Thành lập vào năm 1902, Cadillac do ông Henry Martyn Leland sáng lập và ban đầu là hãng chuyên chế tạo linh kiện xe ô tô. Leland đã góp phần chế tạo ra một trong những sản phẩm sớm nhất công ty là chiếc Cadillac Osceola, nổi danh là chiếc xe đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô và là chiếc xe có thân kín đầu tiên được sản xuất tại Mỹ. Chỉ duy nhất một chiếc Osceola được sản xuất nhưng nó đã làm thay đổi khuynh hướng của cả ngành công nghiệp này.

Cadillac nhanh chóng có được tiếng tăm nhờ các sản phẩm tinh tế và sử dụng các linh kiện tiêu chuẩn. Sự thành công sớm của những chiếc Cadillac như mẫu xe A và “30” làm cho doanh số bán của công ty tăng vọt và khiến General Motors quyết định mua lại nhà sản xuất này. Thương hiệu Cadillac trở thành phân khúc sản xuất xe sang của GM. Số lượng các phát minh ứng dụng của hãng gia tăng nhanh chóng. Cadillac là hãng đầu tiên của Mỹ cho ra đời động cơ V8, hãng đầu tiên sử dụng van hằng nhiệt trong hệ thống làm mát động cơ và cũng là nhà sản xuất đầu tiên đưa cụm điều khiển đèn pha lên táp-lô xe. Trong suốt giai đoạn 1930, Cadillac cũng nổi danh là nhà sản xuất động cơ V12, V16 mạnh mẽ và êm ái.

Sau Thế chiến II lịch sử của Cadillac được đánh dấu một mốc mới nhờ loại xe có thân vỏ mạ crôm và đuôi xe cách điệu. Và mẫu xe này đã trở thành hình tượng tiêu biểu cho phong cách xe của Mỹ thời hậu chiến. Đuôi xe Cadillac lấy hình dáng từ chiếc máy bay phản lực P38 và là tác phẩm của nhà thiết kế Frank Hershey. Những chiếc xe như Coupe de Ville và Fleetwood El Dorado đã trở thành những sản phẩm chủ lực của Cadillac. Kiểu dáng cách điệu của đuôi xe đã mở đường cho phong cách mới là đèn xi nhan kiểu đứng. Đóng góp này cũng là một phần sự thành công của mẫu xe Fleetwood Sixty Special vào những năm 60. Xe Fleetwood có những đặc tính sang trọng nổi bật như bàn gấp, chỗ để chân, vô lăng gật gù, thò thụt…

Tuy nhiên đến những năm 1970 thì hoạt động của Cadillac có chiều hướng đi xuống. Những chiếc xe cỡ lớn một thời độc chiếm những con đường cao tốc trên đất Mỹ trong các thập kỷ trước đã không còn được ưa chuộng do giá nhiên liệu “leo thang”. Cadillac đã phải thay đổi bằng việc giảm kích cỡ các dòng xe của mình. Nhưng sự chuyển hướng này cũng không ích gì và thậm chí còn tồi tệ hơn khi Cadillac cho ra mắt loại động cơ diesel có tính năng rất không ổn định vào cuối những năm 1970.

Những năm 1980 đã chứng kiên sự ra đời của Seville, loại xe với kiểu dáng ghế dựa đặc trưng mở ra một xu thế mới và kéo theo nhiều nhà sản xuất “ăn theo”. Thập kỷ này cũng chứng kiến sự xuất hiện của xe Cimarron – được phát triển trên cơ sở chiếc Chevy Cavalier. Tuy nhiên Cimarron không đươc công chúng đón nhận và mẫu xe này rơi vào tình trạng sụt giảm doanh số do thiếu nét đặc thù và có tính năng giống với “đàn em” Chevy Cavalier rẻ tiền. Cadillac sau đó tung ra một loạt xe mới với động cơ V8 trong suốt thập kỷ này nhưng khách hàng đã không còn tín nhiệm thương hiệu này và điều đó đã tạo cơ hội cho các thương hiệu xe nhập khẩu.

Những năm 90 là thời kỳ làm ăn “bết bát” của Cadillac. Đối phó với tình trạng doanh số sụt giảm, Cadillac thay đổi quan điểm, cải tiến mẫu mã sản phẩm và cho ra triết lý thiết kế mang tên “khoa học và nghệ thuật” đem lại sức sống mới cho công ty. Cho tới những năm 2000, ý tưởng táo bạo này đã giúp cải thiện doanh số của Cadillac với những sản phẩm mới như CTS và đặc biệt là Escalade, chiếc xe vẫn giữ được những nét riêng biệt của những chiếc Cadillac đầu tiên.

Với phong cách tươi mới, cộng với sự cải tiến về mẫu mã và chất lượng toàn diện, những chiếc xe Cadillac lại được đón nhận nhờ động cơ khoẻ, đường nét thanh thoát và nội thất sang trọng.

Theo Edmunds