Sau 5 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thông qua. Với riêng lĩnh vực xe hơi, những nhà quan sát cho rằng Nhật Bản chính là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, khi hiệp định này có hiệu lực thi hành.

Gạt bỏ những yếu tố chính trị, việc Trung Quốc đứng ngoài TPP sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đối với ngành xe hơi của họ, nhưng có vẻ những chuyên gia xe hơi trong nội khối TPP cảm thấy hào hứng.

Khi Trung Quốc không còn là thị trường xe hơi lớn nhất

Chính phủ Trung Quốc vừa qua đã quyết định cắt giảm mức thuế doanh thu đối với các loại xe hơi dung tích nhỏ, dưới 1,6 lít, bắt đầu từ ngày 1/10, kéo dài đến hết năm 2016.

Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế tiếp tục có những dấu hiệu xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trên 7% đặt ra cho năm nay.


Volkswagen là một trong số những thương hiệu quốc tế thu lợi nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Cars News China.

Volkswagen là một trong số những thương hiệu quốc tế thu lợi nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Cars News China.

Thị trường xe hơi Trung Quốc lớn nhất toàn cầu trong 6 năm qua, nhưng liên tục sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Thống kê của The Wall Street Journal vào tháng 9 cho thấy, doanh số bán hàng của ngành xe hơi Trung Quốc đã sụt giảm 3 tháng liên tiếp.

Có nhiều nguyên nhân, như kinh tế khó khăn hơn, chính phủ giám sát các khoản chi tiêu xa xỉ, các cuộc điều tra tham nhũng, siết chặt việc sử dụng xe hơi do gây ô nhiễm môi trường...

Mặc dù vậy, không chỉ các thương hiệu xe hơi tại Trung Quốc gặp khó. Dĩ nhiên với vị thế thị trường xe lớn nhất thế giới, sự thu hẹp doanh số tại Trung Quốc là đòn giáng mạnh vào các thương hiệu xe quốc tế, như Volkswagen, nhà sản xuất số 1 thế giới đã đặt đến một nửa lợi nhuận vào thị trường đại lục.

SAIC, nhà sản xuất xe hơi có doanh số bán hàng lớn nhất Trung Quốc, đã không thể tìm thấy sự tăng trưởng nào tính đến tháng 10 năm nay.

Các công ty liên doanh giữa SAIC với Volkswagen hay General Motors cũng đang gánh mức sụt giảm sản xuất lần lượt 21% và 24% so với tháng 8/2014.

"Năm 2015 gần như sẽ là năm chứng kiến sự sụt giảm của cả nhà sản xuất lẫn đại lý phân phối xe hơi", Lian Hoon Lim - Giám đốc Công ty Phân tích và Tư vấn AlixPartners, bi quan về ngành xe hơi tại Trung Quốc.


Ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc với các thương hiệu như Great Wall Motors vẫn đang gặp khó trong việc vươn tầm quốc tế. Ảnh: Cars News China.

Ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc với các thương hiệu như Great Wall Motors vẫn đang gặp khó trong việc vươn tầm quốc tế. Ảnh: Cars News China.

Lối thoát cho các thương hiệu xe Nhật và Mỹ

Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho các thương hiệu như Toyota, Volkswagen, General Motors..., nhưng TPP được ký trong lúc thị trường đại lục suy yếu có lẽ đang dần khiến "cuộc chơi" thay đổi theo chiều hướng mới, khi Bắc Kinh không còn là điểm đến có sức hút mạnh mẽ.

Mấu chốt ngăn cản TPP giữa Nhật và Mỹ nằm ở "nguyên tắc xuất xứ" đã được thông qua, đồng nghĩa các nhãn hàng xe hơi như Toyota sẽ dễ dàng gia tăng sản xuất tại Mỹ khi không bị ràng buộc về việc phải mua phụ tùng với tỷ lệ nội khối (của 12 nước thành viên TPP) cao hơn mức yêu cầu.

Điều này càng thúc đẩy các động thái chuyển hướng kinh doanh của các hãng xe Nhật, như The Wall Street Journal đã đưa tin hồi tháng 7 vừa qua.

Trước đó, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và "nguyên tắc xuất xứ", các hãng như Nissan, Toyota và Honda đã phải sản xuất xe trong nước và bán thẳng sang Mỹ, khoảng đầu năm 2017, họ sẽ không cần phải làm điều đó nữa, nhờ TPP.

Trong 5 tháng đầu tiên của năm nay, xuất khẩu xe Nhật sang Trung Quốc đã giảm 47%. TPP đến cũng là lúc họ càng củng cố quyết tâm rút bớt khỏi thị trường Trung Quốc.


Toyota là hãng được xem sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Họ sẽ có cơ hội bứt khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Concept Carz.

Toyota là hãng được xem sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Họ sẽ có cơ hội bứt khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Concept Carz.

Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều nhận định, Toyota là thương hiệu hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực thi hành Ngược lại, sự xâm lấn tiềm năng của các thương hiệu Nhật Bản nói chung đang đe dọa thị trường nội địa của những nước thành viên như Mỹ, Canada.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa qua đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc gia nhập TPP. Thế nhưng điều này sẽ khó xảy ra, ít nhất đối với ngành xe hơi yếu ớt của Trung Quốc, khi họ vẫn chưa thành công trong việc chinh phục khách hàng các nước, đặc biệt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu...

Nếu chỉ ra một điểm có lợi cho Trung Quốc trong TPP, có lẽ đó là lĩnh vực sản xuất linh kiện.

Khi các nhà sản xuất Nhật và Mỹ giảm áp lực dùng linh kiện nội khối, các cơ sở linh kiện ở Thái Lan và Trung Quốc, nơi có nguồn nhân công và giá thành rẻ hơn, sẽ tiếp tục là lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên, về giá trị trong chuỗi sản xuất, thị trường Trung Quốc có vẻ đang đứng ngoài "cuộc chơi" của ngành xe hơi thế giới.

Theo NHẬT ĐĂNG/ Doanh nhân Sài Gòn