Trong đó, đường bộ xảy ra 31 vụ, làm chết 21 người, bị thương 28 người. Đường sắt xảy ra một vụ làm 2 người bị thương. Đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 1.531 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước hơn 175 triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy toàn quốc đã tập trung xử lý 17 trường hợp, nộp kho bạc 8,7 triệu Đồng.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngày 8/2 (mùng 1 Tết), số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận đã giảm đáng kể so với những ngày trước. Chỉ có 15 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé và tình hình trật tự an toàn giao thông tại một số khu vực.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ chiều ngày 7/2 (29 Tết) đến sáng ngày 8/2 (mùng 1 Tết) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trên hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình. Đây là thực tế cũng đã được ghi nhận tại các cửa ngõ của thủ đô Hà Nội trong ngày 6/2/2016.

Trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết đầu năm Bính Thân 2016 đã ghi nhận tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông, lái xe sau khi uống rượu bia. Đây là một điều thường gặp vào những dịp lễ tết tại Hà Nội bởi ý thức của người dân và do lực lượng chức năng cũng mỏng hơn ngày thường.

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, tất cả những hành vi nêu trên đều được xử lý nghiêm khắc, không nhân nhượng. Riêng hành vi không đội mũ bảo hiểm tùy tình hình có thể các cán bộ Công an chỉ nhắc nhở nhưng vẫn phải ghi lại tên, tuổi, địa chỉ, nơi công tác để sau dịp Tết sẽ báo về nơi làm việc.