Như đã biết, khoảng 19h tối ngày 1/9 vừa qua, trên đường từ Sa Pa về thành phố Lào Cai đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách loại 46 chỗ nằm và một ghế ngồi chở theo 53 người. Vụ tai nạn xảy ra ở đoạn Tòng Sành – Dốc ba tầng trên quốc lộ 4D khiến xe khách lao xuống vực sau khi đâm vào một ôtô Kia Morning chạy ngược chiều.

Chiếc xe khách đã bị rơi xuống vực và biến dạng hoàn toàn. 12 nạn nhân tử vong và nhiều người phải cấp cứu tại bệnh viện. Cơ quan chức năng cho biết, xe khách đã chở quá số người quy định và chạy ở vận tốc 38 km/h khi gặp tai nạn.

Từ trước đến nay, đã có không ít vụ tai nạn tương tự xảy ra trên đường đèo, núi khiến xe lao xuống vực. Tuy nhiên, vụ tai nạn mới xảy ra hôm 1/9 vẫn khiến nhiều người xôn xao vì số lượng thương vong lớn. Qua đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để lái ôtô lên và xuống đèo một cách an toàn?”.

Theo anh Quang, một tài xế có kinh nghiệm lâu năm, khi đổ đèo, người lái nên hạn chế dùng phanh đến mức tối đa. Việc mỗi lần cua lại rà phanh, nhất là ở xe chở khách nặng, sẽ dẫn đến hiện tượng nóng tăm-bua, trơ má phanh, thậm chí sôi dầu phanh. Điều đó sẽ khiến xe bị mất phanh đột ngột và gây ra tai nạn. Thay vì rà phanh nhiều, các tài xế nên lái xe ở số 1 khi đổ đèo.

Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể cho việc leo và đổ đèo bằng ôtô một cách an toàn. Tất nhiên, cách leo cũng như đổ đèo bằng xe số sàn và tự động hoàn toàn khác nhau.

Xe số sàn

Leo đèo

Leo đèo từ vị trí đứng yên

Đây là bài Đề-pa cơ bản mà bạn phải học khi qua kỳ thi sát hạch lái xe. Lý thuyết rất đơn giản, đầu tiên, hãy giữ chặt chân phanh và côn, vào số 1. Tiếp tục giữ chặt chân phanh, nhả côn từ từ và nghe tiếng máy sao cho bạn có thể cảm giác đã bám côn. Sau đó, nhả phanh, đệm ga và bắt đầu thả chân côn. Hãy nhớ nhả côn bằng chân trái một cách chậm rãi. Trong khi đó, chân phải cũng nhấn ga từ từ cho phù hợp. Lúc này, chiếc ôtô có thể bị lùi về phía sau một chút nhưng bạn đừng lo vì xe sẽ sớm tiến lên phía trước.

Tùy thuộc vào độ dốc của đèo, tốc độ động cơ sẽ dao động trong khoảng từ 2.000 – 3.000 vòng/phút. Ví dụ, trên đèo dốc thẳng đứng, tốc độ động cơ rơi vào khoảng 3.000 vòng/phút sẽ giúp xe khởi động dễ dàng hơn. Tiếp đến là giai đoạn tiến lên đỉnh đèo, chuyển sang số 2 hoặc 3 tùy thuộc vào độ dốc.

Leo đèo khi xe đang chạy

Bạn hãy dùng mắt để quan sát và đánh giá độ dốc của đèo chuẩn bị leo. Giữ chặt chân côn và xuống một số trước khi leo đèo nếu độ dốc ở mức vừa phải. Ví dụ, bạn chuyển từ số 5 xuống số 4 hoặc 4 xuống 3 và duy trì tốc độ phù hợp. Giữ tốc độ động ở trong khoảng từ 5.000 – 7.000 vòng/phút để xe có công suất cao hơn khi leo đèo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhấn ga và xuống số lần nữa nếu đèo dốc hơn. Ví dụ, chuyển từ số 3 xuống số 2. Duy trì tốc độ động cơ trong khoảng như trên để leo dốc.

Bí quyết: nếu có điều kiện và thời gian, bạn có thể tập ở những đoạn đèo vắng. Làm như vậy, bạn có thể biết nên nhấn ga như thế nào cho phù hợp khi leo dốc. Thứ hai là để mắt đến những xe khác chạy phía sau bạn.

Đổ đèo

Khi đổ đèo, bạn nên hạn chế dùng phanh liên tục. Liên tục phanh trên những đoạn đường đèo núi dài có thể khiến nhiệt độ của hệ thống phanh tăng cao. Hậu quả là phanh có thể mất tác dụng hoàn toàn, đột ngột và bạn sẽ hoảng hốt không xử lý kịp tình huống. Hãy để ý những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh bị quá nóng như mùi khét hoặc khói bốc ra từ bánh xe.

Thứ hai, hãy học phân biệt âm thanh động cơ bằng cách lắng nghe khi lái xe hàng ngày. Nghe âm thanh động cơ để biết vòng tua máy là một kỹ năng cần thiết khi đổ đèo.

