Có không ngành công nghiệp ô tô?

Với tỷ lệ nội địa hóa thấp, chủ yếu là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, nhiều ý kiến, trong đó có cả các thành viên VAMA, cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại. Tuy nhiên, khẳng định tại buổi họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập VAMA hôm 30/7, Chủ tịch VAMA Yoshihisa Maruta khẳng định “VAMA đã có sự đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”. 

Theo ông Yoshihisa Maruta, tỷ lệ nội địa hóa thấp nguyên nhân chính là do quy mô thị trường bé, sản lượng sản xuất ra còn thấp. “Có thể thị trường không tăng trưởng như chúng ta kỳ vọng nhưng thời điểm này chưa thể nói chiến lược xe hơi thất bại. Chúng ta có thể nói rằng, tiềm năng thị trường xe hơi Việt Nam là rất lớn…”- ông Yoshihisa Maruta quả quyết.

Báo cáo của VAMA cho hay, từ doanh số bán của 11 thành viên VAMA đạt 14.000 xe trong năm đầu hoạt động, sau 15 năm, con số này đã vượt qua 130.000 xe hàng năm. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 91.711xe (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu bởi các thành viên VAMA). 9 trong 10 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng là các sản phẩm được lắp ráp trong nước. 

Hiện 17 thành viên của VAMA đang hướng đến mục tiêu đưa tổng sản lượng sản xuất và doanh số bán trên 130.000 xe (lắp ráp) trong năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng doanh số tích lũy của VAMA trong 15 năm qua đã vượt mốc 1.155.000 xe (lắp ráp). 

Với số lượng xe xuất xưởng tăng hàng năm, cho đến nay VAMA đã đáp ứng gần 80% nhu cầu xe du lịch và 60% nhu cầu xe thương mại tại thị trường Việt Nam. Chỉ trong năm 2014, VAMA đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 44.000 tỷ đồng (2 tỷ USD). Được biết, các thành viên của VAMA hiện đang tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.

“Các thành viên VAMA đã đầu tư vào hệ thống sản xuất các dây chuyền hiện đại về hàn than vỏ xe, công nghệ sơn, lắp ráp nội thất, hệ thống kiểm soát chất lượng và thử nghiệm. Hiện tại, các thành viên VAMA có 17 cơ sở sản xuất/lắp ráp xe tại Việt Nam. Đi cùng các dây chuyền công nghệ chính là việc truyền tải kiến thức, kỹ thuật quý giá cho các kỹ sư và nhân viên người Việt  thông qua các chương trình đào tạo trong nước và nước ngoài”- ông Michael Behrens, thành viên Ban điều hành VAMA cho biết thêm…

“Giấc mơ” xã hội hoá xe hơi

Với dân số hơn 90 triệu người, GDP đầu người đạt 2.208 USD/năm và khả năng mức tăng trưởng GDP đạt 6%/năm, theo dự báo của VAMA, quá trình xã hội hóa xe hơi sẽ diễn ra mạnh mẽ vào giai đoạn 2021- 2022 khi GDP đầu người đạt ngưỡng 3.000 USD/năm. “Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể giải quyết về vấn đề dung lượng thị trường…”- ông  Yoshihisa Maruta nói. Tuy nhiên dung lượng đó là bao nhiêu xe, Chủ tịch VAMA cho rằng “rất khó trả lời”, bởi theo ông điều này còn phụ thuộc vào mỗi mẫu xe.

“Định hướng chung của VAMA và các thành viên là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam thông qua việc khuyến khích và thúc đẩy phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô trong nước…”, ông Michael Behrens khẳng định. 

Thành viên Ban điều hành VAMA cũng cho biết, trong suốt 15 năm qua, VAMA cùng các thành viên đã luôn tập trung vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ, đồng thời đẩy mạnh nền công nghiệp phụ trợ vốn rất quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, VAMA cũng là nhân tố quan trọng tác động không nhỏ đến các chính sách về thuế và vốn, góp phần bình ổn thị trường ô tô trong nước và tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch…

 

Theo Báo pháp luật