Đêm Giao thừa, ai ai cũng xích lại gần nhau, hồi hộp chờ đón những màn pháo hoa rực rỡ, báo hiệu một năm mới chính thức bắt đầu. Và đây cũng chính là thời gian để mọi người rũ bỏ những công việc, những suy tư lo lắng trong cuộc sống để tận hưởng những giờ phút thiêng liêng nhất của năm.

Ấy thế mà, trong thời khắc chuyển giao của năm, những người trông giữ xe tại các điểm đỗ chỉ có dãy ôtô chạy dọc con phố loang lổ màu vàng nhạt của ánh đèn đường.

Với họ, Giao thừa là một thứ gì đó xa xỉ, dường như chỉ được “đón” trên những dòng suy nghĩ thầm lặng cùng những ước mong cho một năm mới.

“Độc hành” trên bãi xe

Bãi giữ xe Ngọc Khánh đêm 28 Tết tĩnh lặng, hàng chục chiếc xe xếp đỗ ngăn nắp. Tôi gặp anh Trần Thanh Tuyền năm nay 47 tuổi, nhân viên trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chăm chú đi một vòng quanh bãi xe ghi rõ từng biển số xe, đếm số lượng xe có trong bến.

Bãi giữ xe này là điểm thứ 2 anh Tuyền làm, trước đó, anh đã từng trông tại Trần Nhật Duật.

Theo anh Tuyền, ban ngày, tuyến đường này luôn đông nghịt phương tiện qua lại, thậm chí còn ùn tắc vào các giờ cao điểm. Thế nhưng, khi màn đêm buông xuống, lại giáp Tết thì vắng lặng lạ thường.

Dẫn tôi vào căn chòi rộng 3 mét được làm bằng khung nhôm kính, châm điếu thuốc lào hút đỡ buồn, anh Tuyền trầm ngâm nhìn vào khoảng đêm tĩnh lặng rồi kể về duyên cớ bén nghề trông giữ xe này.

Vốn là công nhân cơ khí, do sức khỏe không cho phép, anh Tuyền xin về nghỉ mất sức và xin làm việc ở Công ty Khai thác điểm đỗ xe từ năm 2008. Thời gian đầu làm, anh chưa quen với đặc thù của công việc này.

Nhớ lại quãng thời gian mới vào nghề, anh Tuyền nhoẻn miệng cười bảo: “Trước kia chủ yếu làm ban ngày không thấy buồn vì xe cộ, người qua lại đông. Có khi, cả ngày chỉ đếm xe ra, xe vào cũng đã hết ngày.”

Giờ chuyển sang làm đêm, thời gian đầu, anh chưa quen nên ngáp ngắn ngáp dài, thậm chí, phải dùng khăn ướt để thấm vào mắt cho đỡ buồn ngủ.

“Mỗi ôtô trị giá tiền tỉ, chỉ sơ sẩy một lúc kẻ trộm bẻ gương là phải đền tới chục triệu nên làm được nghề này thì làm sao đặt lưng xuống gường là ngủ được luôn, có động là phải tỉnh ngay,” anh Tuyền đúc rút kinh nghiệm.

Rót thêm nước nóng vào ấm trà đặc chát mời tôi, anh Tuyền thừa nhận, cánh bảo vệ trông giữ xe luôn là “kẻ nghiện" uống trà đặc để đầu óc tỉnh táo và minh mẫn.

Trông bãi xe này có ba người thay nhau, cứ một tuần lại đổi ca trực một lần chia đều cho từng người. Riêng dịp Tết, số nhân viên sẽ được tăng lên hai người cho một ca trực để đỡ buồn và hàn huyên chuyện năm mới.

Tại điểm trông giữ xe Trần Nhật Duật, bác Trần Trọng Hải, quê ở Thái Nguyên bảo, trông giữ xe là một công việc không được mọi người chú ý lắm, thậm chí nhiều người còn nghĩ và nói “thương hại” cho những người đang làm nghề này. Nhưng thực ra, việc trông giữ xe ở các thành phố lớn hiện nay lại khác hẳn với những định kiến trên. 

