Tình trạng kẹt xe, tắc đường diễn ra ngày một trầm trọng, gây ra những hệ quả trực tiếp và gián tiếp khá nặng nề lên toàn bộ sinh hoạt của người dân thành phố. Đường hẹp, “lô cốt”… là những nguyên nhân khách quan, nhưng hình như chính ý thức, hành vi và thái độ của người tham gia giao thông mới là nguyên nhân chính gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn như hiện nay.
 
Chúng ta là nạn nhân
Một ngày mới của một người có công ăn việc làm tại TP.HCM thường được mở đầu bằng những căng thẳng, ức chế, bực bội của con đường từ nhà đến công sở hay đưa con đi học. Cũng tương tự như vậy là thời điểm kết thúc một ngày làm việc. Tiếng ồn, khói bụi, sự căng thẳng vì những va chạm và tắc nghẽn giao thông... Có đi du lịch giảm stress bao nhiêu thì rồi khi đặt chân về cửa ngõ thành phố cũng lại hoàn stress.
 
Kết quả đầu tiên cho thấy, khoảng 2/3 người tham gia giao thông thường xuyên bị nạn kẹt xe hàng ngày. Chỉ có 3% rất ít gặp kẹt xe. 61% số người được hỏi cho là tình trạng kẹt xe năm nay tệ hơn năm trước. Số lượng xe máy được sử dụng thường xuyên đạt tỷ lệ 86%, trong khi chỉ có 3% số người thường xuyên sử dụng xe buýt trong ba tháng qua.
 
Cũng không có dấu hiệu lượng xe máy sẽ giảm trong tương lai vì có đến 50% số người cho rằng lượng xe máy được sử dụng sẽ còn tăng hơn trong năm tới so với năm nay. Những số liệu này cho thấy xu hướng kẹt xe ngày sẽ càng tăng thêm chứ không giảm đi, và có lẽ, sẽ tới một ngày nào đó, người ta dắt xe ra đường chỉ để… nhìn nhau chứ không thể giao thông đi lại.
 
Đây chính là tình trạng dẫn đến con số có đến 90% số người được hỏi ngại ra đường vào giờ cao điểm. Nhưng dù có ngại, có lẽ nhiều người dù bất đắc dĩ cũng phải ra đường vào các thời điểm này, vẫn phải “văng mình” và “góp phần” vào cái khối giao thông hỗn độn ấy. Trong những lúc bị kẹt xe, họ thường xuyên bị hành hạ bởi bầu không khí ngột ngạt (82%), bởi sự ô nhiễm (90%), sự cáu gắt (90%), và cuối cùng là thường xuyên bị trễ giờ (76%).
 
Hai giờ sáu phút là thời gian trung bình cho một người tham gia giao thông đi lại trên đường. Con số đó được gần một nửa số người cho là thời gian ấy nhiều hoặc quá nhiều để phải lưu thông…
 
img

 

Tại sao phải chạy ẩu?

Khảo sát “Hành vi và thái độ của người tham gia giao thông tại TP.HCM” do công ty Consumer Behavior & Insight (CBI) thực hiện qua chọn mẫu ngẫu nhiên 400 người, tuổi từ 18-45, học vấn tiểu học 5%, trung học cơ sở 24%, trung học phổ thông 34%, cao đẳng/trung cấp 14%, đại học và sau đại học 20...
 
Một trong những hình ảnh khá “tiêu biểu” của hành vi và thái độ những người tham gia giao thông là hình ảnh hai dòng xe hai bên rào chắn lúc xe lửa chạy qua. Trong thời gian chờ đợi, một người rồi hai người, ba người… lấn qua làn đường không dành cho mình. Đến lúc xe qua, rào chắn dỡ̉ lên, hai đội quân xe cộ đã dàn hàng ngang, mặt đối mặt, mắt đối mắt, nhất quyết không cho “đối thủ” của mình có đường để vượt thoát…

Ai cũng có phần

Nghiên cứu hành vi và thái độ của người tham gia giao thông của công ty CBI cho thấy có đến 99% số người tham gia giao thông trả lời là đã có phạm ít nhất một loại lỗi trong giao thông trong tháng qua! 44% người chạy xe trên lề đường, 36% chạy lấn tuyến, 32% chạy ngược chiều tạm một đoạn, 22% lấn tuyến khi đèn đỏ, 14% vượt đèn đỏ, 8% chạy xe khi mới nhậu xong…

Những con số này trong thực tế có lẽ còn cao hơn. Ở giai đoạn điều tra đầu, khi quan sát 385 lượt đèn đỏ tại khắp các ngã tư ở TP.HCM vào thời điểm không có cảnh sát giao thông túc trực, nhóm nghiên cứu ghi nhận có trên 80% số lượt đèn đỏ có người lấn tuyến và trên 50% số lượt có người vượt đèn đỏ.

