Ở Việt Nam, để bảo vệ ngành công nghiệp ôtô, mức thuế nhập khẩu đã được áp dụng cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam từ đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 50% so với mức 60% của năm ngoái và 70% vào năm 2012, theo lộ trình AFTA. Việt Nam sẽ hội nhập toàn diện vào ASEAN năm 2018 và theo hiệp định thương mại tự do của ASEAN gọi là AFTA, lúc đó, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ tiến tới bằng 0% và thị trường chờ đón môt sự bùng nổ về giá xe nhập khẩu.

Theo VAMA, Bộ Công Thương đã kiến nghị giữ mức thuế nhập khẩu ở mức 50% không đổi cho đến năm 2017. Còn Bộ Tài chính thì kiến nghị mức thuế 50% năm 2015, 40% năm 2016 và 30% năm 2017. Tuy nhiên lộ trình giảm thuế này chưa được Chính phủ Việt Nam thông qua và vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt cuối cùng. Như vậy, thuế nhập khẩu ô tô năm 2015 là không đổi và chưa có biến động nào về giá xe lớn được ghi nhận.

Tuy nhiên, mức thuế mới này sẽ tác động mạnh đến ngành sản xuất ôtô nội địa. Chính vì lẽ đó, VAMA đã nhiều lần kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô.

Sau bao nhiêu năm phát triển và hưởng nhiều ưu đãi, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn “lẹt đẹt” với tỉ lệ nội địa hóa thấp. Các bộ phận có thể được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản như đai an toàn, ghế ngồi, bộ dây điện...và thậm chí các hãng không có nhu cầu nâng cao tỉ lệ này, khi việc nhập khẩu linh kiện thậm chí còn dễ dàng đơn giản và chi phí tốt hơn. Như vậy, khi thuế nhập khẩu bằng 0%, nhập khẩu linh kiện để lắp ráp thậm chí còn đắt đỏ hơn việc nhập một chiếc xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vào Việt Nam. Theo tính toán của VAMA, giá thành sản xuất xe ô tô ở Việt Nam hiện cao hơn 20% so với giá thành một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan do sản lượng của Việt Nam nhỏ và thuế nhập khẩu linh kiện vẫn cao.

Theo tin từ báo Đầu Tư, VAMA từng đề nghị giảm thuế TTĐB cho xe con năm 2015-2016 xuống còn 40%, năm 2017 còn 35% và năm 2018 còn 30%. VAMA cho hay, hiện tại Thái Lan, Philipine chỉ tính thuế tương tự là 20%. Với dòng xe khách 16-14 chỗ ngồi, VAMA cũng đề xuất xóa bỏ thuế TTĐB vì đây là dòng xe thương mại, hỗ trợ nhiều cho việc đi lại của người dân.

Cũng theo báo Đầu Tư, trong một động thái khác, VAMA đề nghị trong giai đoạn chuyển tiếp, khi thị trường ô tô Việt Nam chưa đạt được đủ lớn, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao của doanh nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay. Mức ưu đãi nằm trong phạm vi cho phép của Tổ chức Thương mại Thế giới (tương đương 10% giá trị tính thuế TTĐB).

Trước đó, hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam VAMi gồm 7 đơn vị: ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp (VEAM), Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Công ty cổ phần Trường Hải Auto,  Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Công ty TNHH một thành viên cơ khí Z179, và Trung tâm tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam - MDC cũng kiến nghị xin thêm ưu đãi, đề nghị chính phủ sớm đưa ra các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiền lược phát triển ngành ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước hết, VAMI kiến nghị giữ trần thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) trong các cam kết FTA, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong liên minh thuế quan. Riêng lộ trình giảm giá thuế nhập khẩu ATIGA là 50% đến 2016 và có thể giảm xuống 30% năm 2017.

VAMI cũng muốn bãi bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt cho xe buýt nhỏ từ 16-24 chỗ với lý do đây là phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh; miễn trừ thuế đất cho các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe khách; giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5-7%…

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, VAMI đề xuất cho vay dài hạn (15-20 năm) lãi suất từ 0 đến 3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu.

Cuối cùng VAMI muốn các Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các chính sách cho ngành công nghiệp ô tô trong năm 2014 để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, cả VAMA và VAMI đều có động thái xin thêm ưu đãi về chính sách và thuế, nhằm đối phó với tình hình hội nhập sắp tới, đặc biệt là chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên Luật thuế TTĐB sửa đổi vừa được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 thông qua đã không đưa ô tô vào diện sửa đổi.

Theo Bộ tài chính, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu nhiều về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Do vậy, sẽ rất khó để việc giảm thuế TTĐB để thông qua.