Chuyển xuống số thấp để xe chạy chậm nhưng cũng đừng quên quan sát vòng tua động cơ. Động cơ phải chạy ở tốc độ cao hơn mức trong điều kiện lái thông thường. Nếu cảm thấy tốc độ xe nhanh hơn mức bạn muốn kiểm soát, bạn nên chuyển xuống một số.

Giảm tốc độ của xe khi ôm cua bằng cách chuyển xuống số thấp hơn. Nhấn chân ga để tăng vòng tua động cơ và thả côn. Nhấn phanh để đưa xe về vận tốc thấp khi ôm cua. Thông thường, có một lời khuyên là lên đèo số nào thì xuống đèo số đó. Tuy nhiên, bạn cũng nên áp dụng linh hoạt tùy vào vận tốc của xe bạn trong lúc đổ đèo để chiều chỉnh cho phù hợp. 

Lên số cao hơn khi vào đường thẳng để tăng tốc. Hãy sẵn sàng để chuyển số thường xuyên hơn bình thường vì đường đèo đòi hỏi người lái phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp. Tiếp tục theo dõi hệ thống phanh và tấp xe vào khu vực an toàn nếu thấy có dấu hiệu nhiệt độ của hệ thống phanh tăng cao.

Xe số tự động

Leo đèo

Nhiều người cứ nghĩ sẽ không phải lo lắng về việc chuyển số khi leo đèo bằng xe số tự động. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng. Khi leo đèo, xe của bạn cần công suất lớn hơn bình thường. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải biết cách tăng sức mạnh cho xe.

Điều này khá dễ dàng với xe số sàn vì bạn có thể chỉnh tốc độ bằng cách chuyển số. Đối với xe số tự động, bạn có thể thử dùng số 3 để leo đèo. Sau đó, tăng tốc càng nhanh càng tốt. Khi cảm thấy xe đang chậm dần, bạn cần đổi về số 2 và tiếp tục nhấn chân ga.

Bạn có thể sẽ thấy động cơ xe kêu như muốn nổ tung. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì tiếng động cơ như thế mới đảm bảo sự an toàn cho bạn và giúp xe leo đèo ổn định. Rõ ràng, ngay cả với xe số tự động, bạn vẫn phải tự tay điều chỉnh để leo đèo. Dù sao, leo đèo bằng xe số tự động cũng dễ dàng hơn vì hệ thống đã lo “trọn gói” động cơ của xe.

Đổ đèo

Hệ thống phanh sinh ra để giảm tốc độ và dừng xe. Tuy nhiên, khi đổ đèo bằng xe số tự động, sử dụng một mình phanh để giảm tốc vẫn chưa đủ. Thêm vào đó, làm như vậy sẽ khiến phanh bị mòn và mất tác dụng. Đó là lý do vì sao bạn cần học cách đổ đèo bằng xe số tự động mà không dùng mỗi phanh để giảm tốc. Nên chuyển sang chế độ bán tự động để có thể điều khiển xe được tốt nhất.

Đầu tiên, hãy bỏ chân ra khỏi chân ga khi xe ở trên đỉnh đèo. Nếu xe của bạn có hệ thống điều khiển hành trình, hãy tắt đi. Bạn có thể ngắt hệ thống điều khiển hành trình bằng nút điều khiển hoặc nhấn nhả phanh một cách từ tốn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu đang di chuyển chậm, bạn hãy chuyển số tự động xuống số thấp hơn hoặc số 2. Đây là hành động tương đương với việc “phanh động cơ” và giảm tốc độ xe. Nếu xe đang chạy ở tốc độ cao hơn 50-60 km/h hoặc nhanh hơn mức mà bạn cảm thấy an toàn, hãy giảm số, nhấn phanh từ từ để giảm tốc.

Nhấn nhả phanh từ từ để giúp động cơ duy trì ở tốc độ mong muốn. Chỉ đến khi đổ đèo xong, bạn mới chuyển hộp số về chế độ tự động hoàn toàn.

Lưu ý: trước khi đổ đèo, bạn hãy chắc chắn hệ thống phanh của xe hoạt động tốt. Khi đổ đèo trong điều kiện đường đông, ở tốc độ thấp hoặc đường uốn lượn, bạn mới nên dùng số 1 thấp nhất. Tốc độ tối đa của xe khi ở số 1 là 25-32 km/h. Đừng bao giờ chuyển hộp số sang chế độ “Neutral” nếu không muốn lao xuống chân đèo ở tốc độ nhanh hơn mong muốn.

Ngoài ra, bạn cũng đừng chuyển hộp số tự động sang chế độ “Park” để đổ đèo. Lúc đó, xe của bạn sẽ tạo ra những âm thanh rất khó nghe. Thậm chí, điều này còn có thể làm hỏng hộp số xe.

Chúc các bạn lái xe an toàn!