Đã 10 tháng, sau khi Quy hoạch và Chiến lược phát triển CN ô tô được phê duyệt, quan trọng hơn thời gian đến mốc thuế NK xe nguyên chiếc về 0% chỉ còn rất ngắn (năm 2018), song các nhà quản lý vẫn loay hoay chưa cho ra được chính sách hỗ trợ cho sản xuất trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là do các bộ ngành chưa thống nhất giải pháp hỗ trợ khi thuế vẫn là giải pháp được trông chờ.

Ai vội?

Một lần nữa, mới đây, Bộ Công Thương lại gửi các bộ ngành bản dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (được ký tháng 7-2014) và dự thảo Quyết định của Thủ tướng về vấn đề này.

Chính sách hỗ trợ này đang được các doanh nghiệp hết sức nhấp nhổm mong đợi, thậm chí sốt ruột tới mức một vài thông điệp từ doanh nghiệp phát đi đã "dọa" rằng "nếu không hỗ trợ sản xuất trong nước sẽ hết sức khó khăn", thậm chí nhiều DN còn không dấu diếm xu thế nghiêng sang NK xe nguyên chiếc.

Chẳng cứ doanh nghiệp sốt ruột, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nhận thấy rằng vẫn phải có những chính sách hỗ trợ hiệu quả để phát triển sản xuất ô tô trong nước và thời gian không còn nhiều.

Vậy lý do vì sao Bộ Công Thương lại mất nhiều thời gian cho bản dự thảo này?

3 dòng xe ưu đãi

Thực tế các chính sách hỗ trợ của cơ quan này đưa ra không có gì mới. Theo đó sẽ có 3 dòng xe được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ là:

-    Xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên (xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô);

-    Xe đến 9 chỗ (xe cá nhân, kích thước  nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng và giá cả phù hợp với người tiêu dùng);

-    Xe chuyên dùng (xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng phục vụ an ninh quốc phòng, xe nông dụng nhỏ đa chức năng).

Cùng với đó sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào các sản phẩm quan trọng (khung, sườn, động cơ, hộp số, bộ truyền động) cũng thuộc đối tượng sẽ được Chính phủ hỗ trợ phát triển. Các chính sách hỗ trợ bao gồm tín dụng, thuế, kích cầu thị trường.

Cụ thể, dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất theo từng thời kỳ;

Khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc bằng các giải pháp: Áp dụng ổn định chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước, được hưởng các chế độ ưu đãi của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, được hưởng ưu đãi của Chương trình cơ khí trọng điểm.

Về chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường, các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng ưu tiên sẽ được hỗ trợ chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Tổ chức, cá nhân mua xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ đa chức năng được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.

Tuy nhiên bàn về các chính sách tín dụng, chế độ ưu đãi của chương trình xúc tiên thương mại... nhiều DN cho rằng: quy định là vậy nhưng quá trình thực hiện từng dự án cụ thể DN sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp, không dễ được hưởng.

Vẫn trông vào thuế

Vậy nên giải pháp được Bộ Công Thương chú trọng, cũng là giải pháp được các DN "ngóng chờ" hơn cả lại vẫn là các chính sách liên quan đến thuế. Cụ thể ở đây là thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Theo cam kết hội nhập Việt Nam khó có thể "can thiệp" gì nhiều vào thuế nhập khẩu vậy chỉ còn có thể "động" đến thuế TTDB. Đây cũng chính là mối bận tâm lớn nhất của các DN sản xuất lắp ráp ô tô.

Không phải ngẫu nhiên khi cùng thời điểm này TMV cũng gửi tới Bộ Công Thương bản kiến nghị đề xuất hỗ trợ sản xuất trong nước với 2 (trong số 4 giải pháp) liên quan đến thuế TTDB, đó là thay đổi cách tính thuế TTĐB (thay vì tính trên giá xuất xưởng như hiện nay thì tính trên giá linh kiện NK) và điều chỉnh giảm thuế TTĐB.

Trao đổi với phóng viên ông Yoshihisa Maruta- TGD TMV cũng cho biết TMV đưa ra 4 giải pháp để Chính phủ lựa chọn và giải pháp được DN "ưu tiên" đề xuất số 1 là giải pháp liên quan đến thuế TTĐB.

Có thể nói đây là giải pháp "dễ" thực hiện nhất và nếu thực hiện thì có tác dụng trực tiếp không chỉ đến doanh nghiệp mà còn đến cả người tiêu dùng. Song nó khó có thể nhận được sự "đồng thuận" hoàn toàn từ phía Bộ Tài chính, cơ quan đang phải "lo" nồi cơm Ngân sách.

Bộ Tài Chính băn khoăn

Trước đó đóng góp ý kiến vào bản dự thảo lần đầu, Bộ Tài chính đã đưa ra quan điểm cho rằng: nhiều đề xuất về thuế, phí, lệ phí cần phải cân nhắc khi đưa ra trong giai đoạn hiện nay.

Cơ quan này cho rằng không cần thiết phải sửa đổi thuế suất Thuế TTĐB theo như đề xuất của Bộ Công Thương và các DN.

Thực tế việc thuế nhập khẩu xe ô tô giảm theo lộ trình gia nhập WTO và theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã làm ngân sách nhà nước giảm thu khá nhiều trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu.

Mặc dù quan điểm của Bộ Tài chính là như vậy, song trước các đề xuất của DN, tại bản dự thảo mới này, Bộ Công Thương vẫn đưa giải pháp "thuế" vào.

Để dung hòa và cẩn trọng xem xét "lợi ích" nhiều phía, ngày 7-5 Bộ Tài chính đã có cuộc họp để bàn về đề xuất nói trên của Bộ Công Thương. Do tính chất "nhạy cảm" của vấn đề ý kiến "chốt" cuối cùng của Bộ Tài chính vẫn được giữ kín song được biết là bộ này đã có sự "mềm dẻo" hơn. Dự kiến trong tuần này văn bản đóng góp ý kiến của Bộ Tài chính sẽ được chuyển cho bộ Công Thương. Hy vọng rằng các chính sách sẽ sớm được đồng thuận và được trình ký ban hành.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2018, giữ nguyên mức thuế suất thuế TTDB (Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 70/2014/QH13). Từ năm 2019, thuế TTDB sẽ giảm dần (đến năm 2030) đối với các dòng xe ưu tiên phát triển và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích trên 3.0 lít.

Cụ thể, xe ô tô chở người 9 chỗ trở xuống có dung tích xi-lanh dưới 2.0 lít (dòng xe ưu tiên), thuế TTDB sẽ giảm mạnh từ 45% xuống 30%. Dòng xe có dung tích xi-lanh trên 2.0 lít đến 3.0 lít giữ nguyên mức thuế suất thuế TTDB là 50%. Với dòng xe có dung tích xi-lanh trên 3.0 lít, dự thảo có đề xuất tăng, song mức tăng đã nhẹ nhành hơn (từ 60% lên 70%) so với đề xuất trước nếu trước đó (từ 60% lên 120%, thậm chí cao nhất là 195%).

Cùng với đó, một số dòng xe khác cũng được đề xuất giảm thuế TTDB như: Giảm từ 30% xuống 15% với xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến dưới 16 chỗ; giảm từ 15% xuống 5% với xe ô tô chở người từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ và xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng…

 

Gia Linh