Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.

Về mục tiêu cụ thể, chiến lược đưa ra số lượng xe sản xuất trong nước vào năm 2025 là 466.400 chiếc và năm 2035 là 1.531.400 chiếc. Tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước vào năm 2025 chiếm 70% và năm 2035 là 78%. Về xuất khẩu, mục tiêu đặt ra trong năm 2025 là đạt tổng lượng 37.000 chiếc và năm 2035 là 90.000 chiếc.

Đến năm 2021-2015 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ôtô thế giới. Đến giai đoạn 2026-2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô khu vực và thế giới, đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước.

Theo chiến lược mới, các nhóm sản phẩm ưu tiên bao gồm xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chở người đến 9 chỗ, xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên sẽ chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

img

Đối với xe chở người đến 9 chỗ sẽ tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Đối với xe chuyên dụng sẽ lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở bê tông, xe xitec, xe phục vụ an ninh, quốc phòng...); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hóa với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu...) để đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng nông thôn và miền núi.

Đối với công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện, quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Định hướng đưa ra là xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai là tập trung đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Thứ ba là hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ôtô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Cuối cùng là hoàn thiện hệ thống luật pháp và phát triển hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn giao thông; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường.