Phải đánh giá tổng thể chiến lược năm 2004

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 1434/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về xe chiến lược. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chế tạo, sản xuất tại Việt Nam các loại ôtô tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường và phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng cần cân nhắc thêm sự cần thiết phát triển dòng xe chiến lược trong phân khúc xe ô tô du lịch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Theo đánh giá chung, giai đoạn 1 của quy hoạch đã khá thành công trong việc phát triển dòng xe tải, xe bus và chưa thành công ở dòng xe du lịch. Vì thế, ở giai đoạn 2 của quy hoạch sẽ là kế hoạch 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó xác định rõ dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch để chuẩn bị cho giai đoạn ôtô hóa (motorization – ôtô dưới 9 chỗ sẽ đạt trên 50 xe/ 1000 dân) tại Việt Nam mà theo tính toán của Bộ Công Thương sẽ diễn ra trong khoảng năm 2020 – 2025.

Xe chiến lược khó ra đời trong năm 2010

Tuy nhiên, tới thời điểm này, vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau về tiêu chí của dòng xe chiến lược, trong khi thời gian hội nhập hoàn toàn và thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN sẽ bằng 0% chỉ còn chưa đầy 8 năm, vào năm 2018. Đề xuất duy nhất của Bộ Công Thương về xe chiến lược tính tới thời điểm này (xe đa dụng 7 chỗ ngồi có dung tích động cơ dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí thải euro 2) vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và dư luận.

Cũng theo ông Trụ, Bộ Công Thương đang tiến hành đánh giá tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô năm 2004. Ông Trụ cho rằng, nhiều khả năng tiêu chí về xe chiến lược khó ra đời trong năm 2010 này. Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất thành lập tổ công tác (gồm các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và nhà quản lý) và sẽ trình tiêu chí về xe chiến lược trong quý I/2010, tuy nhiên đề xuất này không được chấp thuận.

Quy trình ngược?

Trong khi xe chiến lược vẫn chưa có hình hài cụ thể, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục hoài nghi về sự ra đời này. Ông Dư Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội kỹ sư ôtô Việt Nam, cho biết ông cũng không hiểu tại sao Bộ Công Thương lại đặt vấn đề lấy ý kiến của các ban ngành, doanh nghiệp để đưa ra việc sản xuất dòng xe chiến lược.

"Chúng ta kỳ vọng gì và tiến tới đâu khi đặt ra dòng xe chiến lược? Về mặt thuật ngữ, xe chiến lược, tức là lâu dài, nhiều người dùng, do VN sản xuất là chính. Xe này là xe tải hay là xe buýt?"- ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, khái niệm xe chiến lược dành cho một đất nước khi nền công nghiệp ôtô đã tự chủ. Đến lúc đó, chẳng hạn cần tập trung hoàn thiện vào dòng xe buýt, thiếu cái gì thì nghiên cứu, hoàn thiện, nghĩa là, ta có thể làm đượcvà tự chủ làm được. Ông Thịnh nhấn mạnh, chúng ta phải có nền công nghiệp sản xuất ôtô rồi thì mới nghĩ đến dòng xe chiến lược, chứ không phải là làm ngược lại.
 
Theo VNMedia