đó thấy nó lái chiếc ôtô về chạy quanh xã, bóp còi inh ỏi. Hỏi thì nó bảo ai cũng sắm xe máy hết rồi, mình phải mua ôtô đi mới hơn người ta được” - bà Hồ Thị Diện, mẹ Bường kể.

img
Những ngôi nhà xập xệ và tạm bợ nhưng lúc nào cũng có từ một đến hai chiếc xe máy

Sau hai tháng “thăng hoa” cùng chiếc xe, giờ mỗi khi nghe ai đó hỏi đến chiếc ôtô “đậu” đầu đường là Bường thấy khó chịu. Chiếc ôtô mang BS: 47L-2614 nằm phơi mưa, phơi nắng giữa con đường dẫn vào làng vì mắc lầy và không có xăng để chạy. “Mấy bữa đầu lái chưa quen nên nó chỉ chạy vòng quanh trong làng, sau đó chạy cả ra đường liên xã. Mà đường thì hư hỏng, đầy ổ gà, ổ voi, một bên là vách núi một bên là vực sâu thế mà nó chạy bạt mạng thấy phát khiếp. Giờ thấy chiếc xe nằm một chỗ bị mục nát xót của thật nhưng còn hay hơn là chạy được. Cái kiểu “hết ga, hết số” đó có ngày tông vào người ta thì mang họa” - anh Hồ Văn Cảnh, trưởng thôn Tây tâm sự.

 Ngồi trong ngồi nhà lụp xụp bốn bên là vách nứa, mái lợp bằng tranh, Bường kể: “Hôm nhận tiền đền bù xong thì, một người ở huyện Sơn Hà lái chiếc xe lên xã chơi, mình thấy khoái quá nên đến xem, rồi ổng hỏi có mua không ổng bán cho. Mình bảo không biết lái thì người kia bảo lên xe đi tập lái cho. Mình ngồi ôm vô lăng cùng ổng chạy mấy vòng, thấy... sướng quá nên sẵn có tiền trong túi móc ra đưa luôn”.

Ban đầu Bường bảo mua với giá 50 triệu, nhưng chặp sau Bường mới thú thật là mua hết 80 triệu, cộng với tiền sửa hết tổng cộng 120 triệu. “Nói nhiều quá người ta cười mình. Hôm rồi chạy ra đến đó (nơi chiếc xe đang nằm đường - NV) thì sụp hố bùn, rồ ga, đẩy mấy nó cũng không chịu lên, mình để ở đó luôn tới giờ. Ban đầu tối còn ra ngủ bên cạnh coi xe, nhưng sau không coi nữa vì để đó cũng chẳng ai thèm lấy. Giờ có ai mua lại mình bán thôi, bán lỗ một nửa tiền cũng được” - Bường thật thà bộc bạch.

Không chỉ riêng chiếc ôtô của Bường mà nhiều thanh niên khác sau khi mua xe chạy được vài tháng hết tiền đổ xăng cũng “nhốt” xe trong xó nhà. Ông Hồ Văn Truyền, Trưởng công an xã Trà Thọ ê chề kể, có người mua chiếc xe máy gần hai chục triệu đồng về chạy được mấy bữa chiếc xe đã te tua như đống sắt vụn vì té, ngã thường xuyên.

“Hầu hết người dân trong xã chẳng ai có bằng lái, nhưng giờ ra đường người ta chạy xe vùn vụt như mấy tay đua trong phim vậy. Mà toàn chất ba, chất bốn. Đã có trường hợp chạy quá trớn lao xuống vực, may không chết nhưng xe bể nát. Xã cũng nhiều lần khuyên người dân để dành tiền làm lại nhà cửa và nuôi con ăn học nhưng chẳng ai chịu nghe. Với đà tiêu tiền như nước thế này, không bao lâu rồi cũng sẽ hết sạch. Lại nghèo, lại đói, hàng tháng phải nhận gạo cứu trợ của nhà nước thôi” - ông Truyền nói.
 
Theo Congan