Hằng ngày, xã hội vẫn chứng kiến những chuyện đau lòng, những tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Đau lòng hơn, khi đó có những người trực tiếp chứng kiến tai nạn mà lại có một thái độ vô cảm. 

Một thành viên nickname: Galoi - thành viên của một diễn đàn về ô tô - xe máy lớn kể lại: "Tôi đã từng chứng kiến một tai nạn giao thông ngay trước mắt ở trung tâm Hà Nội. Con phố nườm nượp người qua lại nhưng không một ai dừng lại để giúp đỡ đưa người bị nạn đến bệnh viện. Họ chỉ xúm lại một cách hiếu kỳ rồi từ từ bỏ đi. Từng chiếc xe ô tô chầm chậm lướt qua, phải đến chiếc ô tô thứ 5, tôi mới chặn được chiếc xe này lại. Người bạn tôi may mắn đã qua khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng liệu chậm một chút nữa, nếu tôi không chặn được xe nào thì điều gì sẽ xảy ra?" Câu chuyện nhận được nhiều ý kiến căm phẫn, cũng như lên án của những thành viên khác trong diễn đàn.

Một câu chuyện mới đây được đăng tin trên báo Lao Động về vụ tai nạn giao thông giữa 1 xe máy và một xe tải trên QL 22 tại huyện Hóc Môn (Tp.HCM). Nạn nhân đi xe máy bị thương tên Bình (1986), nằm bất tỉnh trên đường vì chấn thương sọ não. Người dân ùn ùn đứng lại khiến giao thông ở đoạn đường này tắc nghẽn cục bộ. Điều đáng nói là người dân đứng lại rất đông để "hôi của", không có ai cứu giúp nạn nhân. Được biết, anh Bình vừa nhận tiền của khách hàng về, mang theo trên người 20 triệu đồng.

Chúng ta thường căm phẫn, lên án kẻ gây tai nạn phải bị trừng trị nghiêm khắc. Nhưng không ai tham gia giao thông lại muốn gặp tai nạn, những người gây tai nạn đều do yếu tố bất ngờ không chủ ý. Còn những người không gây tai nạn mà dửng dưng với những người đang gặp nạn, mới là những kẻ đáng bị lên án. Dường như  Lục Vân Tiên với cương thường – đạo nghĩa “thấy chuyện bất bình chẳng tha” thửa xưa đã nhường chỗ cho quan niệm: “Sống chết mặc bay”.

img
"Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như đã trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm cao..."

TS Tô Văn Trường, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như đã trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm cao. Đối tượng mắc bệnh này rất rộng rãi, đủ loại người, bao gồm cả những người có học, hiểu biết rộng…”

Người dân Việt từ xưa đến nay luôn có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Thói xấu thời nào cũng có, nhưng đến khi thành phổ biến thì cần phải xem lại ý thức. Hành vi vô cảm ban đầu do xã hội phát triển theo một cách phiến diện. Kinh tế phát triển nhanh khiến tư tưởng mạnh được yếu thua, cập rập, không phải chuyện của mình trong xã hội ngày càng lan rộng.

Không chỉ là một hành vi đáng lên án, vô cảm còn là hành vi vi phạm luật hình sự. Gần đây nhất và là duy nhất một trường hợp bị xử phạt tù vì phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là một lái xe taxi ở TP Hải Phòng. Người này đã bị TAND huyện Kiến Thụy tuyên phạt 9 tháng tù về tội này. Có thể thấy qua trường hợp đơn nhất này là: những người bị phạt vì “Tội vô cảm” vẫn còn quá ít, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những cái đầu lạnh.

Bệnh gì cũng có thể khắc chế. Chữa bằng pháp luật là biện pháp cần, nhưng còn phải chữa bằng sự giáo dục mới là điều kiện đủ. Bệnh vô cảm cũng cần phải có sự tự ý thức, bệnh từ tâm phải chữa từ tâm và từ nhân cách. Lành mạnh hóa xã hội từ những cá thể cũng chính là tự cứu mình khi gặp họa nạn.

Clip ghi lại hình ảnh về người dân thủ đô bỏ mặc người bị nạn được đăng tải trên diễn đàn ô tô - xe máy: