Không thể lôi kéo nguồn đầu tư từ những hãng xe Trung Quốc trong khi tập đoàn General Motors lại từ chối đưa ra kế hoạch cứu trợ, nhãn hiệu Saab đã chính thức đệ đơn xin phá sản hôm thứ hai vừa qua. Được thành lập vào năm 1937, nhãn hiệu Saab cũng từng có những thời kỳ hoàng kim trong lịch sử. Vào năm 2006, Saab đã tiêu thụ thành công 133.000 xe. Tuy nhiên, kể từ đó, doanh số bán hàng của Saab cứ giảm dần theo năm tháng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhãn hiệu từng thuộc biên chế tập đoàn GM. Một trong số đó là dòng sản phẩm kém hấp dẫn, điển hình như 6 mẫu xe dưới đây.

Saab-Lancia 600

Bắt đầu lên dây chuyền sản xuất vào năm 1980, Saab-Lancia 600 được trang bị động cơ I4, dung tích 1,5 lít, sản sinh công suất 85 mã lực và mô men xoắn cực đại 91 lb-ft. Mang trên mình kiểu dáng hatchback 4 chỗ, Saab-Lancia 600 sở hữu hệ dẫn động cầu trước.
 
img

Về cơ bản, Saab-Lancia 600 được phát triển dựa trên mẫu xe Lancia Delta nhưng lại đi kèm khối động cơ "yếu đuối". Không chỉ chạy chậm hơn Lancia Delta, Saab-Lancia 600 còn không đủ khả năng mang đến cảm giác hứng khởi sau vô lăng cho người lái.

Saab 9-5

Được sản xuất từ năm 1997-2009, Saab 9-5 lấy năng lượng từ khối động cơ I4 tăng áp, dung tích 2,3 lít, cho công suất 260 mã lực và mô men xoắn cực đại 258 lb-ft. Khi có mặt trên thị trường, Saab 9-5 được chia thành 2 kiểu dáng, sedan và wagon, với hệ dẫn động cầu trước.
 
img

Vào những ngày đầu tiên ra mắt, Saab 9-5 nhanh chóng trở thành một trong những mẫu xe dẫn đầu phân khúc. Tuy nhiên, 13 năm sau, Saab 9-5 vẫn được duy trì sản xuất mà không đem lại sự mới mẻ cho người tiêu dùng. Thay vì tái thiết kế toàn diện, hãng Saab chỉ chỉnh sửa một vài chi tiết trên 9-5 như cụm đèn pha và động cơ. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi Saab 9-5 dần mất khách.

Saab 900 thế hệ thứ hai

Cung cấp sức mạnh cho mẫu xe dẫn động cầu trước Saab 900 thế hệ thứ hai là khối động cơ I4 tăng áp, dung tích 2.0 lít, sản sinh công suất 185 mã lực và mô men xoắn cực đại 194 lb-ft. Được duy trì sản xuất trong khoảng thời gian từ 1994-1998, Saab 900 thế hệ thứ hai đi kèm các kiểu dáng hatchback, wagon và convertible.
 
img

Nhìn chung, Saab 900 thế hệ thứ hai sở hữu cơ cấu lái trung bình và tính năng vận hành khá "tươm tất" nếu khách hàng chọn phiên bản động cơ phù hợp. Ngoài ra, Saab 900 thế hệ thứ hai còn mang đến cảm giác tiện nghi và thể thao cho người sử dụng. Tuy nhiên, điểm yếu của Saab 900 thế hệ thứ hai lại nằm ở thiết kế ngoại thất. Nhìn bề ngoài, Saab 900 thế hệ thứ hai chẳng khác nào một mẫu xe do nhãn hiệu Opel sản xuất.

Saab 9-7x
 
img

Là một mẫu SUV dẫn động 4 bánh, Saab 9-7x mang trên mình cỗ máy V8, dung tích 6.0 lít, công suất 390 mã lực và mô men xoắn cực đại 400 lb-ft. Được sản xuất từ năm 2005-2009, Saab 9-7x là mẫu xe đồ sộ và nặng nề nhất của nhãn hiệu Thụy Điển. Tiếc thay, Saab 9-7x lại chỉ là cái bóng sau Chevrolet Trailblazer.

Saab 9-2x
 
img

Chỉ được sản xuất trong thời gian ngắn ngủi, từ năm 2005-2006, Saab 9-2x là mẫu xe hatchback dẫn động 4 bánh và sở hữu "trái tim" H4 tăng áp, dung tích 2,5 lít, công suất 230 mã lực, mô men xoắn cực đại 230 lb-ft. Nhìn chung, Saab 9-2x chẳng khác nào một mẫu xe "thập cẩm" với cơ sở gầm bệ Nhật Bản, thân vỏ Thụy Điển và thị trường Mỹ. Nói một cách khác, Saab 9-2x chính là Subaru WRX phiên bản Thụy Điển.

Saab 9-3 thế hệ thứ hai
 
Có mặt trên thị trường từ năm 2002-2010, Saab 9-3 thế hệ thứ hai lấy năng lượng từ khối động cơ I4 tăng áp, dung tích 2.0 lít, sản sinh công suất 210 mã lực và mô men xoắn cực đại 220 lb-ft. Với hệ dẫn động cầu trước hoặc 4 bánh, Saab 9-3 thế hệ thứ hai đi kèm 3 kiểu dáng, bao gồm sedan, convertible hoặc wagon.
 
img

Trong dòng Saab 9-3 thế hệ thứ hai, phiên bản xấu mã nhất chính là convertible. Thế nhưng, sau một thời gian phân phối trên thị trường, hãng Saab lại quyết định "khai tử" phiên bản hatchback thực dụng để tập trung vào 9-3 sedan. Đây là một sai lầm của Saab khi chính phiên bản hatchback mới có công làm nên tên tuổi của dòng 9-3.

Theo Jalopnik