Như e ngại của không ít người quan tâm tới công nghiệp ô tô của Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương lại có nhiều bất đồng trong việc đưa ra các chính sách thuế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ô tô. Trên thực tế, các chính sách thuế có liên quan mật thiết tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tác động rất lớn trong quyết định triển khai tiếp các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Trong bối cảnh các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia đang có nhiều chính sách linh hoạt và hấp dẫn để thu hút thêm những khoản đầu tư mới, có trị giá lớn cho công nghiệp ô tô, đặc biệt là các dự án liên quan đến ô tô chạy pin điện, thì việc các cơ quan chính sách của Việt Nam vẫn “ông chẳng, bà chuộc” về các chính sách thuế, dự báo sẽ khó có thêm khoản vốn đầu tư đột phá nào đổ vào ngành công nghiệp ô tô từ nay tới năm 2018 - thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về 0%.

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp ô tô có hoạt động sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam rất quan tâm hiện nay là lộ trình thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ năm 2015 đến năm 2018. Theo đề xuất của Bộ Công thương khi cụ thể hóa cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thì thuế suất thuế nhập khẩu cần giữ nguyên 50% tới năm 2017, sau đó hạ về 0% từ năm 2018.

Lộ trình này cũng được các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất sâu ở Việt Nam như Toyota Việt Nam hay Công ty Ô tô Trường Hải ủng hộ. Các doanh nghiệp ô tô này đã từng cho hay, với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô ở mức 50%, lắp ráp tại Việt Nam còn lợi thế nhất định với nhập khẩu, chứ giảm xuống 30% thì lợi thế này sẽ mất đi và việc nhập khẩu xe nguyên chiếc chắc chắn sẽ tăng lên ở các doanh nghiệp không có đầu tư sâu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng, phương án thuế suất thuế nhập khẩu với ô tô giảm dần đều, đồng nghĩa với nới lỏng dần mức bảo hộ, sẽ tránh được việc giảm thuế đột ngột ở cuối lộ trình. Điều này giúp ngành ô tô có thời gian thích nghi trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế. Lộ trình đã được Bộ Tài chính dự thảo trước đó là năm 2014 - 2015 có thuế suất 50%, năm 2016 giảm xuống 40%, năm 2017 còn 30% và năm 2018 về 0%.

Mặc dù phương án cuối cùng sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, song có thể thấy, quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ Công thương trong chính sách thuế với ô tô vẫn tiếp tục không chung một đường như thực tế của cả chục năm qua.

Điều đó càng thể hiện rõ ràng với hàng loạt đề xuất của Bộ Công thương và ý kiến góp ý của Bộ Tài chính liên quan đến ô tô.

Đề xuất về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xy lanh dưới 2.000 cm3 hay bổ sung thêm dòng thuế cho xe tiết kiệm nhiên liệu cũng không nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính.

Lý do là, theo Bộ Tài chính, khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, sẽ có nhiều linh phụ kiện được giảm thuế, khiến ngân sách thất thu khá nhiều do ô tô và linh kiện là mặt hàng vốn có thuế suất cao, kim ngạch lớn. Trước bối cảnh giảm thu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm về 20% vào năm 2016, thì việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sẽ càng khiến giảm thu ngân sách, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô vẫn không đạt được.

Sự đồng điệu hiếm hoi của hai bộ nằm ở thuế thu nhập doanh nghiệp. Với đề xuất của Bộ Công thương về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế 10% trong 30 năm theo Luật số 32/2013/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 và Nghị định 218/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện đáp ứng được các điều kiện đặt ra hay đầu tư sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện với môi trường chắc chắn được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, các loại phí liên quan như phí môi trường, khí thải, phí xe cá nhân đi vào nội đô hay phí trước bạ vẫn tiếp tục được chứng kiến thực tế không tìm được tiếng nói chung giữa 2 bộ.

Theo Thanh Hương - Báo Đầu Tư