Nghệ thuật sản xuất xe đã gần bước tới sự hoàn thiện trong vòng 130 năm qua. Tuy nhiên, không phải các nhà máy sản xuất xe nào cũng giống như nhau. Nếu như Mercedes-Benz nổi tiếng với nhà máy lắp ráp ở Vance, Alabama vào giữa những năm 1990 thì Ford lại được nhắc tới với nhà máy Rouge ở Dearborn, Michigan.

Mỗi một thời kỳ, mỗi một giai đoạn và tùy từng điểm nổi bật người ta thường chọn cho mình những nhà máy sản xuất xe hấp dẫn nhất. Đó có thể là được xét theo tiêu chí hiện đại, công nghệ, hay sự thân thiện với môi trường. Mỗi một thời đại, người ta lại có những tiêu chí khác nhau.

Mới đây, các biên tập viên của tạp chí ô tô uy tín, Leftlane đã bình chọn ra 10 nhà máy sản xuất ô tô hấp dẫn nhất thế giới.

1. Nhà máy Lingotto của Fiat tại Turin, Italy.
 
img

Năm 1922, Fiat bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất ôtô Lingotto nổi tiếng lớn nhất Châu Âu. Việc xây dựng và trang bị diễn ra suốt 6 năm trời. Nhà máy cao 5 tầng này không chỉ là xưởng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu mà còn nhanh chóng trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp xe hơi Italy. Đây là nhà máy đầu tiên của Fiat sử dụng dây chuyền lắp ráp ôtô. Nhà máy Lingotto được xem là một trong những cuộc cách mạng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô với những thay đổi mang tính bước ngoặt trong cơ cấu xây dựng sản xuất ở một nhà máy ô tô.

Fiat đã lựa chọn cách sắp xếp các nguyên vật liệu, phụ kiện ở tầng dưới và việc sản xuất xe ở tầng trên để đảm bảo sự chắc chắn và an toàn. Trước khi xuất xưởng, một chiếc Fiat phải trải qua cuộc thử nghiệm ngay trên đường thử được thiết kế ở trên mái nhà của nhà máy. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc biệt của nhà máy nổi tiếng Lingotto.

2. Nhà máy Palacio của Chrysler tại Buenos Aires, Argentina
 
img

Nhà máy nổi tiếng của Chrysler được thiết kế với kiến trúc sư người Ý Mario Palanti. Đây được xem là một trong những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Argentina và Uruguay thời bấy giờ. Sự ra đời của Palacio đóng một phần quan trọng trong sự phát triển của hãng xe Chrysler. Với tốc độ sản xuất đáng kinh ngạc của mình Palacio đã góp phần mở rộng mạng lưới phân phối của Chrysler lên trên toàn thế giới. Nhà máy này đã hoạt động 1 cách tích cực kéo dài đến tận sau Thế chiến thứ II. Khoảng 20 năm trước đây, nhà máy Palacio được chuyển thành khu vực căn hộ cao cấp. Tuy chỉ còn trong quá khứ, nhưng Palacio vẫn là một biểu tượng đẹp khi người ta nhắc về nhãn hiệu Chrysler.

3. Nhà máy Transparent của Volkswagen tại Dresden, Đức
 
img
 
Transparent Factory (Nhà máy trong suốt) là tên tiếng Anh của nhà máy sản xuất ô tô Đức Volkswagen. Nhà máy được thiết kế bởi kiến trúc sư Gunter Henn và được khai trương năm 2002. Tên tiếng Đức của nhà máy là Gläserne Manufaktur (nhà máy được làm bằng kính). Cả hai tên tiếng Đức và tiếng Anh đều bao hàm nghĩa “trong” với ngụ ý cả hai khía cạnh: nhìn “trong suốt” (optical transparency) và tính “công khai” của quá trình sản xuất.
 

img

Chức năng chính của nhà máy là sản xuất dòng xe sedan cao cấp của Volkswagen có thương hiệu Phaeton. Nhà máy được đặt tại trung tâm thành phố Dresden. Công trình có kiến trúc đẹp, với hình khối biểu cảm, ấn tượng như một bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Phần lớn kết cấu mái che của nhà máy được làm bằng kính, sàn nhà được phủ bởi gỗ phong Canada. Mặt bằng được thiết kế hướng tới khách thăm quan, công trình trung bình có khoảng 250 khách thăm quan một ngày. Đây là một công trình công nghiệp không khói, không tiếng ồn, không độc hại. Để nhấn mạnh khía cạnh môi trường, hơn 350 cây được trồng trong khuôn viên đất nhà máy. Cảnh quan của nhà máy bao gồm mặt nước, cây xanh, các gò đất nhỏ đều được nghiên cứu rât chi tiết, góp phần tạo nên diện mạo một công trình sản xuất công nghiệp sạch - đẹp - thân thiện.
 
img

4. Nhà máy Highland Park của Ford tại Michigan
 
img

Mặc dù Highland Park không phải là nhà máy lắp ráp đầu tiên của Ford nhưng có lẽ nó là nhà máy nổi tiếng nhất của hãng xe lừng danh này.
 
