Tìm đường cũng "toát mồ hôi"

Toàn TP. HCM hiện có hơn 3.000 tuyến đường nhưng có đến khoảng 60% chưa được đặt theo đúng quy định đặt tên đường, vì thế không ít tuyến đươngf tồn tại dưới những cái tên... kỳ quặc khó hiểu.

Tại khu vực ngoại thành như quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, quận 9, có những tuyến đường được đặt tên theo cách khiến nhiều người muốn tìm được đường đi cũng phải "toát mồ hôi" mới thấy, thậm chí còn chẳng tìm ra dù có hỏi "thổ địa" ở đó.

Những con đường viết tắt không thể giải mã ở Sài Gòn.
Những con đường viết tắt không thể giải mã ở Sài Gòn.

Những tuyến đường có tên viết tắt của địa phương kết hợp số, kiểu như XTT 8 - 7A (ở phường Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), HT, TX 224, TA, TMT 01 (quận 12),  T6, N1 (quận Tân Phú), đường D1, D2, D5 (quận Bình Thạnh), đường 9A, đường 7A (huyện Bình Chánh).... như đưa người đi đường lạc vào "ma trận". Những cái tên này được đặt bằng những "bí danh" không ai có thể giải mã nỗi.

"Khi hỏi đến những con đường có tên như trên, rất nhiều người bị nhầm lẫn. Tôi hành nghề xe ôm ở đường T6 này nhiều năm cũng mệt mỏi vì tên đường cứ "loạn" hết cả lên", anh Bảy, tài xế xe ôm ở quận Tân Phú chia sẻ.

Tên đường Kênh Nước Đen nghe qua khiến nhiều người không muốn đi vì sợ ô nhiễm.
Tên đường Kênh Nước Đen nghe qua khiến nhiều người không muốn đi vì sợ ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều con đường trên do địa phương hoặc nhà thầu lúc xây dựng tự nghĩ ra đặt theo cách gọi của người dân chứ không hề sử dụng quỹ tên đường do thành phố lập ra. Đơn cử như đường Điện Cao Thế (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) mặc dù đã được đặt tên mới là đường Nguyễn Thế Truyện, nhưng ngoại trừ bảng hiệu được lấy từ quỹ tên đường thì các bảng hiệu, bảng số nhà hầu như vẫn còn chữ "Điện Cao Thế". Thậm chí trong đó có một số cơ quan nằm trên đường Nguyễn Thế Truyện vẫn còn giữ nguyên địa chỉ đường Điện Cao Thế.

Những người sống bên đường Nguyễn Thế Truyện lý giải rằng, sở dĩ có tên Điện Cao Thế vì con đường này có hàng điện cao thế đi qua nên người dân tự đặt để tạo sự quen thuộc dễ nhớ. "Chỉ có những người sống cách con đường có hàng điện cao thế đi qua khoảng 100m trở lại hoặc những xe ôm hành nghề lâu năm mới biết mà chỉ đường đến, còn những người sống hơi cách xa một chút sẽ không biết đường Điện Cao Thế là đường nào đâu", anh Trần Văn Minh (một người dân sống trên đường này) cho biết.

Nhiều tên đường khó lý giải

Trong khi đó, đường Kênh Nước Đen, hồi trước là một dòng kênh dài, nước dơ và thường bốc mùi rất khó chịu. Trong những năm trở lại đây, một phần kênh đã được san lấp và trồng cây xanh, phần còn lại mới chỉ được gia cố bờ kè. Tuy nhiên hiện tại cái tên Kênh Nước Đen vẫn được quận Tân Phú và Bình Tân dùng để đặt tên cho một con đường. "Nghe qua cái tên của nó cũng đủ nhận thấy sự ô nhiễm, khiến nhiều người cũng chẳng muốn đi qua", một bác xe ôm được chúng tôi hỏi đường, chia sẻ.

Đường Kênh 19/5 vì có 2 con đường chạy dọc theo dòng kênh.
Đường Kênh 19/5 vì có 2 con đường chạy dọc theo dòng kênh.

Ngoài ra, lại có những tên đường nghe khá hài hước, đơn cử đường Rạch Bùng Binh (quận 3), đường Cống Lở (quận Tân Bình), đường Vành Đai Trong, Lò Thiêu, Mã Lò (quận Bình Tân), đường Bờ Bao Tân Thắng (quận Phú) và cả đường Bờ Bao 1 “ăn theo” con đường này.

Cái tên đường Bờ Bao Tân Thắng được đặt cho một con đường mới mở nhưng chẳng ai hiểu nổi vì sao lại đặt tên này.
Cái tên đường Bờ Bao Tân Thắng được đặt cho một con đường mới mở nhưng chẳng ai hiểu nổi vì sao lại đặt tên này.
Đường Bờ Bao 1 là cái tên ăn theo đường Bờ Bao Tân Thắng, cũng chẳng ai lý giải được.
Đường Bờ Bao 1 là cái tên "ăn theo" đường Bờ Bao Tân Thắng, cũng chẳng ai lý giải được.

Chưa hết, còn có những tên đường khá "sinh động" như đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền (quận 8), đường nối từ Đường Thành Thái ra đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Đường dưới chân cầu Sài Gòn (quận 2), Đường nối từ Cách Mạng Tháng Tám ra Hoàng Sa (quận 3), Đường kênh 19/5 (quận Tân Phú), Đường dọc kênh Nhật Bản (quận Phú Nhuận), Đường Bình Dương Thị Xã (quận Tân Phú).

Trong những năm gần đây, ở TP. HCM nhiều tên đường đã dần được quan tâm, thay đổi để giúp người dân dễ dàng khi lưu thông. Theo đó, UBND TP. HCM đã bổ sung Quỹ tên đường tại TP với hơn 1.070 tên đường nhằm theo kịp sự phát triển đô thị ngày càng nhanh với nhiều tuyến đường, tuyến phố mới được xây mới.

Tên N1, N2... được đặt theo các con đường giao với đường Bờ Bao Tân Thắng.
Tên N1, N2... được đặt theo các con đường giao với đường Bờ Bao Tân Thắng.
Đường Mã Lò hay Lò Thiêu nghe qua cũng khiến nhiều người sợ.
Đường Mã Lò hay Lò Thiêu nghe qua cũng khiến nhiều người sợ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét, tên đường không nhất thiết phải là tên nhân vật lịch sử, nhất là những đường nhỏ hay đường nội bộ khu đô thị, khu dân cư. Nếu tên đường là một loài hoa, hoặc cây thì sẽ là một sự khuyến khích cư dân trồng nhiều hơn để tạo vẻ đẹp mang tính đặc thù riêng, làm cho cảnh quan thành phố thêm đa dạng hơn.

 

Theo Kênh 14/Trí Thức Trẻ