Theo bác Hải, thu nhập bình quân của bảo vệ trông xe thường dao động từ 3 – 4 triệu đồng/tháng chưa tính phụ cấp, ăn trưa và tùy từng bãi và tính chất công việc. 

Lý giải điều này, bác Hải cho rằng, trước đây, người dân đi lại chủ yếu bằng xe đạp nên việc trông giữ được coi là “bèo”. Hiện nay, kinh tế phát triển, nhiều người đi bằng xe máy, ôtô nên dịch vụ này “nở rộ”.

Tuy nhiên, bác Hải cũng cho biết, quy trình tuyển dụng nhân viên trông xe của Công ty Khai thác điểm đỗ cũng rất khắt khe qua nhiều giai đoạn và quan trọng nhất đối với người trông giữ chính là sự cẩn thận, cần mẫn và sức khỏe tốt.

“Nghề này nói vất vả thì cũng không đúng mà nhàn hạ thì chẳng sai bởi chỉ cần đưa và xé vé, yêu cầu chủ xe để đúng vị trí và đầu óc, đôi mắt tinh tường là có thể hoàn thành công việc,” bác Hải tâm sự.

Với người trông giữ, họ sợ nhất là lúc phương tiện “không cánh mà bay” bởi khi đó, tiền lương thưởng thậm chí cả tiền bản thân bỏ ra để đền bù cho chủ xe.

Ngậm ngùi thời khắc Giao thừa

Làm nghề này đã được hơn sáu năm, bác Hải chỉ đón Giao thừa với gia đình được hai lần. Vợ con mãi rồi cũng quen với sự vắng mặt dù nhà bác ở ngay phố Lò Đúc.

Cũng như bao người Việt khác, thời khắc Giao thừa, bác Hải cũng có chai rượu, nén hương, hộp bánh thắp hương lên bàn thờ nhỏ trong bốt gác trực. 

Nhớ lại những lần không được ăn Tết ở nhà, bác chợt thấy bùi ngùi, trống trải vì không được đón Giao thừa cũng với người thân.

Năm ngoái, khi mọi người náo nức tập trung xem bắn pháo hoa ở Hồ Hoàn Kiếm, bác Hải ngồi trong cabin trông giữ rồi cũng làm một chén rượu chúc mừng năm mới với đồng nghiệp cho ấm lòng.

“Cũng may vợ con hiểu được nghề của mình nên cũng thông cảm. Rạng sáng mùng Một năm ngoái, đứa con trai lớn mang chút thức ăn lên để động viên bố đi làm cho đỡ tủi thân,” bác Hải tâm sự.

Dù sao trông xe đêm ở bãi Trần Nhật Duật, Ngọc Khánh vẫn còn đỡ buồn, vì sau Giao thừa khu này tấp nập người qua lại. Có những bãi trông xe nhàn hơn nhưng quá buồn.

Tại điểm trông giữ xe Kim Ngưu, những tán cây rộng che lấp gần hết ánh đèn đường. Trong ô nhà nhỏ với ánh đèn tuýt trắng nhạt, anh Nguyễn Hữu Ngọc đưa ánh mắt xa xăm nhìn về khoảng không mênh mông leo lắt phía trước.

Theo anh Ngọc, ở khu này, ban đêm lúc nào cũng vắng vẻ. Đến Giao thừa, anh chỉ biết tự chúc năm mới bằng một vài chén rượu cho ấm bụng để chống rét và ước mong công việc thuận lợi. 

“Tôi từng trông ở nhiều bãi, nhưng bãi này là buồn nhất, đêm 30 năm nay lại một mình đón Tết,” anh Ngọc ngậm ngùi.

Sẽ lại một đêm Giao thừa nữa, những người trực trông giữ xe ở Hà Nội không về nhà sum họp cùng với gia đình như bao người khác./.

Theo ông Nguyễn Phong Anh, Trưởng phòng Kế hoạch, kinh doanh Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu đỗ gửi xe của nhân dân đến các khu giải trí vui chơi… trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Công ty dự kiến bố trí 139 điểm trông giữ xe công cộng với tổng số 716 người tham gia trực.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ cũng sẽ đi trao quà và chúc Tết những người trông giữ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn để khích lệ, động viên tinh thần làm việc của nhân viên.


(TTXVN)