Dưới bàn tay của kỹ sư Albert Kahn, nhà máy Highland Park đã được ra đời ngay tại vùng quê Highland Park, Michigan, khánh thành vào năm 1910. Đây là một cơ xưởng rộng 62 mẫu (acres), với tầm vóc rộng lớn nhất khiến cho ông John D. Rockefeller, chủ tịch của công ty lọc dầu Standard Oil phải nói rằng cơ xưởng xe hơi Highland Park là một huyền diệu kỹ nghệ của thời đại Sau đó, Henry Ford lại tiếp tục thuê Clarence Avery nghiên cứu, khảo sát nhà máy Highland Park, Michigan và sau đó lắp đặt một dây chuyền lắp ráp. Quy trình này ngược hẳn với dây chuyền lắp ráp thông thường - tất cả các chi tiết được chuyển tới lắp trên sát - xi. Những người thợ phải đi dọc theo dây chuyền đến từng sát-xi để lắp ráp chi tiết, chưa ai nghĩ đến việc di chuyển sát-xi trên dây chuyền. Vào giữa năm 1913, Ford Motor đưa dây chuyền vào để lắp ráp hệ thống đánh lửa, mô tơ và hộp số ở nhà máy Highland Park, Michigan.
 
img
 
 Ngày nay, tuy nhiều khu vực ở nhà máy đã được chuyển đổi nhưng nó vẫn thuộc quyền sở hữu của Ford và là một biểu tượng không bao giờ phai nhạt với lịch sử của hãng xe nước Mỹ.
 
5. Nhà máy Willow Run của Kaiser, Ford và GM
 
img
 
Nhà máy này được xây dựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai bởi hãng Ford để sản xuất máy bay B-24 Liberator trên một cánh đồng thuộc sở hữu của Henry Ford. Khi bắt đầu hoạt động, đây là nhà máy lớn nhất thế giới với khả năng sản xuất hơn 650 chiếc B-24 mỗi tháng. Sau chiến tranh, Ford không cần nhà máy này nữa và nó được nhượng lại cho Kaiser và Fraser cho đến khi được bán cho GM vào năm 1953. GM đã lắp ráp rất nhiều mẫu xe tại Willow Run trước khi chuyển nhà máy này sang hình thức chuyên lắp ráp hệ thống truyền động. Hệ thống truyền động Hydramatic của hãng này – được trang bị trên rất nhiều dòng xe, trong đó có cả Rolls-Royces - đã được sản xuất tại Willow Run. Điều đặc biệt, đây cũng là nhà máy sản xuất súng trường M16, một thời gian được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
 
img
 
Đầu năm 2011, GM đã quyết định đóng cửa nhà máy lịch sử Willow Run. Ngày nay, nhà máy đã trở thành Bảo tàng Di sản Ô tô Ypsilanti  nhờ vào những nỗ lực Jack Miller, người phụ trách tại nhà máy.
 
6. Nhà máy Springfield của Rolls-Royce ở Massachusette
 
img

Nhà máy Springfield của Rolls-Royce được bắt đầu đưa vào hoạt động vào năm 1021. Các hoạt động sản xuất các loại xe kéo dài đến tận năm 1931 khi doanh số bán hàng có phần chững lại. Đây là nhà máy thứ 2 của hãng xe Anh Quốc sau những thành công của nhà máy đầu tiên tại Thành phố Manchester. Thời gian này cũng chứng kiến sự xuất hiện của chiếc Phantom I với kiểu động cơ hoàn toàn mới van đặt trên và các đầu xylanh tháo ra được - công nghệ đỉnh cao thời bấy giờ. 

Nhà máy này đã thực sự bị phá hủy vào đầu năm nay do tình trạng sập sệ của nó. Thay vào đó, nhà máy Springfield được xây dựng lại để trở thành nhà máy sản xuất của công ty vật tư Titeflex, một công ty thuộc tập đoàn Rolls-Royce Group.

