Các thương hiệu Nhật tận dụng tối đa sân chơi tại quê hương của mình để làm bàn đạp ra mắt xe mới nổi nhất, hiện đại nhất, đẹp mắt nhất với tham vọng từ đó tiến ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, những hãng xe cạnh tranh tới từ bên ngoài cũng đều hướng sự chú ý về sân chơi "điên rồ" này với các dòng xe nội địa kỳ dị với tên gọi cũng dị không kém như Naked Be-Pal. Số lượng khách tham quan quốc tế đổ dồn về Tokyo thăm thú triển lãm đông vô kể. Thời điểm đó, General Motors còn bán được 50.000 xe mỗi năm tại Nhật. Tokyo giống như một tấm gương phản chiếu tương lai tươi sáng – viễn cảnh mà ai ai cũng nhìn ra vào thời điểm đó.

Ngay cả vào giai đoạn cuối 1990 – đầu 2000 khi nền kinh tế Nhật đi xuống, triển lãm này vẫn giữ lại được phần lớn sức hút của mình. Tuy vậy ngay sau đó, 2 đòn chí mạng giáng vào triển lãm Tokyo khiến vị thế của họ không bao giờ có thể hồi phục lại như trước.

Triển lãm Tokyo đã mất đi ánh hào quang từng dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

Triển lãm Tokyo hiện tại đã thua kém khá xa các sự kiện với quy mô tương đương tại Trung Quốc.

Diễn ra đầu tiên là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi triển lãm diễn ra 2 năm 1 lần này khai mạc trở lại vào 2009, gần như không một thương hiệu quốc tế nào xuất hiện, khiến ban tổ chức thậm chí từng có ý định hủy triển lãm.

Lần tiếp theo là năm 2011 – thời điểm nước Nhật bị tàn phá bởi động đất – sóng thần – thảm họa nhà máy điện hạt nhân. Các hãng xe Nhật hầu hết phải ngưng sản xuất trong năm đó và cũng chẳng mấy ai có tâm trạng tham dự triển lãm khi đó cả. Các thương hiệu Đức trở lại nhưng bộ 3 đại gia Detroit là Ford, GM và Chrysler tiếp tục đứng ngoài.

Triển lãm kế tiếp diễn ra vào năm 2013 cũng không khá khẩm hơn là bao, lần này là do sự yếu kém từ phía tổ chức khi thời điểm khai màn triển lãm trùng lặp với 2 sự kiện ô tô toàn cầu quy mô khủng không kém, thậm chí hơn là triển lãm Los Angeles (Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc). Từ đó tới nay, Tokyo Motor Show vẫn chưa thể tìm lại được ánh hào quang vốn có của mình.

Ban tổ chức triển lãm Tokyo – Hiệp hội các nhà sản xuất xe Nhật Bản (JAMA) đã cố gắng thay đổi khung thời gian khai mạc lẫn độ dài triển lãm hay thậm chí địa điểm tổ chức cùng các chiêu trò như lái thử xe miễn phí, vé vào cửa đặc biệt trước triển lãm hoặc chủ đề tổ chức mới lạ để lôi kéo thêm các hãng xe và khách tham quan về phía mình. Tuy vậy, họ vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại quá lớn.

Triển lãm Tokyo đã mất đi ánh hào quang từng dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Giờ các thương hiệu quốc tế đã nghiêng hẳn về lựa chọn ra mắt xe mới tại Trung Quốc. Ảnh: Volkswagen I.D tại triển lãm Bắc Kinh 2018, Nguồn: China Daily.

Thị trường ô tô Nhật Bản đang xuống dốc là điều không ai có thể phủ nhận bởi dân số già hóa và cũng ngày một ít đi. Dù vẫn là thị trường đứng thứ 3 thế giới về doanh số (sau Trung Quốc và Mỹ) nhưng số lượng xe bán ra tại đây hiện tại chỉ có ngang hoặc giảm, không thể tăng lên nữa với tương lai cũng đậm sắc thái ảm đạm.

Việc các thương hiệu Nhật thống trị "miếng bánh" nội địa cũng làm nhiều hãng xe quốc tế chùn chân, chẳng hạn như GM hay Jaguar Land Rover khi từng thẳng thừng tuyên bố họ thà đầu tư vào các sự kiện khác tốt hơn chẳng hạn như các triển lãm từ Trung Quốc. Thật vậy, Trung Quốc đã và đang vượt mặt Nhật Bản như sân chơi triển lãm dẫn đầu châu Á với 2 sự kiện hàng đầu tổ chức tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Hiếm có hãng xe nào có thể từ chối sức hấp dẫn tới từ số lượng khách hàng khổng lồ cũng như tiềm năng vô giới hạn của thị trường châu Á này. Không quá khi nói rằng giờ đây vị thế 2 triển lãm nói trên không thua kém thời kỳ hoàng kim của Tokyo Motor Show gần 30 năm trước.

Trước mắt, Tokyo Motor Show có quân bài Olympic mùa hè 2020 để có thể cứu vãn một triển lãm được coi là "thất bại" nữa của mình.

Tham khảo: Autonews