Miền Bắc đang hứng chịu đợt lạnh kỷ lục với mức nhiệt xuống dưới 10 độ C. Ở nhiều nơi nhiệt độ còn xuống mức âm độ. Điều kiện thời tiết này đã khiến cho hàng loạt các loạt mô tô, xe máy gặp phải hiện tượng khó khởi động ở cả xe ga và xe số vào mỗi buổi sáng.

Tại sao xe máy khó khởi động khi trời lạnh?


Nhiều xe máy gặp hiện tượng khó khởi động do trời lạnh. Ảnh minh họa: Internet

Nhiều xe máy gặp hiện tượng khó khởi động do trời lạnh. Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia từ Honda, mô tô, xe máy khó khởi động hoặc có tiếng nổ không đều khi trời lạnh hoặc không sử dụng trong thời gian trên 6 giờ nguyên nhân là do động cơ của xe nguội thì nhiên liệu sẽ khó bị đốt cháy và gây ra hiện tượng trên. Đây là hiện tượng thường gặp của xe gắn máy khi trời lạnh do bộ phận chế hòa khí và kèm theo đó là khu vực đánh lửa bị ảnh hưởng.

Theo giải thích, nhiệt độ xuống thấp, khả năng bay hơi của nhiên liệu giảm làm cho hỗn hợp hòa trộn nhiên liệu và không khí thường không đủ độ đậm đặc (nghèo xăng) hơn lúc máy nóng hay thời tiết ấm. Vì vậy, tỷ lệ căn chỉnh gió và nhiên liệu tại bộ chế hòa khí ảnh hưởng trực tiếp đến việc khởi động xe khi thời tiết lạnh.

Ngoài ra, có thể, khi trời lạnh hoặc độ ẩm cao, lượng không khí trong động cơ xe bị ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ trong chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu. Vì vậy, lượng không khí cần thiết để đáp ứng ho quá trình khởi động xe bị thiếu hụt gây nên tình trạng khó nổ. Lượng nước bị ngưng tụ cũng có thế làm tắc một số bộ phận dẫn nhiên liệu hoặc ảnh hưởng đến bộ phận đánh lửa và nhanh tạo ra muội than tại bu-gi.

Cách xử lý khi xe khó nổ máy do trời lạnh

Nếu xe của bạn gặp hiện tượng khó nổ sau khi để qua đêm trong điều kiện thời tiết lạnh giá, có một số mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng như: trước khi nổ máy nên tắt hết đèn, đạp khởi động xe, kéo le gió (hay còn gọi là air) và bật chìa khóa đề nổ.

Để khắc phục hiện tượng khó nổ, việc đầu tiên bạn nên làm là không khởi động quá nhiều tránh tiêu hết điện trong bình ắc quy. Với các xe có cần đạp, nên đạp khởi động (đạp mồi) trước khi đề nổ để các chi tiết ở bên trong động cơ thoát khỏi trạng thái tĩnh, cung cấp dầu và làm nóng các chi tiết.

Người dùng cũng nên đóng le gió để nhiên liệu cung cấp cho buồng đốt được nhiều hơn và động cơ dễ nổ hơn.  Khi kéo le gió không nên vặn tay ga vì sẽ làm tăng lượng gió vào và làm giảm độ đậm đặc của hỗn hợp hòa trộn. Sau khi động cơ đã hoạt động đều thì mở le gió trở lại hiện trạng ban đầu.

Khởi động bằng cách ấn nút đề hoặc bằng cần khởi động. Nếu khởi động bằng nút đề mà máy không nổ thì nên chờ từ 10 đến 20 giây sau mới khởi động lại và mỗi lần khởi động không nên ấn giữ nút đề quá 3 giây sẽ gây hại đến ắc-quy.

Đối với các dòng xe ga, do sử dụng le gió điện, trước khi nổ máy hãy bật khóa điện và vặn tay ga hết hành trình vài lần giúp hỗn hợp hòa trộn xuống buồng đốt. Người dùng cũng nên mang tới những cửa hàng sửa chữa xe máy để điều chỉnh lại chế độ mở chậm hơn cho "le" điện. Thao tác này giúp cho lượng xăng khi vào buồng đốt đậm đặc hơn và không bị triệt tiêu nhiệt độ cháy bởi không khí lạnh khi cửa gió mở sớm.

Khi máy đã nổ thì cho xe chạy cầm chừng (chế độ ga-lăng-ti) hoặc tăng ga làm duy trì trạng thái nổ không tải trong vài phút làm nóng máy, sau đó đẩy le gió từ từ về trạng thái ban đầu và khi xe có tiếng nổ ổn định thì có thể cho xe chạy.

Xử lý tình trạng giật cục và tay phanh cứng  do trời lạnh

Xử lý hiện tượng "giật cục"

Hiện tượng "giật cục" khi mới vận hành trong thời tiết lạnh là khá phổ biến. Hiện tượng này thường xảy ra khi động cơ vận hành trong tình trạng máy còn lạnh: nhiệt độ thấp làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt. Đồng thời làm nhiệt độ buồng đốt chưa đạt được độ nóng cần thiết.

Đây cũng là lúc mà độ hao mòn động cơ ở mức cao. Vì vậy, mỗi buổi sáng sớm, bạn nên cho xe vận hành ở chế độ Garanti (nổ máy không tải) khoảng 1, 2 phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều, đó chính là lúc động cơ và dầu đã đạt được nhiệt độ cần thiết.

Tay phanh cứng và lạnh

Thông thường, khi trời trở lạnh, không khí hanh khô thường xuất hiện, điều này làm khô dầu tay ga, tay phanh khiến cho việc sử dụng trở nên khó khăn và gây ra mất sự mất an toàn khi vận hành. Để xử lý hiện tượng này , người dùng không nên để dây phanh quá căng, bởi lúc này các ngón tay bị nhiễm không khí lạnh sẽ trở nên bị lạnh cóng và mất đi cảm giác phanh.

Việc căn chỉnh dây phanh bạn có thể tự làm một cách khá dễ dàng với thao tác nới ốc giữ chốt phanh cho loại phanh tang trống (phanh đùm). Với loại phanh sử dụng dầu ép thủy lực (phanh dầu), bạn nên mang xe ra ngoài cửa hàng sửa chữa để nhờ đặt lại nấc bơm dầu.

Bạn nên bảo dưỡng, tra dầu mỡ toàn bộ xe đều đặn. Xúc rửa và tra dầu mỡ mỗi khi thấy hiện tượng dây phanh và dây ga nặng hoặc kẹt.

Theo ICTNews