7. Nhà máy Packard của Detroit, Michigan
 
img

Tuy không còn với chức năng nhà máy sản xuất ô tô nhưng Packard vẫn mãi luôn hùng vĩ ở Detroit. Việc nhà máy Packard ra đời là một câu chuyện dài và nhiều điều thú vị.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1901, khi hai nhà đầu tư của Detroit, Henry B. Joy và người anh rể, Truman Newberry đến New York tham dự triển lãm ôtô thường niên New York Auto Show. Rất ấn tượng với những chiếc xe tại đây, họ đã quyết định bỏ vốn kinh doanh ôtô và tìm cách mua một công ty sản xuất xe hơi.
 
Tuy nhiên, ở Detroit lúc đó chỉ có duy nhất một nhà sản xuất xe mang tên Oldsmobile và ông chủ Ransom E. Olds lại hoàn toàn không có ý định bán. Joy nghe đồn về Locomobile, một chiếc xe chạy bằng động cơ hơi nước sang trọng mà nhiều người dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai, ông đã cùng anh rể đi xem. Trong lúc đang lái thử, máy đo áp suất của Locomobile đột nhiên nổ tung khiến giấc mộng sản xuất xe động cơ hơi nước của hai anh em bị dập tắt. Cũng trong năm 1901 ấy đã có một sự kiện quan trọng. Đó là một giếng dầu có tên “Spindletop” được phát hiện tại Beaumont, Texas khiến sản lượng xăng dầu của Mỹ tăng lên gấp đôi, tạo nên một cơn sốt nhiên liệu giá rẻ.
 
img

Nhận thấy tiềm năng của loại nhiên liệu này, Joy chuyển hướng chú ý đến động cơ đốt trong chạy bằng xăng và thực sự ấn tượng với Packard, chiếc xe được chế tạo ở Warren, Ohio bởi James W. Packard. Joy quyết tâm mua bằng được Packard và chuyển công ty này về quê hương của mình ở Detroit. Ông ủy quyền cho một kiến trúc sư trẻ tên là Albert Kahn xây dựng một nhà máy nằm trên đại lộ East Grand. Dù sau này Kahn đã thiết kế nhiều nhà máy ôtô lớn trên thế giới, nhưng đây là nhà máy đầu tiên với một nửa thế kỷ cho ra lò những chiếc xe sang trọng, chất lượng cao.

Nằm cách không xa nhà máy Hamtramck của GM, nhà máy Packard đã xuất xưởng những chiếc xe của Detroit ra thế giới cho đến khi đống cửa vào năm 1958. Kể từ đó, nhà máy của Detroit trở nên xấu xí hơn do nó được biến thành nhà thuê. Đã có nhiều ý kiến về việc tháo dỡ tòa nhà này nhưng đến nay nhà máy của Detroit vẫn tồn tại.

8. Nhà máy Twin Cities của Ford tại St Paul, Minnesota
 
img

Thật đáng buồn khi nhà máy Twin Cities đã trở thành dĩ vãng. Twin Cities được xem là nhà máy lâu đời nhất của Ford tính đến thời điểm hoạt động. Nhà máy được khánh thành vào năm  1924 và bắt đầu hoạt động vào năm 1925 với việc cho ra đời mẫu xe Ts nổi tiếng.

Vào thời điểm đó, Twin Cities được biết đến là máy sản xuất xe nổi tiếng nhất với hiệu suất sản xuất mạnh mẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhà máy này đã bị khai tử đồng nghĩa với sự kết thúc của mẫu xe Ranger.
 
img

9. Nhà máy Westmoreland của VW tại New Stanton, Pennsylvania
 
img

Nhà máy Westmoreland của VW tại New Stanton, Pennsylvania được xem là một trong những nhà máy lâu đời nhất của VW.
 
Từ những năm 1970, nhà máy Westmoreland  đã được đưa vào sản xuất mặc dù chưa hoàn thiện hoàn toàn. Những hoạt động sản xuất đã bắt đầu được triển khai và đưa vào sản xuất tuy nhiên có nhiều vấn đề đã xảy ra trong quá trình sản xuất. Westmoreland quyết định đóng cửa nhà máy vào năm 1988.
 
10. Nhà máy  Iran Khodro của Iran Khodro tại Tehran, Iran
 
img

Iran Khodro được xem là một trong những nhà máy bí ẩn nhất trên thế giới. Đây cũng là nhà máy của niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Trung Đông.

Iran Khodro Company (IKCO) là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Đông ở IranKhodro dưới sự điều hành của  Mahmoud Ahmadinejad. Hoạt động của Iran Khodro được xây dựng hợp tác với các đối tác đa dạng như Fiat, Toyota và Mercedes-Benz. Giống như Ford trong những ngày đầu của thời đại ô tô, Khodro đã xây dựng một cách hoàn toàn tất cả điều cần thiết của nền công nghiệp ô tô tại Trung Đông. Đây cũng được xem là một trong những niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Trung Đông.
 
Theo leftlanenews