Tỉ lệ phạm các lỗi giao thông chiếm tỉ lệ ở mức cao ở lứa tuổi 18 – 22 tuổi, đúng như quan niệm của người được phỏng vấn về cách lưu thông thường thấy của lứa tuổi “choai choai” này. Thống kê về trình độ học vấn, thật đáng ngạc nhiên là không phải những người có trình độ thấp vi phạm nhiều, mà ngược lại, tỉ lệ phạm lỗi lại cao ở những người có trình độ cao đẳng, đại học! Lý giải của một sinh viên ở trường đại học Marketing khi các tác giả dự án nghiên cứu đến trình bày kết quả dự án, lý do phạm luật giao thông nhiều của người “trí thức” là do họ khôn ngoan hơn, “lách luật” giỏi hơn người có trình độ thấp (?!)…
 

img

Vì đâu nên nỗi?

Lý do vì sao hầu như “ai cũng có phần” trong câu chuyện hỗn loạn giao thông? 52% cho rằng “thời buổi này ai ra đường cũng phạm luật giao thông hết”, và do vậy, 68% nghĩ “với tình trạng giao thông hiện nay, khó mà đi được nếu không vi phạm luật lệ giao thông”.
 
Cụ thể hơn, 85% quan niệm hiện nay ra đường mạnh ai nấy đi, chưa có sự nhường nhau để lưu thông tốt hơn; 58% tranh thủ lấn đường hay leo lề để tránh kẹt xe; 68% cảm nhận, trong lúc kẹt xe, nếu mình nhường đường cho người khác là sẽ bị kẹt ngay…

Những thống kê tiếp theo cho thấy việc vi phạm luật lệ giao thông đã là chuyện bình thường như “cơm bữa” hàng ngày. Trong những hành vi vi phạm luật giao thông được cho là “thông cảm được”, chưa cần khắc phục ngay, có rất nhiều lỗi gây ùn tắc giao thông: chạy xe máy trên lề đường (46%), chạy ngược chiều tạm một đoạn (45%), đi bộ sang đường không dành riêng cho người đi bộ (40%), lấn lên phía trên hoặc lấn qua phần đường bên kia lúc đèn đỏ để tranh thủ chạy nhanh lúc đèn xanh (25%), chạy lấn tuyến xe khác (22%)…

Giải thích một cách “ngụy biện” cho hành vi phạm luật của mình, nhiều người cho rằng trong một số trường hợp, vượt đèn đỏ là có thể thông cảm được (44%); thỉnh thoảng chạy nhanh một chút thì thông cảm được (64%); thỉnh thoảng phạm lỗi nhẹ để đi nhanh hơn thì thông cảm được (60%); do không thấy kịp những biển báo giao thông như cấm rẽ, đường cấm (65%)…
 

img

Tâm lý theo hùa với đám đông, nghĩ mình chỉ là “một hạt cát” trong giao thông thể hiện rất rõ. Hàng ngày, tôi thấy rất nhiều người phạm luật giao thông nhưng không bị phạt (71%); ngay cả bản thân tôi, thỉnh thoảng cũng phạm luật nhưng không bị phạt trong tháng qua (82%). Ngày ngày, tôi phải cay đắng nhận ra rằng ai ai cũng phạm luật; và nếu như tôi cứ khăng khăng cứng nhắc mà đi đúng luật thì chỉ tổ bị thiệt. Thậm chí, khi dừng lại trước những chốt đèn không có cảnh sát giao thông, tôi cũng lo sợ vì nhiều khả năng là những xe muốn vượt đèn đỏ từ phía sau hoàn toàn có thể đâm vào xe tôi…

Chính quan niệm, tâm lý đó đã dẫn tới hành vi và thái độ phạm luật giao thông khá phổ biến như hiện nay. Và chuyện chống kẹt xe không phải là chuyện của từng cá nhân những người tham gia giao thông, mà là chuyện của cảnh sát giao thông hay của sở Giao thông công chánh…
 
 
(Theo SGTT)