Tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, từ ngày 29/10 sẽ cấm ôtô khách trên 25 chỗ ở cả hai hướng trong khoảng thời gian 6h-22h tại đường Lê Hồng Phong (đoạn từ đường Hùng Vương đến Lý Thái Tổ), đường Vĩnh Viễn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Ngô Gia Tự) và đường Trần Nhân Tôn (đoạn từ đường Ngô Gia Tự đến đường Hùng Vương), đây là các tuyến đường thuộc Quận 10.

Ngoài ra từ ngày 10/3, Sở GTVT cũng cấm ôtô dừng và đỗ từ 6h đến 24h trên đường Phạm Ngũ Lão (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh), trong khi ôtô con, xe khách dưới 26 chỗ được phép dừng trong các ô đỗ không quá 5 phút để lên xuống khách, xe lớn hơn phải đi vào bến xe buýt trong Công viên 23/9 để lên xuống khách.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc.

Theo đó UBND TP.HCM cho biết từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện và xử lý 3.765 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt 5.702.600.000 đồng; thu hồi 96 phù hiệu (95 xe hợp đồng, 01 xe chạy tuyến cố định) và phối hợp thu hồi 159 phù hiệu do các địa phương khác quản lý.

Riêng năm 2015, qua rà soát, thống kê trên địa bàn thành phố có 148 điểm có hoạt động đón trả khách, đến nay còn 85 điểm có hoạt động đón trả khách (giảm 42,5% so với 148 điểm năm 2015), trong đó có 27 điểm có nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông.

Về nguyên nhân hình thành bến xe khách lậu, TP cho rằng theo quy định, xe hợp đồng và xe du lịch được đón khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng, nên các đơn vị vận tải thành lập văn phòng, chi nhánh, địa điểm kinh doanh và sử dụng xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách tại các địa điểm này, nếu các địa điểm này không bị cấm dừng, cấm đỗ xe.

Trường hợp hoạt động tuyến cố định, thì sử dụng xe từ 16 chỗ trở xuống để trung chuyển khách từ văn phòng, chi nhánh, địa điểm kinh doanh đến bến xe và ngược lại. Qua đó, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông tại những địa điểm này.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Phòng Kinh tế các quận, huyện) khá dễ dàng, không kiểm tra điều kiện hoạt động nên sau khi cấp thì một số vị trí này lập tức trở thành bến xe khách lậu.

Về giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, TP cho biết đã giao Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc quận, huyện có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch.

TP cũng khẳng định sẽ “kiên quyết xóa bỏ và không để tái diễn tình trạng xe “dù”, xe khách trá hình, hoàn thành trước ngày 31/12/2016”.

Hiện nay trên địa bàn có 4 bến xe được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định gồm: Bến xe Miền Đông: 163 tuyến liên tỉnh cố định do 215 đơn vị khai thác với 2.200 xe, bình quân ngày có 1.100 lượt xe xuất bến, vận chuyển 20.500 lượt khách; cao điểm phục vụ Lễ Tết: 1.850 lượt xe xuất bến, vận chuyển 52.700 lượt khách, tăng 157% so với ngày bình quân.

Bến xe Miền Tây: 104 tuyến liên tỉnh cố định do 138 đơn vị khai thác với 2.000 xe, bình quân ngày có 1.350 lượt xe xuất bến, vận chuyển 30.000 lượt khách; cao điểm phục vụ Lễ Tết: 2.000 lượt xe xuất bến, vận chuyển 60.000 lượt khách, tăng 100% so với ngày bình quân.

Bến xe An Sương: 25 tuyến liên tỉnh cố định do 44 đơn vị khai thác với 367 xe, bình quân ngày có 367 lượt xe xuất bến, vận chuyển 8.300 lượt khách; cao điểm phục vụ Lễ Tết: 480 lượt xe xuất bến, vận chuyển 10.200 lượt khách, tăng 23% so với ngày bình quân.

Bến xe Ngã Tư Ga: 78 tuyến liên tỉnh cố định do 75 đơn vị khai thác với 302 xe, bình quân ngày có 51 lượt xe xuất bến, vận chuyển 2.000 lượt khách; cao điểm phục vụ Lễ Tết: 164 lượt xe xuất bến, vận chuyển 6.000 lượt khách, tăng 200% so với ngày bình quân.

Theo Infonet